Tiết kiệm giờ đã khác xưa
80 tuổi, mẹ tôi là điển hình của một thế hệ phụ nữ Việt Nam tần tảo, chịu thương, chịu khó. Sống trong gia đình có ba thế hệ, bà thường đem những câu chuyện từ xa xưa ra kể để rèn luyện cho tôi về tính tiết kiệm. Bà nói ngày xưa khó khăn, cụ tôi ra đồng bắt được mớ cá rô, về kho mặn để ăn dè đến nỗi muối đóng thành tảng dưới đáy nồi. Mỗi bữa ăn chỉ cần dùng đũa chấm mút vào con cá là đã đủ.
Thời bao cấp, cả nước vừa qua chiến tranh, thiếu thốn đủ bề, có chiếc quần cũ được phân phối tôi mặc rách bươm, bà tự tay gạn lại vải để khâu cho tôi thành cái áo sát nách. Thói quen tiết kiệm của cái thời đó còn theo bà đến tận bây giờ. Mỗi bữa cơm, món ăn thừa dù ít ỏi, bà cũng bắt tôi đem cất để vào tủ lạnh, chiếc áo con mặc cũ bà không cho đem làm giẻ lau mà giặt sạch thơm tho để khi có dịp là đem ủng hộ người nghèo.
Suốt một thời trẻ, bà đã làm cho tôi tưởng thật khi bà nói chỉ thích ăn cơm nguội với cà muối mặn mà không thích ăn sáng bằng bất cứ món nào khác. Nhưng sau này tôi hiểu bà sợ bát cơm nguội đó bỏ đi sẽ uổng phí, hơn nữa ăn bát phở ở thành phố giá cũng 4, 5 chục ngàn. Bà luôn có cả trăm lý do từ chối mỗi lần vợ chồng tôi mời bà ra ngoài ăn tiệm hay đi du lịch xa…
Chính vì thế, dù không có lương hưu nhưng từ những đồng ít ỏi ăn sáng chúng tôi đưa, bà cóp nhặt được gần trăm triệu đưa tôi khi vợ chồng tôi làm nhà. Thấy giúp được con trong lúc cần kíp, bà hạnh phúc vô chừng.
Chẳng phải riêng mẹ tôi mà nhìn vào những người cùng thế hệ với bà đều thấy giống nhau. Có lẽ cuộc sống với quá nửa đời người phải đi qua chiến tranh và thời bao cấp nên tiết kiệm giống như thói quen sinh tồn. Mẹ tôi thường nói những thứ bà có được đều là do cần, kiệm mà ra. Cuộc sống có vô vàn bất trắc, không thể nói trước được điều gì, nếu làm một đồng, tiêu đi một đồng, lúc sa cơ lỡ vận sẽ chẳng biết bấu víu vào đâu.
Bây giờ, đời sống ngày càng khá giả hơn, cách tiết kiệm của lớp người bây giờ so với ngày xưa cũng khác nhiều. Tôi có cô bạn làm ngân hàng nước ngoài, thu nhập cả ngàn USD mỗi tháng nhưng cứ thi thoảng lại thấy bạn chạy loạn lên vay tiền. Hỏi ra thì mới biết bạn tiết kiệm bằng cách mỗi tháng phải để ra đúng một số tiền nhất định, đều như rót mật. Tháng nào kinh doanh thua lỗ, không đủ tiền để dành bạn sẽ… đi vay.
Tháng sau lại kéo cày trả nợ. Vài năm, bạn đã có một số vốn liếng kha khá để mở một hàng ăn nhỏ trên phố. Nhưng tôi cũng có cô bạn, cứ có tiền là ném vào hàng hiệu, cả tủ quần áo giày dép nhưng lúc nào cũng thấy thiếu. Cho đến lần đứa con đầu phải mổ cấp cứu, chi phí cả trăm triệu đồng phải bán cả của hồi môn ra đóng viện phí. Lúc ấy bạn mới tỉnh ra đám đồ hiệu chẳng thể cứu cánh khi ốm đau đột xuất hay có biến.
|
Đừng để thành keo kiệt
Nhưng, bên cạnh những người phụ nữ vung tay quá trán, không ý thức được về sự tiết kiệm thì ngược lại có những phụ nữ tiết kiệm đến nỗi quên đi cả nhu cầu tối thiểu của bản thân mình. Tôi có cô bạn làm báo thu nhập cũng không đến nỗi tệ nhưng suốt cả 3 năm sau khi sinh con cô chẳng hề sắm cho mình một bộ đồ mới.
Tiền làm ra hết mua bỉm, sữa, rồi lại tặng đồ hiệu cho chồng nhân dịp nọ, dịp kia. Tiết kiệm như vậy nhưng đến lúc mẹ chồng bị tai nạn, trong túi cũng chẳng có xu nào. Bị chồng quay ra truy vấn, bạn sốc thực sự, lúc đó mới hiểu ra rằng tiết kiệm cũng đòi hỏi phải có sự cân bằng.
Chia sẻ về bí quyết tiết kiệm, chị Thiên Hương, chủ một chuỗi siêu thị mini ở Hà Nội cho rằng, tiết kiệm không có nghĩa là mình cứ chăm chăm để tiền ra một chỗ mà là biết cách chi tiêu hợp lý số tiền kiếm được. “Những ngày đầu ra làm ăn, hàng chưa bán được, lại nợ nần ngập đầu nhưng hàng tháng mình vẫn dành một khoản góp vốn với mẹ chồng kinh doanh thêm cà phê. Tiền lãi hàng tháng mẹ mình hạch toán rồi giữ hộ. Cuối năm cũng có một khoản để phòng khi ốm đau”.
Còn chị Minh Phúc, một giáo viên tiểu học ở quận Nam Từ Liêm, Hà Nội thì bí quyết của chị rất đơn giản “Mỗi khi mua một món đồ nào giá trị chúng tôi đặt ra kế hoạch tiết kiệm trong một thời gian. Đến lúc đó chưa đủ thì vay mượn thêm. Khi đi vay mình sẽ có thêm động lực để trả nợ, càng nhanh càng tốt”.
Phụ nữ thời nào cũng thế, khi độc thân họ có thể nướng đến tận đồng cuối cùng, không cần biết ngày mai sẽ sống ra sao nhưng khi có gia đình thì hoàn toàn khác. Với vai trò tay hòm chìa khóa nên bắt buộc họ phải có tích lũy, vừa để ổn định cuộc sống, bảo đảm cho tương lai và đề phòng bất trắc.
Người nghèo cũng thế mà người giàu thì ý thức tiết kiệm càng cao vì hơn ai hết họ hiểu giá trị những đồng tiền mình làm ra. Tiết kiệm có khi thành quả chỉ là mua được món quà ít tiền cho con, nhiều hơn là việc cho con học trường tốt, đi du học, đổi nhà, sắm xe...
Người ta nói buôn tàu, bán bè không bằng ăn dè, hà tiện. Mục tiêu tiết kiệm của mỗi người mỗi khác, tuy nhiên cần phải biết tiết kiệm hợp lý, tức là chi tiêu có kế hoạch chứ không phải tiết kiệm đến nỗi thành hà tiện, keo kiệt. Thực tế, có nhiều chị em, dù biết cách làm ra tiền nhưng lại tiết kiệm đến nỗi biến cuộc sống của mình và những người liên quan trong túng thiếu, khổ cực.