17 tuổi đã “dựng” bảo tàng bằng ngôn ngữ 3D

(PLO) - Trong đời sống hiện nay, công nghệ tạo lập không gian ảo 3D đã không quá lạ lẫm. Thế nhưng, áp dụng công nghệ này để xây dựng bảo tàng, lưu trữ hình ảnh cổ vật, linh vật thì chàng thanh niên Nguyễn Trí Quang lại là người tiên phong. Quang xây dựng bảo tàng 3D khi tuổi mới tròn 17 tuổi.
Một hình ảnh về bảo tàng 3D
Bỏ học vì đam mê cổ vật

Nghe kể, Quang sinh ra trong một gia đình làm nghề thủ công mỹ nghệ lâu đời ở phố Khâm Thiên, Hà Nội. Cha Quang là một nghệ nhân chế tạo tượng composite (tên gọi chung của bất cứ vật liệu nào được tạo nên bởi sự pha trộn các thành phần tương tự như cát, sỏi, xi măng – PV).

Ông cũng là một người có niềm say mê đặc biệt đối với các loại tượng, nhất là tượng cổ ở các đền chùa. 

Gần 10 năm Quang theo cha tham quan, học hỏi số lượng cổ vật quét được ngày càng nhiều Quang nghĩ đến chuyện lập một website để lưu trữ và quảng bá các mẫu vật, nhưng ở Việt Nam khi đó chưa phát triển công nghệ đưa các tài liệu 3D này lên trang web.

Để có thể thực hiện ý tưởng, Quang mày mò vào mạng, tìm đọc các loại tài liệu chuyên ngành, lân la vào các diễn đàn công nghệ, các trang hỏi đáp về lập trình để học hỏi. 

Khó khăn lớn nhất của Quang khi đó là vốn tiếng Anh chuyên ngành công nghệ hạn chế. Thế nhưng, với tình yêu dành cho cổ vật cùng “hướng đi” 3D mới mẻ, Quang đã vượt qua mọi khó khăn.

Quang trải lòng: “Từ nhỏ mình đã hứng thú với công nghệ 3D và những cổ vật của Việt Nam. Khi mà bạn bè đi chơi, xem phim thì mình cắp quần áo, gói ghém sách vở theo bố đi làm, nghiên cứu công nghệ 3D. Càng tìm hiểu sâu về công nghệ 3D,  mình càng thêm thích thú. Mình đã dành toàn bộ thời gian để phát triển công nghệ này”.

Chính bởi tình yêu dành cho những điều mới lạ về cổ vật và giấc mơ xây dựng lên một thế giới cổ vật bằng 3D quá lớn nên thay vì hàng ngày đến lớp như chúng bạn cùng trang lứa, Quang đã lựa chọn cho mình một hướng đi riêng. Đó là tạm gác lại chuyện học hành quy củ để một lòng theo đuổi ước mơ và đam mê của mình.

Sau gần 3 năm nghiên cứu, năm 2014 Nguyễn Trí Quang đã có thành công bước đầu với Vr3d - một Web 3D hoàn chỉnh với một bảo tàng linh vật, cổ vật trong không gian ảo. 

Sau khi công bố thì trang web của Quang  được các chuyên gia mạng, các chuyên gia văn hóa  đánh giá cao về tính thực tiễn. Đặc biệt, khi khách tham quan ghé thăm bảo tàng ảo Vr3d người xem thật sự ngạc nhiên với một bảo tàng linh vật đồ sộ với  hàng trăm mẫu vật đã được “3D hóa” bao gồm các mẫu linh vật Việt, đồ cổ, đồ mỹ nghệ và tượng...

Đáng chú ý là các mẫu vật linh vật như rồng đá, voi, báo, nghê, sư tử…; các cổ vật như tượng phật, tượng thần, tranh khắc gỗ, hương án, giếng đá… 

Chân dung chủ nhân bảo tàng ảo 3D Nguyễn Trí Quang 
Bảo tàng linh vật 3D tương tác đầu tiên của Việt Nam

Vào bảo tàng của Quang, người sử dụng có thể dễ dàng chọn lựa, xem xét các mẫu vật, có thể tùy ý xoay ngang dọc, lật trên dưới, phóng to, thu nhỏ xem cận cảnh chi tiết, hoa văn.

Quang tiết lộ, nếu mở rộng và phát triển hơn nữa thì bảo tàng 3D rất có tiềm năng trở thành một cầu nối văn hóa giữa các nước vì khả năng tích hợp vô hạn các mẫu vật, không tốn kinh phí xây dựng, bảo trì như đối với các bảo tàng thực. 

“Về thương mại điện tử, nó là một showroom ảo rộng lớn, có độ tương tác cao. Về giáo dục, nó tạo ra các giáo án điện tử sinh động và những hiện vật chân thực, phục vụ cho việc học tập. Về y tế, nó là tấm gương trong công nghệ phẫu thuật thẩm mỹ.

Về xã hội, việc sử dụng công nghệ 3D quét người có thể ứng dụng để tạo ra những chứng minh thư điện tử với độ nhận diện cao độ. Và còn rất nhiều, rất nhiều các ứng dụng khác” – Nguyễn Trí Quang hồ hởi kể.

Chia sẻ về những dự định trong tương lai, Quang cho biết, sắp tới sẽ đầu tư thời gian, công sức để thực hiện các chiến lược phát triển như quét toàn bộ một ngôi chùa, một khu di tích để xây dựng nó hoàn chỉnh trên không gian ảo, số hóa người và số hóa thời trang để tạo ra một sàn diễn catwalk ngay trên mạng. 

Và chúng ta cần nhiều hơn những sự sáng tạo như Quang đã đang và sẽ làm được. Để cuộc sống sẽ ngày càng văn minh hơn, tối ưu hơn và bảo toàn mãi mãi được mọi thứ theo thời gian giống như bảo tàng cổ vật 3D là một ví dụ điển hình.

Vr3D viết tắt của Vitural Really 3D (thực tế ảo 3D) và để “đưa mọi vật vào thực tế ảo”.  Vr3D được tối ưu cho hầu hết các thiết bị, từ máy tính cây, laptop, smart phone, ipad, cho đến cả ti vi thông minh. Nó thích hợp với hầu hết các trình duyệt phổ biến: Chrome, firefox, oprea, browser, ios… và có thể tương tác tốt ngay cả những thiết bị đã cũ, cấu hình thấp hay tốc độ đường truyền chậm. 

Đặc biệt, bảo tàng được xây dựng với công nghệ Vr3D không những tạo cho người sử dụng một cái nhìn chân thực, sống động mà còn cung cấp kiến thức về cổ vật, từ tên, địa chỉ đến số tuổi, tình trạng hiện tại và những đánh giá. Thú vị hơn nữa là có thể thoải mái chia sẻ các file mẫu vật về website, blog của mình hay nhúng mã vào bất cứ trang web nào khác và hoàn toàn miễn phí.

Đọc thêm