20 năm hết lòng với trẻ khuyết tật

(PLVN) - Suốt 20 năm qua, mỗi Chủ nhật, bà Phan Thị Phúc (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội) lại cần mẫn dạy múa hát, kỹ năng sống cho trẻ em khuyết tật, thiểu năng trí tuệ trên địa bàn để giúp các em hòa nhập cộng đồng.
Nụ cười ngày đến lớp

Tấm lòng “mẹ Phúc”

Ngày Chủ nhật hàng tuần, Nhà sinh hoạt cộng đồng khu dân cư số 4 (phường Láng Hạ, quận Đống Đa, TP Hà Nội) trở nên nhộn nhịp, ấm áp hơn hẳn bởi sự xuất hiện của một lớp học đặc biệt, lớp học của Câu lạc bộ (CLB) Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội. Ánh mắt các em sáng lên khi nhìn thấy bạn bè. Và tất cả ngoan ngoãn khoanh tay: “Con chào mẹ Phúc” khi vào lớp. “Mẹ Phúc” ở đây là bà Phan Thị Phúc (năm nay đã 78 tuổi), chủ nhiệm CLB. 

Từ trong chiếc túi xách đã cũ, bà Phúc lấy ra những chiếc váy, món đồ chơi tự tay mặc cho các em. Bà bảo, đó là quà bà tặng cho những học sinh đã có thành tích học tập tốt ở tuần trước khích lệ, động viên các em cùng phấn đấu. Sau khi ổn định sĩ số, bà Phúc cùng cô giáo thiện nguyện và tình nguyện viên hướng dẫn các em tập thể dục khởi động trước khi chuyển sang tập vẽ, học toán…  

Sau khi tốt nghiệp Đại học Sân khấu Điện ảnh, năm 1984, bà về công tác tại Nhà hát Tuổi Trẻ và gắn bó nơi này cho đến lúc về hưu. Được giao làm mảng sân khấu trẻ em, bà nhận thấy trẻ khuyết tật không có điều kiện vui chơi như các bạn khác. Do đó, từ năm 1987, bà đã bắt đầu dạy trẻ khuyết tật học múa hát.

Đến năm 1990, bà hình thành ý tưởng thành lập một CLB cho nhóm trẻ đặc biệt này. Qua 5 năm thai nghén với nhiều khó khăn, năm 1995, “CLB Văn nghệ trẻ em khuyết tật Hà Nội” ra đời, trở thành nơi bà Phúc cùng những cộng sự và các tình nguyện viên tổ chức dạy múa hát và các kỹ năng sống cho trẻ khuyết tật, thiểu năng trí tuệ giúp các em hòa nhập cộng đồng.

Những năm đầu, CLB được Trường THCS Trung Tự cho xây trung tâm trong khuôn viên trường. Tuy nhiên, đến năm 2016, nhà trường sửa sang lại cơ sở vật chất nên CLB phải chuyển địa điểm. Kể từ tháng 6/2017 đến nay, CLB được duy trì ổn định tại Nhà sinh hoạt cộng đồng của phường Láng Hạ. Trong suốt nhiều năm qua, ở đây luôn có từ 30 đến 35 em tham gia sinh hoạt.

Qua các lớp học, các em đã biết chữ, biết làm toán cấp 1. CLB cũng tổ chức dạy văn nghệ cho các em. Đến nay, các học sinh của bà Phúc đã tham gia 13 kỳ hội diễn của trẻ em thiệt thòi của TP Hà Nội và đạt được nhiều huy chương vàng, bạc trong các kỳ tham dự.

Bên cạnh đó, với mong muốn truyền cảm hứng để các em có thể tự lập trong cuộc sống, bà Phúc cũng đã kết nối với một số nơi mở các lớp dạy nghề cho các em, như học may, móc, sửa chữa điện dân dụng, chụp ảnh, làm nhang…

“Chúng tôi luôn nỗ lực hết sức để trang bị cho các em những kiến thức, kỹ năng cần thiết để các em có thể hòa nhập với cộng đồng, vươn lên làm chủ cuộc sống, kiếm được tiền bằng đôi tay của mình”, bà tâm sự. 

Bà Phúc và những học sinh ở Câu lạc bộ Văn nghệ Trẻ em khuyết tật Hà Nội

Những “quả ngọt” quý giá

Bà Phúc cho biết, những em nhỏ đến với lớp học của bà đều là những người có hoàn cảnh kém may mắn hơn so với những người khác. Có những em ở gia đình có điều kiện vật chất đầy đủ nhưng không có không gian để giao lưu, khiến các em sống khép kín. Có những em thậm chí quần áo cũng không biết cái nào mặc trước, cái nào mặc sau.

Đón các em đến lớp, bà phải “dỗ” trước rồi mới dạy từ nếp sống, ăn ngủ, sinh hoạt rồi mới dạy nghệ thuật. “Chúng tôi phải dỗ từng em rồi mới dạy. Việc dạy các em cũng rất vất vả chứ không phải cứ 2 với 2 là 4 mà phải đi quanh 2 + 1= 3 rồi 3 + 1= 4. Các em ở đây bao gồm cả những em khiếm thính, khiếm thị, chậm phát triển, các em bị ảnh hưởng bởi chất độc da cam, bị bệnh down, trầm cảm, tăng động…

Tất cả đều được chăm sóc như nhau và em nọ hỗ trợ em kia. Điều đó khiến các em dường như quên đi bệnh tật. Được động viên, chia sẻ và ở bên những người bạn đồng cảnh ngộ, các em dần vượt lên chính bản thân mình, dần hoà nhập hơn với cuộc sống”, bà Phúc nói.

Với những em có thể trạng không tốt, ở CLB, bà và những cộng sự luôn chú ý quan sát để tìm ra những bài tập riêng phù hợp với từng em nhằm giúp các em có thể phục hồi chức năng. Điều khiến bà hạnh phúc nhất là được chứng kiến các em tiến bộ từng ngày.

“Tôi vô cùng nhớ và ấn tượng với Nguyễn Đức Thắng, lớp trưởng thế hệ thứ hai. Khi được bố mẹ đưa đến, em là một cậu bé 10 tuổi, sức khoẻ yếu, không nói được. Thế nhưng trong quá trình tham gia và tập luyện cùng câu lạc bộ, chúng tôi hướng dẫn học nói và em đã làm được. Sau đó một thời gian, chúng tôi thấy em tiến bộ rất nhiều. Em về với gia đình, với cộng đồng và trở thành một người lao động chân chính. Hiện em đã trưởng thành, trở thành chủ một tiệm ăn nhỏ, lập gia đình và có hai con gái. Em chủ động, độc lập về kinh tế, cùng vợ nuôi con ăn học, khôn lớn, trưởng thành”, bà kể. 

Từ CLB, từ sự tự tin mà bà Phúc và những người cộng sự truyền cho, nhiều em đã trưởng thành, có nhiều người đã có việc làm. Một số em mở được cửa hàng. Đặc biệt, cũng từ nơi đây, nhiều mảnh đời kém may mắn đã tìm được hạnh phúc riêng. “CLB đã trở thành “bà mai”, kết duyên cho 18 đôi, các cháu đã thành vợ, thành chồng, có việc làm, sống với nhau hạnh phúc”, bà Phúc chia sẻ. 

CLB của bà Phúc không chỉ là nơi để giúp các em khuyết tật có không gian sinh hoạt, được học tập, rèn luyện mà còn là nơi giúp những người bình thường cân bằng cuộc sống. “Có những người đi làm lương rất cao nhưng cuộc sống của họ chỉ xoay quanh máy móc, làm việc, không giao tiếp với mọi người nhiều.

Thế nhưng, khi đến với CLB, trở thành những tình nguyện viên, họ có chỗ để gặp gỡ những người kém may mắn hơn và cả những người cùng trang lứa. Từ đó, họ có niềm yêu mến các em và có thêm những người mới. Ngay cả các cô cũng vậy, CLB này cũng là nơi các cô có thể chia sẻ buồn vui trong cuộc sống, giúp đỡ nhau cả về tinh thần lẫn vật chất”, bà Phúc lý giải.

Nhìn lại chặng đường đã qua, bà Phúc khẳng định công việc bà theo đuổi 20 năm qua là hoàn toàn tự nguyện. “Trong quá trình gây dựng và duy trì đều đặn các hoạt động của CLB, chúng tôi cũng trải qua không ít khó khăn nhưng dù có vất vả đến mấy, với sự quyết tâm và lòng yêu thương trẻ thơ, chúng tôi đã vượt lên tất cả. Tôi nghĩ, với các em nhỏ kém may mắn, nếu chúng ta có lòng nhiệt thành, có điều kiện giúp đỡ, bù đắp thì các em sẽ sớm hoà nhập được với cuộc sống, với xã hội như bao người bình thường”, bà nói. 

Với những việc làm ý nghĩa thể hiện tính nhân văn, sức lan tỏa trong cộng đồng, năm 2019, bà Phúc đã được Chủ tịch UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt”. 

Không chỉ dạy học, bà Phúc và những cộng sự cũng lo cả bữa ăn, giấc ngủ cho các em vào mỗi ngày Chủ nhật. Tất cả những người tình nguyện khi đến với CLB đều làm không công nhưng đều rất tích cực, hào hứng, không nề hà. “Chúng tôi luôn tự nhủ và bảo nhau mình phải làm việc với cái tâm và trách nhiệm, phải luôn phấn đấu để là người tử tế thực sự”, bà Phúc nói.

Đọc thêm