Người tự nguyện làm việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” này là ông Hồ Văn Điều (SN 1958, ngụ xóm 6, xã Quỳnh Văn, huyện Quỳnh Lưu, Nghệ An).
Lái xe dọa đánh vì cứ chạy “lăng xăng” trên đường
Từ lâu ở ngã tư xóm 6, xã Quỳnh Văn (Điểm giao cắt giữa quốc lộ 1A với đường vào trường Tiểu học Quỳnh Văn B) đã trở thành một “điểm đen” giao thông, xảy ra nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nạn nhân là các em nhỏ đang tuổi cắp sách tới trường. Chứng kiến cảnh tượng đau lòng, ông Điều bỏ công việc bảo vệ ở hợp tác xã để ra đứng ở đoạn đường “tử thần”, dắt tay các em học sinh đến trường an toàn.
“Người đặc biệt” tâm sự, hình ảnh các em học sinh đùa nghịch lúc qua đường trong khi nhiều xe ô tô trọng tải lớn lao vun vút khiến ông rất lo lắng. Mỗi ngày đi qua đây, những hình ảnh nguy hiểm đập vào mắt khiến ông đau đáu trong lòng phải làm gì đó để bảo vệ các em. Bắt đầu từ năm 2004, ông Điều giấu vợ con, bỏ việc ra ngã tư “tử thần” làm “cảnh sát giao thông” bất đắc dĩ.
Ông Điều nhớ lại: “Những ngày đầu tôi không có dụng cụ gì để chỉ dẫn nên đành bẻ một cành cây ven đường rồi giơ lên làm hiệu cho xe cộ dừng lại để các em học sinh sang đường. Lúc đó mọi người đều bảo tôi “có vấn đề về thần kinh” nên mới đi làm cái việc rỗi hơi ấy. Đặc biệt nhiều khi tôi còn bị các lái xe dọa nạt đòi đánh vì cứ chạy đi chạy lại qua đường liên tục khiến họ phải dừng xe lại. Những lúc đó tôi cũng chỉ biết cười trừ, cố giải thích để các anh tài xế hiểu và thông cảm. Nhiều anh hiểu ra thì bắt tay tôi cười nói, rồi cứ khi nào lái xe đến đọan đường đó thì cẩn thận giảm tốc độ”.
Gần 10 năm qua, không kể trời mưa hay nắng, ông Điều cần mẫn ra đứng đường, dẫn dắt học sinh sang đường an toàn. Sáng nào cũng vậy, ông đến thật sớm chờ từng học sinh. Cứ được một nhóm 5 - 7 em là ông thổi còi, tập hợp bọn trẻ xếp hàng ngay ngắn rồi đợi lúc xe cộ ít là cầm tay, dẫn các em qua đường. Nhiều em học sinh mới lớp 1, lớp 2 ông còn phải cõng lên lưng hoặc dắt vào đến tận cổng trường mới thấy an tâm. “Tôi chờ cho đến lúc trống trường báo hiệu vào học tôi mới về nhà làm các công việc gia đình. Đến giờ tan trường, dù bận gì đi nữa tôi vẫn ra đón các em qua đường”, ông Điều kể.
Ông làm công việc “chẳng giống ai” này trong một thời gian dài nên mặt mũi, tên tuổi, lớp học các cháu từ lớp 1 đến lớp 5 đi qua đoạn đường này ông đều biết cả. Cứ hôm nào thấy thiếu một em học sinh là ông phát hiện ra ngay rồi vào tận lớp học, thậm chí đến gia đình tìm hiểu lí do nghỉ học. “Cứ thấy thiếu là tôi lo lắng. Tôi coi các cháu như con cháu trong nhà”, ông Điều tâm sự.
Lúc đầu khi thấy ông Điều làm công việc, nhiều người dân xung quanh tỏ vẻ ngạc nhiên; không ít người chê ông “dở người”. “Những lúc đó tôi không nản chí, giúp đỡ được các cháu là tôi thấy vui”, ông chia sẻ. Thời gian đầu, người vợ ông cũng cản trở quyết liệt, khiến không khí gia đình căng thẳng, vợ chồng không thưa nhau. Căng thẳng đến mức, bà vợ họp cả họ hàng để cùng ra sức khuyên can ông không tốn thời gian vào những việc “vô bổ”. “Ấy thế mà tôi chẳng nghe. Sau một thời gian thì bà hiểu công việc của tôi và không cấm cản nữa”, ông Điều nhớ lại. Thậm chí hiện nay, nhiều hôm “trái gió trở trời”, ông chồng bị ốm thì người vợ thay chồng ra “trực” ở ngã tư, đưa đón học sinh qua đường.
Ông Điều chỉ dẫn cho học sinh sang đường |
Nhiều người dân ở đoạn đường cho biết, trước đây, mỗi năm có hàng chục vụ tai nạn giao thông lớn nhỏ xảy ra ở ngã tư này. Từ khi có ông Điều “giao thông”, rất hiếm tai nạn xảy ra. Nhìn vào những gì ông làm được, giờ đây không ai còn dám chế giễu ông Điều, ai cũng khâm phục và biết ơn ông.
Một phụ huynh Trường tiểu học Quỳnh Văn B cho biết: “Vợ chồng tôi bận việc đồng áng, không thể hằng ngày đưa đón con đi học. Trước đây cứ mỗi lần con đến trường chúng tôi đều nơm nớp lo sợ. Vợ chồng tôi luôn dặn dò cháu cẩn thận mỗi khi qua đường. Những khi nghe có tai nạn là chúng tôi hoang mang không biết con mình có làm sao không. Từ khi có bác Điều chỉ dẫn cho con cái, chúng tôi yên tâm rất nhiều. Nhờ bác mà con cái chúng tôi được an toàn mỗi khi đến trường học, còn vợ chồng tôi thì yên tâm làm việc. Tất cả những phụ huynh có con cái học ở trường tiểu học Quỳnh Văn B đều rất biết ơn bác ấy”.
Một người dân ở đây cho biết, việc các em học sinh đến trường học qua đoạn đường này từ lâu đã trở thành nỗi ám ảnh. Nhiều em vì quá sợ hãi mà không dám bước sang đường để vào trường. Nhiều em vào lớp muộn học vì cứ chờ hết dòng xe này đến dòng xe khác. Kể từ khi có ông Điều, mọi nỗi lo tan biến. Ông trở thành một người bạn gần gũi với lũ trẻ. Nhờ được ông Điều chăm sóc, dẫn đường, các cháu học sinh đều rất yêu quý và nghe lời ông.
Nhiều thế hệ học sinh được ông Điều dẫn đến trường nay đã lên cấp ba,vào đại học nhưng khi đi ngang qua đoạn đường vẫn chào ông bằng câu nói trìu mến: “Bác Điều ơi cho cháu qua đường với”. “Những lúc như vậy tôi thấy rất vui, cảm thấy cuộc đời mình ý nghĩa”, ông tâm sự.
Năm 2009, nhân dân địa phương đề nghị Ủy ban nhân dân xã có chế độ với ông Điều. Cảm kích trước công việc của ông, chính quyền cấp cho ông bộ quần áo đồng phục và chiếc gậy làm phương tiện để ông làm việc. Ông Lê Văn Ba, Phó chủ tịch xã Quỳnh Văn cho biết: “Từ khi có ông Điều chỉ dẫn ở đoạn đường, các vụ tai nạn giảm rõ rệt. Việc làm của ông khiến người dân và chính quyền cảm động. Tấm gương ông Điều đáng để cho tất cả mọi người học tập. Lúc đầu ông Điều làm tự nguyện, không trình báo lên xã nên chúng tôi không biết. Từ năm 2009, thấy hành động thiết thực của ông Điều, chính quyền xã đã quyết định cấp cho ông dụng cụ và quần áo đồng phục. Ngoài ra, trợ cấp mỗi tháng 500 nghìn cho ông. Tất cả nhân dân trong xã đều ủng hộ việc làm của ông, họ đều yên tâm hơn khi gửi gắm con cái cho ông Điều”.
Số tiền trợ cấp của xã chưa phải là nhiều, nhưng đấy là động lực để ông tiếp tục hăng say làm việc, không quản mưa nắng giúp đỡ các em nhỏ. Ông tâm sự: “Tôi làm việc này không phải vì tiền mà xuất phát từ tình yêu thương lũ trẻ. Bọn trẻ còn non nớt, chưa thể tự bảo vệ bản thân vì vậy người lớn chúng ta phải có trách nhiệm với chúng. Làm công việc này là phải có cái tâm, còn nếu không có thì khó mà làm lâu dài được”.