180 ngàn người đang tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Hôm qua (24/9), TP Hồ Chí Minh đã có báo cáo gửi Chính phủ về tình hình thực hiện công tác phòng, chống dịch VODID-19 tại thành phố. Trong đó, thành phố đánh giá lại quá trình thực hiện các biện pháp giãn cách xã hội thời gian qua và đưa ra một số kiến nghị với Chính phủ để chuẩn bị mở cửa lại nền kinh tế.
180 ngàn người đang tham gia chống dịch tại TP Hồ Chí Minh

Thách thức vì mật độ dân số quá đông

Theo baos cáo của TP Hồ Chí Minh: Về xét nghiệm, TP đã huy động 1.533 đội lấy mẫu với hơn 13.800 người, trong đó, 743 đội thuộc lực lượng chi viện từ các đơn vị và các tỉnh. Trung bình mỗi đội lấy 300-400 mẫu/ngày. TP cũng triển khai cho người dân tự làm xét nghiệm, khởi đầu trung bình có 22,5% hộ dân tự lấy mẫu.

TP hiện có 36 đơn vị được Bộ Y tế cho phép xét nghiệm PCR khẳng định COVID-19 tổng công suất 30.050 ống mẫu/ngày. TP huy động thêm 3 phòng xét nghiệm sàng lọc với công suất 16.200 ống mẫu/ngày cùng 9 xe xét nghiệm PCR lưu động với công suất tối đa 1.000-2.000 ống mẫu/ngày.

Từ 23/8 đến nay, TP đã tổ chức 5 đợt lấy mẫu xét nghiệm tại vùng cam, đỏ, riêng đợt 5 mới đạt 49% kế hoạch; và 4 đợt lấy mẫu tại các vùng xanh, cận xanh, vàng.

Từ 20/9, các địa phương tiếp tục tổ chức xét nghiệm diện rộng theo chỉ đạo của Thủ tướng. Để thực hiện, TP huy động thêm 1.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện và Trung ương hỗ trợ thêm 5.000 nhân sự (4.000 người từ Bộ Quốc phòng và 1.000 người từ Bộ Y tế). TP cũng đề xuất Trung ương hỗ trợ 10 triệu kit test nhanh. Sau 2 ngày xét nghiệm, TP đã lấy hơn 1,6 triệu mẫu với tỷ lệ dương tính là 0,52%, tương đương 8.502 mẫu xét nghiệm.

Về vaccine, từ 23/8 đến nay, TP tiêm được 3,53 triệu liều. Do số lượng vaccine được phân bổ đã cạn nên tốc độ tiêm bị hạn chế. Đến nay, tổng số vaccine Bộ Y tế đã phân bổ cho TP là 6.523.744 liều, TP nhận thêm 5 triệu liều Vero Cell từ nguồn tài trợ (trong đó đã cho mượn 2,55 triệu liều).

Nhân lực chống dịch tại TP tính đến nay là hơn 180.000 người, trong đó, 24.400 được chi viện từ các bộ, ngành và tỉnh, thành bạn. TP huy động được 300 tình nguyện viên là F0 khỏi bệnh tham gia phục vụ tại các trung tâm hồi sức, BV.

Về công tác an sinh, Trung tâm An sinh đã hỗ trợ trên 1,93 triệu túi an sinh và 14.300 phần quà cứu trợ khẩn cấp cho người dân. TP đã chi 5.479 tỷ đồng cho các đối tượng khó khăn trong dịch; huy động 85.000 chủ nhà trọ, giảm giá thuê cho 670.000 phòng với số tiền trên 329 tỷ đồng.

Ngoài những kết quả trên, TP nhìn nhận thách thức hiện nay của TP là mật độ dân số đông, nhiều nơi người dân sống chen chúc trong khi biến chủng Delta lây lan nhanh. Bên cạnh đó, tiến độ hoàn thành các đợt xét nghiệm và đồng bộ kết quả bị ảnh hưởng do chênh lệch số lượng vùng đỏ, cam và dân số giữa các địa phương.

Về phương hướng thời gian tới, TP lập 22 đoàn kiểm tra công tác kiểm soát dịch tại các địa phương. Các địa bàn đã kiểm soát được dịch sẽ nới giãn cách từng bước an toàn bằng các biện pháp như: Người dân đi chợ 1 lần/tuần, triển khai thẻ xanh COVID-19 gắn với mã QR cá nhân, cho phép một số lĩnh vực được hoạt động... Đồng thời TP tiếp tục triển khai xét nghiệm diện rộng, đẩy nhanh tiến độ tiêm vaccine, thực hiện gói hỗ trợ đợt 3 cho người dân gặp khó khăn.

TP kiến nghị Chính phủ tiếp tục phân bổ vaccine, thuốc điều trị COVID-19 cho TP và toàn Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Đồng thời, để đảm bảo lưu thông hàng hóa, qua lại giữa các tỉnh, thành trong bối cảnh bình thường mới, TP kiến nghị Chính phủ ban hành quy chế phối hợp giữa các địa phương trong việc mở cửa lại nền kinh tế và phòng chống dịch.

3 phương thức đưa người lao động trở lại TP Hồ Chí Minh

Liên quan lĩnh vực phòng chống dịch tại TP HCM, Sở GTVT TP vừa có văn bản khẩn gửi UBND TP về dự thảo phương án phối hợp vận chuyển người lao động tại các tỉnh, thành trở lại sau 30/9.

Đến nay, Sở GTVT đã phối hợp với các cơ quan đầu mối các tỉnh tổ chức đưa đón khoảng 33.000 người về 34 tỉnh, thành cả nước.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động các tỉnh, thành trở lại TP HCM làm việc đảm bảo an toàn và thuận lợi trong thời gian TP khôi phục hoạt động kinh tế trong tình hình mới, Sở GTVT đề xuất phương án phối hợp các địa phương hỗ trợ công tác vận chuyển người lao động về TP.

Cụ thể, người lao động về TP phải đáp ứng các điều kiện:

- Có kế hoạch làm việc (được các DN, hợp tác xã có văn bản xác nhận hoặc gửi thông báo); Đã tiêm vaccine phòng COVID-19 mũi thứ nhất đủ 14 ngày sau khi tiêm hoặc đã khỏi bệnh COVID-19 có xác nhận của cơ quan y tế (hoặc theo hướng dẫn của Sở Y tế) đủ điều kiện tham gia hoạt động; Có kết quả xét nghiệm (SARS-CoV-2) âm tính còn hiệu lực theo quy định của ngành Y tế.

- Được UBND tỉnh, thành nơi cư trú cho phép di chuyển (với địa phương là vùng cam, vùng đỏ) để đảm bảo an toàn trong phòng, chống dịch.

3 phương thức vận chuyển người lao động bằng đường bộ cụ thể như sau.

Phương thức 1: Đơn vị (DN có nhu cầu vận chuyển công nhân) gửi phương án vận chuyển đến các cơ quan đầu mối (UBND cấp huyện, BQL khu chế xuất & khu công nghiệp TP, BQL khu công nghệ cao, BQL dự án, TCty thuộc UBND TP hoặc các bộ, ngành quản lý) để rà soát, tổng hợp gửi Sở GTVT TP xem xét tổ chức triển khai.

Phương tiện vận chuyển là ô tô trên 10 chỗ có đăng ký kinh doanh. Sở GTVT cấp giấy nhận diện có mã QR cho phương tiện; thông báo đến các tỉnh, thành kế hoạch vận chuyển.

Các phương tiện trả khách tại Bến xe Miền Đông hoặc Bến xe Miền Tây khi vào TP. Người lao động di chuyển từ bến xe về nơi cư trú/lưu trú bằng xe taxi đã được Sở GTVT cấp phép hoặc phương tiện trung chuyển đã được DN đăng ký trong phương án.

Chi phí vận chuyển sẽ do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 2: BQL khu chế xuất & khu công nghiệp, BQL khu công nghệ cao làm đầu mối tổng hợp nhu cầu của các đơn vị đang hoạt động trong các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao, phối hợp Cty CP xe khách Phương Trang FUTA Bus Lines xây dựng kế hoạch vận chuyển gửi Sở GTVT xem xét cấp giấy nhận diện có mã QR và thông báo đến các tỉnh, thành kế hoạch vận chuyển.

Các phương tiện chỉ được trả khách tại địa điểm đã đăng ký trong kế hoạch. Chi phí vận chuyển do đơn vị sử dụng lao động tự chi trả hoặc thỏa thuận với người lao động.

Phương thức 3: Tổ chức tuyến vận tải hành khách cố định xuất phát từ bến xe khách liên tỉnh của các tỉnh, thành đến Bến xe Miền Đông và Bến xe Miền Tây. Tần suất hoạt động tối đa 4 chuyến/ngày/tuyến.

Đơn vị vận chuyển là các đơn vị kinh doanh vận tải theo tuyến cố định đảm nhận khai thác trên từng tuyến do Sở GTVT TP thống nhất với Sở GTVT tỉnh, thành liên quan và cấp giấy nhận diện QR code cho phương tiện trước khi thực hiện kế hoạch vận chuyển. Chi phí vận chuyển theo giá vé DN kê khai, niêm yết phù hợp quy định.

Dự thảo nêu rõ thời gian triển khai chia làm 2 giai đoạn: Giai đoạn 1 (từ ngày 1 - 31/10) triển khai tổ chức vận chuyển bằng đường bộ theo các phương thức 1 và phương thức 2. Đến giai đoạn 2 (từ ngày 1/11) sẽ triển khai cả 3 phương thức.

Ngoài ra còn có các phương thức vận chuyển người lao động bằng đường sắt và đường hàng không. Tuy nhiên, kế hoạch, phương án thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GTVT nhằm đảm bảo yêu cầu an toàn phòng, chống dịch và phù hợp nhu cầu của các địa phương nơi đi và nơi đến.

Đọc thêm