11 năm “cõng đơn” đi đòi đất nhà thờ tổ tiên

(PLO) - Ông Nguyễn Văn Bình (trú tại xóm 12, xã Nghi Phú, TP.Vinh, Nghệ An) tìm đến Báo PLVN với lá đơn mà hơn 11 năm nay ông thay mặt họ tộc Nguyễn Văn gõ cửa nhiều cơ quan chức năng với mong muốn đòi lại mảnh đất nơi có nhà thờ họ tộc, mảnh đất nhiều đời nay của tổ tiên mình.
11 năm “cõng đơn” đi đòi đất nhà thờ tổ tiên
Cho mượn đất, bỗng dưng mất đất (?)
Theo đơn trình bày của ông Bình: Bố mẹ ông là cụ Nguyên Văn Tuyên và mẹ là Nguyễn Thị Tuyên (cố Tuyên) từ nhiều đời nay đã sinh sống trên mảnh đất có diện tích gần 3000m2 tại xóm 12, xã Nghi Phú (TP.Vinh, Nghệ An). Sau khi các con lập gia đình, năm 1976 – 1978, cố Tuyên đã chia mảnh đất thành 3 thửa đất nhỏ cho con mình ra ở riêng khi lập gia đình. 
Với tổng diện tích sau khi chia tách còn lại là 2908m2, cả ba thửa đất được đưa vào sổ mục kê của xã Nghi Phú quản lý. Năm 1993, cụ cố Tuyên lại tiếp tục chia tách thửa đất cụ đang sống thành hai thửa nhỏ, trong đó một thửa là ngôi nhà cụ đang sinh sống, một thửa là ngôi nhà thờ của họ tộc. Thửa nhà thờ với diện tích đo đạc là 391m2 (số hiệu 204) thuở đất cụ cố Tuyên ở có diện tích 883m2 (số hiệu 254). 
11 năm nay ông Bình gõ cửa nhiều cơ quan chức năng để đòi lại mảnh đất có nhà thờ tổ tiên dòng họ
Năm 1982, cố Tuyên có cho bà Nguyễn Thị Kiệm (vợ ông Nguyễn Trường Thi, người trong xóm) mượn một phần diện tích của thửa đất để sản xuất nông nghiệp, mảnh đất trên thuộc thửa số 13, tờ bản đồ số 26, bản đồ đo đạc năm 2001. Trên một phần mảnh đất bà Kiệm tiến hành sản xuất này, gia đình ông Bình đã xây dựng một nhà thờ tự dòng họ.“Từ thời điểm trước năm 1945 đến nay, gia đình bố mẹ tôi (cụ cố Tuyên) cũng như các con chưa cho ai thuê, bán, cho, tặng hay trả đất cho HTX. 
Trước đó, vì không sử dụng đến, bà Nguyễn Thị Kiệm có đến mượn bố mẹ tôi để trồng rau màu, được ông bà đồng ý. Sau đó, gia đình đã xây một ngôi nhà thờ tổ tiên trên mảnh đất bà Kiệm đang canh tác…”. Năm 2001, khi phát hiện mảnh đất trên đang được chính quyền làm thủ tục cấp giấy chứng nhận QSDĐ cho ông Nguyễn Trường Thi thì gia đình và nội tộc Nguyễn Văn mới tá hỏa làm đơn trình báo. Từ đó đến nay, mảnh đất đang tranh chấp nên chính quyền cũng chưa tiến hành cấp GCNQSDĐ cho hộ gia đình nào. 
Ông Bình cho biết thêm, nhiều hộ dân xóm 12 đã xác nhận nguồn gốc đất trên là của cụ cố Tuyên nhiều đời nay. Ông Bình cho rằng, đất của họ tộc Nguyễn Văn thì dòng họ ông mới dám xây dựng nhà thờ trên đó, nếu không phải là đất tổ tiên thì họ Nguyễn Văn làm gì dám đặt gạch xây dựng nhà thờ trên đó?. 
11 năm đi đòi đất nhà thờ
Qua quá trình giải quyết nhiều lần tại địa phương cũng như cấp thành phố, và UBND tỉnh cũng có quyết định xử lý. Tại Quyết định số 195 ngày 17/01/2014, của UBND tỉnh Nghệ An về việc giải quyết tranh chấp đất đai giữa ông Nguyễn Văn Bình (đại diện họ tộc Nguyễn Văn) với ông Nguyễn Trường Thi có nêu: về giấy tờ chứng minh quyền sử dụng đất đối với mảnh đất đang tranh chấp thì cả ông Bình và ông Thi đều không xuất trình được bất cứ giấy tờ quy định tại khoản 1,2 và 5 điều 50 Luật đất đai năm 2003. Cả hai ông cũng đều không có xuất trình được giấy tờ chứng minh việc cụ cố Tuyên cho bà Kiệm mượn mảnh đất trên. Cũng không có bất cứ tài liệu nào ông Thi xuất trình được việc cụ Tuyên đã trả mảnh đất trên cho HTX Hồng Hoa Thái, cũng như việc bà Kiệm được HTX bàn giao cho sử dụng mảnh đất trên. Tại HTX và UBND xã Nghi Phú đều không lưu giữ những tài liệu này. 
Tại biên bản làm việc của Thanh tra Sở TNMT tỉnh Nghệ An và ông Phan Văn Hòa-  Chủ nhiệm HTX Hồng Hoa Thái có nêu: Thuở đất đang tranh chấp có nguồn gốc là đất của cụ Cố Tuyên, là một trong 04 thửa đất thuộc thửa đất của cố Tuyên. Sau năm 1970, bà Kiệm sử dụng sản xuất nông nghiệp trên thửa đất đến thời điểm xảy ra tranh chấp. HTX Hồng Hoa Thái thu thuế đất nông nghiệp các năm (sổ sách lưu lại có từ năm 1985-2002) trong danh sách phương án thu thuế có hộ gia đình ông Thi và ông Bình nộp thuế hàng năm, nhưng chỉ ghi nộp diện tích nhiều thửa, không xác định được thửa đất đang tranh chấp này có nộp thuế hay không và ai nộp thuế. 
Theo tài liệu ông Bình thu thập suốt quá trình đi đòi đất, tại bản đồ 299 thì thửa đất của cụ Cố Tuyên và hai người con là ông Bình và ông Nguyễn Văn Lục có diện tích đo đạc được là 2908m2.  Trong danh sách giao khoán 10 năm 1993 tại HTX thì bà Kiệm không có tên trong sổ giao khoán, bà Kiệm cũng không có bất cứ giấy tờ nào chứng minh được việc mình được HTX giao thửa đất trên cho gia đình bà. Theo ông Ngô Nam Trung –Cán bộ địa chính xã Nghi Phú cho biết, “Qua nhiều lần giải quyết tranh chấp, thửa đất này nguyên thuở là của cụ cố Tuyên nhưng đã chuyển giao cho bà Kiệm từ trước những năm 1970 (?). 
Tuy nhiên, gia đình ông Thi không có văn bản nào thể hiện ông Thi (bà Kiệm) được giao mảnh đất trên, ông Bình cũng không có văn bản nào chứng minh mảnh đất nào của nhà ông. Căn cứ hồ sơ quản lý qua các thời kì thì gia đình ông Thi quản lý sử dụng đất từ trước 15/10/1980 cho đến nay, trên giấy tờ đều mang tên ông Nguyễn Trường Thi. Hiện địa phương đã nhiều lần tiến hành hòa giải nhưng hai gia đình không được thống nhất được, xã đã hướng dẫn gia đình khởi kiện lên Tòa án nhân dân để được giải quyết theo pháp luật”. Được biết, thời điểm năm 2001, khi nhà nước có chủ trương đo đạc lại bản đồ chính quy, thì ông Nguyễn Trường Thi đang giữ vị trí là xóm trưởng xóm 12.
Qua nhiều tài liệu đều chứng minh được nguồn gốc thửa đất trên là của cụ cố Tuyên, được bà Kiệm sử dụng, canh tác trên một thời gian dài. Tuy nhiên, chưa có chứng lý nào về việc cụ cố Tuyên trả lại đất cho HTX và HTX giao thửa đất trên cho bà Kiệm. Vụ việc đã kéo dài hơn 11 năm nay, Mảnh đất từ ngày xảy ra tranh chấp đã bỏ hoang, không có ai canh tác hay sử dụng, để cỏ dại mọc. Ông Bình và những người trong dòng họ đang nóng lòng chờ được sự giải quyết thỏa đáng của các cấp về mảnh đất nhà thờ họ tộc mình./. 

Đọc thêm