Mất đất vì cho con đứng tên trên sổ đỏ

(PLO) - Vì không hiểu biết pháp luật, vợ chồng người nông dân đã cho con trai duy nhất của mình đứng tên trên sổ đỏ để trốn thuế hạn điền. Oái ăm thay, mười mấy năm sau, khi đứa con này lớn lên và nhận thức rõ “tấc đất, tấc vàng” thì ngay lập tức kiện cha mẹ mình ra Tòa để đòi lại phần đất mà mình được đứng tên. 
Ngôi nhà và thửa đất tranh chấp. Ảnh: X.T
Ngôi nhà và thửa đất tranh chấp. Ảnh: X.T
Năm 1997, vợ chồng ông Trần Văn Hùng và Trịnh Thị Bé (ngụ ấp Đá Bạc A, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời) nhận sang nhượng một phần đất của người hàng xóm với diện tích 22.000 m2, giá 7 cây vàng 24K. 
Do thời điểm này có quy định đóng thuế vượt hạn điền (nếu gia đình nào có trên 3 ha đất nông nghiệp phải đóng thuế cao hơn mức thuế quy định - PV). Để “trốn thuế”, vợ chồng ông Hùng đã nghĩ ra “kế sách” là cho con trai duy nhất của mình là Trần Chí Nghiệm (lúc đó chỉ mới 16 tuổi) đứng tên trong Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (CNQSDĐ). 
Không ký tên trong hồ sơ vẫn được cấp Giấy CNQSDĐ
Từ lúc nhận chuyển nhượng đất đến nay, vợ chồng ông Hùng vẫn giữ sổ đỏ và canh tác trên khu đất này, hàng năm vợ chồng ông đều nộp thuế cho Nhà nước. Tưởng việc làm của mình khá khôn khéo, có thể “trốn” được một khoản tiền thuế. Nhưng sự đời lắm éo le, đứa con trai “độc nhất vô nhị” của vợ chồng ông Hùng đã bất ngờ kiện cha mẹ ra tòa để đòi đất.
Vụ việc bắt đầu vào cuối năm 2012, do mâu thuẫn trong gia đình, Trần Chí Nghiệm đã khởi đơn đòi lấy phần đất mà mình được cha mẹ cho đứng tên. Lý do Nghiệm đưa ra là khi sang nhượng phần đất này, Nghiệm có góp vốn 4 cây vàng 24K và ông Hùng đã cho Nghiệm đứng tên trên Giấy CNQSDĐ. 
“Bằng chứng là tôi đã được UBND huyện Trần Văn Thời cấp Giấy CNQSDĐ vào năm 1998. Còn về việc cha tôi canh tác đất từ đó đến nay là do trước đây tôi chưa có vợ con, chưa cần thiết canh tác nên đã cho cha mẹ mượn”- Nghiệm giải thích.
Tuy nhiên, qua nhiều lần hòa giải ở địa phương cũng như tại phiên tòa sơ thẩm vào tháng 10/2013, lời khai của Nghiệm trước sau không thống nhất, đặc biệt Nghiệm đã không chứng minh được 4 cây vàng 24k mà Nghiệm nêu trong đơn là có từ đâu, vì lúc đó Nghiệm còn phụ thuộc gia đình, chưa có việc làm thì sao có tài sản riêng và không thể tự mình trực tiếp đi làm Giấy CNQSDĐ… 
Mặt khác, UBND huyện Trần Văn Thời cấp Giấy CNQSDĐ cho Trần Chí Nghiệm chưa đúng trình tự theo quy định pháp luật (Nghiệm không có ký tên trong hồ sơ) nên TAND huyện Trần Văn Thời đã tuyên huỷ Giấy CNQSDĐ gây tranh chấp; đồng thời bác bỏ toàn bộ yêu cầu của Nghiệm, giữ nguyên hiện trạng đất và giao cho vợ chồng ông Hùng canh tác. Sau bản án này, Nghiệm đã kháng cáo. 
Mất đất vì quá tin con 
Ngày  8/4 vừa qua, TAND tỉnh Cà Mau đã có Bản án phúc thẩm số 78/2014/DS-PT, sửa án sơ thẩm, chấp nhận toàn bộ yêu cầu của Trần Chí Nghiệm, buộc vợ chồng ông Hùng - bà Bé giao trả 22.100m2 đất cho con trai, giữ nguyên sổ đỏ mà UBND huyện Trần Văn Thời đã cấp cho Trần Chí Nghiệm. 
Điều đáng nói, lập luận mà bản án trên đưa ra rất thiếu căn cứ pháp lý. Dù Nghiệm không chứng minh được số vàng mà anh này dùng để hùn vốn mua đất cùng với bố mẹ do đâu mà có, vợ chồng ông Hùng cũng không hề làm thủ tục tặng cho con trai đất… nhưng Hội đồng xét xử vẫn cho rằng, vợ chồng ông Hùng đã thừa nhận có thoả thuận với chủ đất cũ lập thủ tục chuyển nhượng đất để cho Nghiệm đứng tên QSDĐ là sự thật, không hề có sự lừa dối hay nhầm lẫn. Từ lập luận này, Bản án đã công nhận phần đất trên thuộc về Nghiệm.
Sau bản án trên, không chỉ vợ chồng ông Hùng mà người dân tại địa phương vô cùng bức xúc về phán quyết của Tòa án. Bởi lẽ, dù người đứng tên trong sổ đỏ là Trần Chí Nghiệm, nhưng số tiền bỏ ra để nhận chuyển nhượng mảnh đất này là của vợ chồng ông Hùng. Trên thực tế, vợ chồng ông vẫn canh tác, sử dụng suốt mười sáu năm nay. Điều này đã được nhiều người dân tại địa phương làm chứng. Được biết, vợ chồng ông Hùng đã có đơn kêu cứu gửi TANDTC và VKSNDTC đề nghị làm rõ tính minh bạch, khách quan của bản án trên. 

Đọc thêm