15 ngày đổ bô không bằng chiếc phong bì 1 triệu

(PLO) - Chẳng hiểu sao cái “văn hóa phong bì” lại ngấm cả vào các mối quan hệ trong gia đình. Nhiều thành viên phải dở khóc dở mếu vì chuyện cái phong bì trong nhà. 
 Ảnh minh họa. Nguồn Internet
Sau 15 ngày chăm sóc bố chồng nằm viện, chị Như Lan đi làm với gương mặt phờ phạc và đôi mắt sưng mọng. Nguyên nhân do chị tình cờ nghe thấy bố mẹ chồng trách móc chị chưa “chu đáo” nên ấm ức khóc cả đêm.

Chuyện là suốt 15 ngày bố chồng nằm liệt giường ở viện là đủ hai tuần chị chăm sóc ăn uống, vệ sinh, đổ bô không thiếu việc gì. Mẹ chồng chị cũng bị bệnh nên không thể ở lại viện. Người ngoài nhìn vào ai cũng tấm tắc khen ông có cô con dâu khéo léo, chu đáo, tình cảm.

Thế nhưng chị lại bị bố mẹ chồng chê không chu đáo khi không cho ông bà tiền. Cô con dâu út ở xa chẳng chăm được bố ngày nào nhưng có đến thăm và biếu ông phong bì 1 triệu. Cô dâu thứ được khen nức nở trong khi cô con dâu chăm lo từ A tới Z thì bị trách móc.

Cùng chung tâm sự với chị Như Lan, chị Huyền Phương cũng từng rơi vào tình huống thất vọng như vậy. Bố mẹ chồng chị chuẩn bị về quê, chị đã đau đầu nghiên cứu quà và mất công chạy khắp Hà Nội để mua bán đâu vào đấy. Chị cảm thấy rất hài lòng với sự chuẩn bị gửi gắm cả tình cảm của mình với những món quà đặc sản ý nghĩa. Thế nhưng vì câu nói của chồng mà mọi sự hào hứng của chị tụt xuống gót chân. Chồng chị bảo: Sao em không biếu tiền cho bố mẹ về quê? Bố mẹ đang trách vợ chồng mình đấy!”.

Dâu mới, không có kinh nghiệm nên chị không hiểu tâm lý bố mẹ chồng. Tính ra tiền quà chị mua cho bố mẹ mang về quê cũng hết hơn 2 triệu chứ không phải ít. Quê chồng chỉ cách Hà Nội có 40km. Ông bà cũng không thiếu tiền. “Biết thế biếu luôn ông bà phong bì 2 triệu cho đỡ mất công lại vừa được tiếng” – Chị ấm ức.

Lâu dần chị đã quen hơn với kiểu thích phong bì của nhà chồng nhưng nhiều lúc cũng thấy buồn với việc cái gì cũng quy ra tiền như thế. Không phải chị quá nghèo hay keo kiệt nhưng thấy cái gì cũng mang tiền ra để đo sự quan tâm thật nhạt nhẽo. 
Thứ văn hóa phong bì ăn sâu tới mức giờ người ta không thể quan tâm tới nhau bằng tấm lòng, hành động mà phải quy ra tiền mới là được coi biết đối nhân xử thế. Cô của chị Minh Anh phải ra Hà Nội mổ u nang nên nằm viện mấy ngày. Vợ chồng chị rất nhiệt tình đưa đón người thân ra chăm sóc, tiếp đãi ăn ngủ ở nhà đâu vào đấy. Hằng ngày chị cũng mua đồ ăn cho người chăm sóc.

Nói chung mọi người ghi nhận sự nhiệt tình của anh chị nhưng nhận được cuộc điện thoại của mẹ chị mới ngỡ ngàng. “Cô mày bảo hai đứa con nhà chị vẫn cho là biết đối nhân xử thế thế mà vào thăm cô không biếu nổi mấy đồng. Sao hai đứa không cho cô mấy trăm làm mẹ mang tiếng quá”.

Chị tối cả mặt vì câu nói của mẹ. Chị nghĩ đơn giản là thể hiện sự quan tâm chăm sóc như thế là được, người nhà thân thiết đâu cần câu nệ tiền nong. Nhà cô chú cũng có của ăn của để đâu tới nỗi nghèo khó. Chị cũng không thích cái kiểu động tí xòe tiền ra trong mọi việc.

Thế nhưng chị đã nhầm vì mọi người lại đánh giá con người qua cái phong bì. Chị chán nản bảo với chồng: “Biết thế vợ chồng mình cứ làm cái phong bì ngay từ đầu cho vui vẻ. Thôi trưa hai vợ chồng mình tranh thủ chạy vào viện biếu cô cái phong bì”.

Đọc thêm