Tính đến ngày 9/4/2020, Ninh Bình đã có 231 doanh nghiệp trên địa bàn báo cáo tình hình lao động, việc làm. Trong đó, 108 doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Nguyên nhân ảnh hưởng phần lớn là do gặp khó khăn về nguyên liệu sản xuất, thị trường tiêu thụ sản phẩm, thiếu chuyên gia, lao động kỹ thuật cao người nước ngoài.
Do khó khăn chưa được tháo gỡ, hiện tại đã có 16 doanh nghiệp phải tạm ngừng hoặc ngừng sản xuất; 1 doanh nghiệp thiếu vật liệu, thiếu thị trường lao động và phải thay đổi sản xuất, kinh doanh và nhiều doanh nghiệp khác phải thu hẹp sản xuất.
Hệ quả tất yếu, đã có trên 19 nghìn lao động bị ảnh hưởng bởi khó khăn khó gỡ của doanh nghiệp, trong đó có trên 4 nghìn lao động bị chấm dứt hợp đồng lao động, trên 4 nghìn lao động phải ngừng việc; gần 11 nghìn lao động làm cầm chừng, không đủ ngày công.
Nhiều doanh nghiệp đã đưa ra các giải pháp tình thế như: Thực hiện luân phiên bố trí cho người lao động nghỉ phép hưởng nguyên lương trong thời gian có dịch; bố trí cho người lao động sản xuất cầm chừng, cho người lao động ngừng việc và trả lương trong thời gian ngừng việc (theo mức lương cơ bản hoặc trả từ 50-80% mức lương cơ bản) và cuối cùng là giải pháp tạm hoãn hoặc chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động.
Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Ninh Bình Nguyễn Hữu Tuyến cho biết: Vừa qua, Sở đã thành lập đoàn đi kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 tại 22 doanh nghiệp và nắm tình hình ảnh hưởng của dịch bệnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Qua các buổi làm việc, đa số các doanh nghiệp đều mong muốn được các ngành chức năng hỗ trợ bằng các hình thức cụ thể như: Tạm dừng đóng BHXH, giảm lãi suất ngân hàng, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và tiền thuê đất; hỗ trợ người lao động gặp khó khăn do phải chấm dứt hợp đồng lao động, ngừng việc ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Những mong muốn của doanh nghiệp đã được ngành Lao động, Thương binh và Xã hội tổng hợp và gửi đến các ban ngành liên quan để sớm có giải pháp tối ưu.