100% hộ nấu rượu làng Vân chưa đăng ký

Làng Vân, làng nấu rượu truyền thống nổi tiếng đất Kinh Bắc, hiện chỉ còn khoảng trên 100 hộ duy trì nghề cha ông truyền lại, gia đình một số cán bộ chủ chốt của xã Vân Hà cũng tham gia nghề nấu rượu truyền thống này. Nhưng đến nay, khi Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực, 100% số hộ nấu rượu Làng Vân vẫn chưa đăng ký với cơ quan chức năng.

Làng Vân, làng nấu rượu truyền thống nổi tiếng đất Kinh Bắc, hiện chỉ còn khoảng trên 100 hộ duy trì nghề cha ông truyền lại, gia đình một số cán bộ chủ chốt của xã Vân Hà cũng tham gia nghề nấu rượu truyền thống này. Nhưng đến nay, khi Nghị định 94/2012/NĐ-CP về sản xuất, kinh doanh rượu có hiệu lực, 100% số hộ nấu rượu Làng Vân vẫn chưa đăng ký với cơ quan chức năng.

Điều đó có nghĩa, một số lãnh đạo chủ chốt của xã Vân Hà- lẽ ra phải là người gương mẫu và tiên phong trong việc thực thi pháp luật- vẫn còn chần chừ và đang trong giai đoạn nghe ngóng.

Ông Đỗ Danh Dụng: “Nếu sau khi đăng ký mà phải nộp thêm nhiều loại phí khác thì chắc chúng tôi không kham nổi”.

“Để nghiên cứu xem thế nào đã”.

“Xã Vân Hà chúng tôi có 3 thôn, trong đó thôn Yên Viên (mọi người vẫn gọi là Làng Vân) với khoảng 800 hộ dân nhưng đến nay chỉ còn trên 100 hộ  duy trì nghề nấu rượu. Sau khi Chính phủ ban hành Nghị định 94, chúng tôi cũng tổ chức tuyên truyền cho dân trong xã thực hiện nhưng nói thật, cho đến hôm nay vẫn chưa có hộ nào đến đăng ký”, Ông Nguyễn Trọng Hội, Chủ tịch UBND xã Vân Hà, mở đầu cuộc trò chuyện.

Theo vị chủ tịch xã, nguyên nhân của tình trạng trên một phần là do nhận thức của người dân còn giới hạn; mặt khác, thủ tục đăng ký lại rườm rà, phức tạp nên tâm lý người dân còn ngại.

“Bấy lâu vẫn nấu rượu tự do, nay nếu đăng ký theo Nghị định 94 họ sợ bị gò bó trong khuôn khổ, sợ phải tốn kém khi nộp thêm nhiều loại phí, lệ phí khác. Có người dân còn bảo, họ nấu rượu theo lối “tự sản, tự tiêu”, chẳng nhờ đến chính quyền và cơ quan chức năng mà rượu của họ vẫn bán được. Vậy khi đăng ký rồi thì việc kinh doanh của họ có tốt hơn trước không?. Hộ khác thì lo lắng: gia đình nấu rượu trong khuôn viên bếp chừng ấy mét vuông, bây giờ đi đăng ký, cơ quan chức năng lại bắt họ mở rộng thêm diện tích cho đảm bảo vệ sinh môi trường thì  xoay xở ra sao?”, ông Hội chia sẻ.

Dù đã tuyên truyền, vận động nhưng  theo lời ông Chủ tịch xã thì hộ gia đình nào cũng cùng chung một câu trả lời: “Để chúng tôi nghiên cứu xem thế nào đã”.

Quy định phải phù hợp, không gây phiền dân

Hiện nay, hộ nấu rượu tại Làng Vân nhiều nhất cũng chỉ cho ra lò chừng 60-100 lít/ngày, hộ nấu ít cũng khoảng 30 lít/ngày, nhưng hầu như chưa hộ dân nào biết được các quy định tại Nghị định 94. “Nghề nấu rượu là do cha mẹ chúng tôi truyền lại. Vợ chồng tôi chỉ có nghề này, không có nghề nào khác. Bây giờ nghe nhà báo nói chúng tôi mới biết có quy định như vậy, chứ đã thấy ai nhắc nhở, thông báo gì đâu”, ông Đỗ Danh Dụng-một hộ nấu rượu tại Làng Vân cho biết.

Vừa nghe chồng phàn nàn, bà Diêm Thị Lợi ngồi cạnh đấy phân trần thêm: “Chắc ông nhà tôi không nghe thấy. Tôi đã nghe 1- 2 lần loa truyền thanh của xã thông báo về quy định nấu rượu phải xin giấy phép gì đó, nhưng nghe câu được câu không, chẳng rõ là quy định cái gì, thủ tục ra làm sao”.

Khi được chúng tôi tặng bản phô tô Thông tư 39/2012/TT-BCT của Bộ Công Thương hướng dẫn thực hiện Nghị định 94 và nghe giải thích về những lợi ích của việc đăng ký với cơ quan chức năng, ông Dụng tỏ ra phấn chấn hẳn: “Nếu được thế thì tốt quá, bởi lâu nay do ảnh hưởng của rượu cồn trôi nổi trên thị trường mà rượu Làng Vân chúng tôi cũng bị vạ lây. Nếu rượu chúng tôi sản xuất ra mà có tem hay nhãn  mác gắn vào thì chẳng lẫn vào đâu được nữa”.

Theo lời kể của ông Dụng, lâu nay ông thường đem rượu đến các tỉnh Hải Phòng, Thái Bình, Hưng Yên... bỏ mối. Trên đường giao hàng, bác phải “đi chui, đi lủi” để tránh công an và các lực lượng chức năng bắt giữ. “Nếu để họ phát hiện, thế nào cũng bị tịch thu rượu, rồi bị xử phạt vì không có giấy tờ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, bị nghi ngờ là tiêu thụ rượu cồn”.

Tuy nhiên, sau giây phút hồ hởi, gương mặt ông Dụng tỏ vẻ ưu tư: “Nhưng khi xin Giấy phép kinh doanh hoặc phải đăng ký thì có mất nhiều tiền không?. Nếu không phải mất tiền hoặc mất ít tiền thì tôi mới đăng ký; còn nếu sau khi đăng ký mà phải nộp thêm nhiều loại phí khác thì chắc chúng tôi không kham nổi. Mỗi ngày chúng tôi nấu khoảng 40kg gạo, tương đương 40 lít rượu, với số tiền lãi khoảng 5.000 đồng/1 lít rượu, bởi vậy, nếu tiền thuế, phí mà cao thì chúng tôi sẽ không đăng ký”.

Không riêng gia đình ông Dụng, nhiều hộ nấu rượu ở làng Vân đều tự tìm mối cho đầu ra của mình và các mối này đã ổn định hàng chục năm nay. Như gia đình bà Nguyễn Thị Loan- Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Vân Hà- mỗi ngày gia đình nấu khoảng 60 lít rượu nhưng phần lớn đều do khách quen đến tận nhà lấy hàng. Chính vì người nấu rượu đã có thói quen “tự sản tự tiêu” từ bao đời nay nên việc yêu cầu họ phải đăng ký hay xin Giấy phép kinh doanh là “cả một sự phiền hà và chưa thấy tác dụng ngay”, một hộ nấu rượu phản ánh.

“Quan điểm của chúng tôi là phải nghiêm chỉnh chấp hành và tuyên  truyền cho dân những quy định mà Chính phủ đã ban hành. Nhưng vì nhiều nguyên do nên hiện tại chưa có hiệu quả ngay. Để  dân hiểu và thực hiện quy định phải cần cả một quá trình”, ông Nguyễn Trọng Hội khẳng định.

Tuy nhiên, ông Chủ tịch xã Vân Hà cũng thẳng thắn: Một trong những nguyên nhân của việc người dân không tuân thủ quy định là Nghị định 94 chưa có chế tài cụ thể. Nếu đã tuyên truyền, vận động mà dân vẫn không tự giác thực hiện thì chính quyền xã phải làm gì, có được xử phạt hay không?. Những vấn đề này cần phải có hướng dẫn cụ thể hơn.

“Phải có chế tài thì mới thực hiện nghiêm được. Nhưng tôi cũng phải nói thêm, dù có chế tài đi chăng nữa nhưng nếu quy định đưa ra không phù hợp, gây khó khăn, phiền phức cho dân thì e rằng hiệu quả thực hiện cũng sẽ không cao”, ông Hội cho biết.

Vân Anh - Trung Thứ

Đọc thêm