Trong hai ngày 9-10/10, khu vực Hà Tĩnh đã xảy ra mưa to đến rất to, với tổng lượng mưa tính từ 19 giờ ngày 8 đến 7 giờ ngày 10/10 các khu vực phổ biến 200 - 350mm, riêng Hòa Duyệt 508mm, Hương Sơn 414mm. Mực nước lúc 9h ngày 10/10 trên sông Ngàn Sâu, tại Chu Lễ: 12.91 (trên BĐII: 0.91m); tại Hòa Duyệt: 8.38m (dưới BĐII: 0.62m). Trên sông Ngàn Phố tại Sơn Diệm: 13.10m (trên BĐIII: 0.10m). Trên sông La tại Linh Cảm là: 3.81m (dưới BĐI: 0.69m).
Tại huyện Can Lộc, mưa to, kéo dài cộng với nước trên thượng nguồn đổ về lớn đã khiến thân đập Cố Châu (xã Gia Hanh) bị vỡ. Theo đó, đập Cố Châu có dung tích gần 3.000m3, vỡ vào lúc 20h ngày 9/10. Có 2 điểm bị vỡ, gồm: đập chính đoạn vỡ khoảng 20m, đập phụ vỡ chừng 7m.
Lượng nước do đập vỡ khiến 50ha rau màu (gồm: khoai vạc, khoai lang, sắn…) của người dân các thôn 10, 9, 8, 7 và hiện có thêm thôn 1 bị ảnh hưởng. Khoảng 50ha cây hoa màu của người dân có khả năng mất trắng, không thể thu hoạch được. Rất may, không có thiệt hại về người và tài sản khác.
Hiện trường vỡ đập ở huyện Can Lộc |
Tại huyện Hương Sơn, do mưa lớn nhà của 2 hộ dân là ông Hồ Văn Thân (ở xóm 10, xã Sơn Lĩnh) và hộ ông Lê Văn Lợi (ở thôn 9, xã Sơn Giang) bị sập nhà chính, nhà ngang do bị sạt lở đất. Tình trạng sạt lở đất cũng đã xẩy ra ở xã Sơn Kim 2 và hiện có nguy cơ xẩy ra ở một số địa phương khác. UBND huyện Hương Sơn đã chỉ đạo các xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2, Sơn Tiến, Sơn Lễ di dời 146/427 nhân khẩu ra khỏi vùng nguy hiểm; nếu thời tiết tiếp tục diễn biến xấu thì số hộ di dời sẽ tăng lên...
Mưa lũ cũng đã làm cho một số tuyến đường giao thông, trường học, cụm dân cư bị ngập và chia cắt tại các xã Sơn Thịnh, Sơn An, Sơn Lễ, Sơn Tiến, Sơn Phúc, Sơn Mai, Sơn Thủy, Sơn Lĩnh. Đáng chú ý, cầu tràn Phố Châu (nối thị trấn Phố Châu với xã Sơn Giang đã bị nước tràn qua cao khoảng 1,2 m và đang có dấu hiệu tăng lên nên giao thông qua tuyến đường có cầu tràn này đã bị tê liệt.
Nhà dân bị đất lở gây hư hỏng |
Chính quyền xã Sơn Châu đã huy động cán bộ xã, dân quân, công an viên và các lực lượng khác tham gia ứng cứu công trình. Trước đó, xã Sơn Châu chủ động chuẩn bị 1.000 bao tải và 50m3 đất ngay tại chân đê nên việc khắc phục có phần thuận lợi hơn...
Đường sá bị chia cắt |
Tại huyện Vũ Quang, đến gần trưa 10/10, toàn huyện đã có 564 hộ dân bị cô lập, trong đó Đức Giang 250 hộ, Đức Bồng trên 300 hộ và Sơn Thọ 16 hộ. Nước lũ lên nhanh cũng đã làm ngập úng 5 ha ngô vụ đông (Đức Lĩnh 2ha, Sơn Thọ 3 ha) và nhiều tuyến đường liên thôn, đường liên xã, trám xá, trường học ở các xã vùng hạ huyện bị ngập, cô lập. Lãnh đạo huyện, các lực lượng chức năng đã tập trung bám sát sát địa bàn, theo dõi tình hình, đôn đốc các địa phương thực hiện các biện pháp ứng phó.
Trong ngày 10/10, lãnh đạo Hà Tĩnh đã đi kiểm tra tình hình mưa lũ và công tác ứng phó với thiên tai, tìm kiếm cứu hộ - cứu nạn ở các huyện bị ngập úng. Đồng thời đã đến thị sát tình hình và động viên, đôn đốc các lực lượng tham khắc phục sự cố giúp nhân dân.