Thông tin ban đầu, vào khoảng 7h30 cùng ngày, chị Lan từ nhà ra bến đò để qua bờ bên kia đi chợ, mua lương thực thực phẩm. Tuy nhiên, đò ngang chở qua sông bị cấm mấy ngày qua, chị Lan và một số người khác liều mình lội bộ qua đoạn đường bị nước ngập sâu.
Khi ra đến giữa dòng, chị Lan bị hụt chân, rớt xuống đoạn đường do lũ làm xói, hư hỏng. Thấy chị Lan hụt chân, anh Nhân (một người dân đi cùng) chạy tới ứng cứu nhưng cả hai bị dòng nước chảy xiết cuốn mạnh vào ống cống, trôi qua bờ bên kia.
Anh Nhân may mắn bơi được vào bờ, còn chị Lan bị dòng nước chảy xiết cuốn đi.
Khi nghe tiếng hô hoán, rất nhiều người dân xung quanh đã nhảy xuống tìm kiếm nhưng khoảng 15 phút sau mới vớt được chị Lan, cách vị trí xảy ra sự cố hơn 50m. Lúc này thân thể chị Lan đã tím tái. Dù được người dân địa phương tích cực sơ cứu nhưng chị Lan không qua khỏi.
|
Người dân cho rằng việc cấm đò nhưng không bố trí phương tiện thay thế của chính quyền vô cảm đã dẫn đến những việc dâu lòng xảy ra |
Theo người dân địa phương, chị Lan có hoàn cảnh hết sức khó khăn, bản thân bị câm bẩm sinh. Chị không có chồng nhưng có một cậu con trai 7 tuổi. Hàng ngày chị Lan phải vất vả bán hàng rong cho các hàng quán đến tận đêm khuya, kiếm tiền về nuôi con cùng cha mẹ già.
Cách đây 4 ngày, tại vị trí này cũng đã xảy ra vụ lật ghe chở 5 người khiến 1 người nhập viện. Sau khi xảy ra sự cố lật ghe, chính quyền địa phương đã ban lệnh cấm đò ngang qua lại thôn Ân Phú, tuy nhiên lại không bố trí phương tiện thay thế khác khiến người dân ở đây không có phương tiện qua lại. Rất nhiều em học sinh mấy ngày qua phải nghỉ học, người dân nghỉ làm vì không thể di chuyển qua sông.
Thôn Ân Phú có gần 400 hộ dân với gần 2.000 nhân khẩu. Thôn nằm giữa dòng sông Trà Khúc, vào mùa lũ thường xuyên bị nước sông cô lập nên muốn đi lại phải phụ thuộc vào đò.