Theo đó, cả nước hiện còn khoảng 6,8 triệu héc ta đất (chiếm 20,7% diện tích cả nước) bị ô nhiễm bởi 800.000 tấn bom mìn các loại, chưa kể số còn sót lại trên biển. Số bom mìn chưa nổ hiện nằm rải rác trên khắp cả nước, nhưng tập trung nhiều nhất tại các tỉnh miền Trung.
Hiện trạng ô nhiễm bom mìn còn rất nặng nề, tai nạn do bom mìn vẫn liên tục xảy ra. Từ năm 1975 đến nay, bom, mìn, vật liệu nổ đã khiến hơn 40.000 người chết, trên 60.000 người bị thương, tàn phế.
Chỉ tính riêng một số tỉnh miền Trung có mật độ bom mìn còn sót lại nhiều nhất là Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế, Quảng Nam và Quảng Ngãi đã có trên 22.800 nạn nhân bom mìn (trong đó 10.540 người chết và 12.260 người bị thương). Hơn 20% diện tích đất nước còn bom mìn do chiến tranh để lại, với mức đầu tư hiện nay, 300 năm nữa Việt Nam mới làm sạch được bom mìn. Tuy nhiên, các cơ quan đang nỗ lực rút ngắn thời gian này xuống dưới 100 năm.
Dự án “Rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại một số địa phương của tỉnh Quảng Trị” có giá trị gần 1,5 triệu USD, thực hiện từ năm 2010-2011 đã rà phá, làm sạch vật nổ, bom mìn, trên tổng diện tích 690ha. Tổng số thu gom và xử lý từ dự án là 1.645 quả, trong đó có nhiều loại bom mìn rất nguy hiểm như bom bi, bom cam, đạn M79, bom MK-82, đạn xuyên, đạn cối, đạn phốt pho, đạn chất độc.
Dự án rà phá bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh tại các huyện Kì Anh, Hương Sơn và Can Lộc (Hà Tĩnh) có tổng kinh phí 4 triệu USD thực hiện từ 2015- 2017 đã rà phá, làm sạch trên tổng diện tích 2.550ha đất bị ô nhiễm. Đến nay đã làm sạch được trên 905ha đất bị ô nhiễm bom mìn, thu gom hàng trăm quả bom mìn, trong đó có một số loại bom cỡ lớn như MK84, khối lượng 900kg, bom bi, đạn, pháo...
Đồng thời, chương trình đã xây dựng các nội dung trợ giúp nạn nhân bom mìn hòa nhập cộng đồng giai đoạn 2016-2020; xây dựng cơ chế chính sách phát triển dịch vụ về trợ giúp xã hội đối với nạn nhân bom mìn...