21 tỉnh 'lười đẻ', Việt Nam không cấm người dân sinh con thứ 3

(PLVN) - Đó là thông tin được ông Mai Trung Sơn – Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số - Kế hoạch hóa gia đình – cho biết tại hội thảo cung cấp thông tin định hướng mới của Chương trình Dân số Việt Nam do Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, Bộ Y tế tổ chức ngày 11/11 vừa qua.
Người Việt đang có xu hướng lười đẻ.

Những thành tựu lớn

Theo ông Nguyễn Doãn Tú, Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình Từ năm 1961, Đảng và Nhà nước ta đã quan tâm đến vấn đề dân số và coi trọng việc hoạch định chính sách dân số. 

Trong gần 60 năm qua, công tác dân số của Việt Nam đã khống chế thành công tốc độ gia tăng dân số, sớm đạt và duy trì mức sinh thay thế. Tốc độ tăng dân số nước ta đã giảm từ hơn 2% năm 1993 xuống 1,14% giai đoạn 2009-2019.

Số con trung bình mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ đã giảm mạnh từ 3,74 con năm 1992 xuống 2,33 con năm 1999 và 2,09 con năm 2006, đạt mức sinh thay thế sớm hơn 10 năm so với mục tiêu Nghị quyết Trung ương 4 (khóa VII) đề ra và được duy trì cho đến nay.

Mức sinh giảm mạnh ở tất cả các khu vực nên quy mô dân số nước ta tăng chậm. Số dân tăng thêm bình quân mỗi năm 1,2 triệu người/năm giai đoạn 1989-1999 xuống 0,94 triệu người/năm giai đoạn 1999-2009; từ năm 2010 đến nay là 0,95 triệu người/năm. Năm 2019, dân số nước ta hơn 96,2 triệu người. Kết quả này đã hạn chế việc tăng thêm gần 20 triệu người nếu nước ta không thực hiện kế hoạch hóa gia đình. 

Việc “tránh sinh” hàng chục triệu người trong những thập kỷ qua là tiền đề tiến tới ổn định quy mô dân số vào giữa thế kỷ XXI. Kết quả công tác DS-KHHGĐ đã làm tăng GDP bình quân đầu người khoảng 2%/năm, góp phần quan trọng vào công cuộc xóa đói, giảm nghèo của đất nước.

Cơ cấu dân số chuyển dịch tích cực, Việt Nam đã bước vào thời kỳ dân số vàng từ năm 2007. 

Chất lượng dân số được cải thiện về nhiều mặt, tuổi thọ trung bình của người dân Việt Nam đã tăng đáng kể từ 40 tuổi vào năm 1960 lên 73,6 tuổi vào năm 2019.

Việt Nam được Liên Hợp quốc trao Giải thưởng Dân số năm 1999 và được các tổ chức quốc tế đánh giá là điểm sáng trong thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ (MDG) năm 2015 về dân số.

Những thành tựu trên đã góp phần quan trọng vào công cuộc xây dựng, bảo vệ Tổ quốc. Những thành quả của công tác dân số ngày hôm nay là công sức mà toàn Đảng, toàn dân ta đã đồng sức, đồng lòng thực hiện trong suốt gần 60 năm qua.

Kết hôn muộn và lười sinh con

Hiện nay điều kiện kinh tế - xã hội và các đặc điểm nhân khẩu học ở nước ta đã có nhiều thay đổi, chương trình dân số đang và sẽ phải đối mặt với những vấn đề mới. Khi người Việt đang kết hôn muộn và lười sinh con.

Đây là tình trạng rất đáng báo động, nếu mức sinh thấp kéo dài sẽ kéo theo hệ luỵ là già hoá dân số nhanh, thiếu hụt lao động, ảnh hưởng an sinh xã hội.

Theo ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân Dân số, Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình, nguyên nhân khiến người dân ngày càng lười đẻ là do xu hướng kết hôn muộn, không muốn đẻ, đẻ ít, đẻ thưa ngày càng cao. Bên cạnh đó là tỉ lệ đô thị hoá tăng và phát triển kinh tế dẫn đến áp lực tìm kiếm việc làm, nhà ở, chi phí sinh hoạt, chi phí nuôi dạy và chăm sóc con cái ngày càng cao nên các cặp vợ chồng quyết định sinh ít con.

Ông Sơn dẫn chứng, mức lương công nhân chỉ vài triệu đồng, nhưng gửi một đứa con đi nhà trẻ đã hết 3 triệu, nếu 2 đứa là mất 6 triệu, đây là số tiền không nhỏ, chưa kể còn tiền thuê nhà, sinh hoạt phí khác. Trong khi hiện tại chưa có chính sách hỗ trợ đủ mạnh để khuyến khích người dân ở những khu vực này sinh đủ 2 con.

Báo động tình trạng nạo phá thai ở nước ta. 

Một số trường hợp ngại đẻ do tâm lý thích hưởng thụ, sống theo trào lưu.

Cụ thể, 21 tỉnh, thành phố có mức sinh thấp (mức sinh < 2,0 con), chiếm 39% quy mô dân số. Tập trung chủ yếu ở các tỉnh thành có điều kiện kinh tế - xã hội phát triển ở Đông Nam bộ, Đồng bằng sông Cửu Long. Đáng nói, mức sinh ở TP. Hồ Chí Minh, đầu tàu kinh tế, lại ở nhóm thấp nhất cả nước (Mức sinh: 1,39 con).

Có 33 tỉnh, thành phố ở Việt Nam có mức sinh cao (mức sinh > 2,2 con), chiếm 42% quy mô dân số. Đây hầu hết là các khu vực có điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, chất lượng nguồn nhân lực còn nhiều hạn chế như trung du và miền núi phía Bắc, miền Trung - Tây Nguyên.

Cũng theo ông Sơn  các văn bản, quy định của Nhà nước không cấm người dân sinh con thứ 3 nhưng nêu gương đảng viên trong việc thực hiện các quy định về dân số. Hiện công tác tuyên truyền, vận động chính sách dân số được thực hiện theo hướng sinh đủ 2 con ở những vùng có mức sinh thấp và giảm sinh ở vùng có mức sinh cao.

"Mỗi cặp vợ chồng chỉ sinh từ 1-2 con" hiện đã không còn phù hợp. Trong bối cảnh hiện nay, thông điệp mới của ngành dân số là khuyến khích “Mỗi cặp vợ chồng nên sinh đủ 2 con” để đảm bảo sự phát triển xã hội, khuyến khích nam nữ thanh niên kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi...

Báo động tình trạng nạo phá thai, vô sinh thứ phát, sinh con lệch chuẩn

Theo thông tin từ Tổng cục Dân số - Kế hoạch hoá gia đình hiện nay, tình trạng phá thai ở mức đáng báo động ở nước ta, vốn là một trong những nguyên nhân gây vô sinh thứ phát, cũng đang dẫn đến mức sinh thấp”. 

Theo tìm hiểu, trung bình ở Việt Nam có từ 250.000 đến 300.000 ca nạo phá thai mỗi năm. Như vậy, mỗi ngày có khoảng 900 ca nạo phá thai xảy ra.

Điều đáng lo ngại khi kết quả điều tra biến động dân số và kế hoạch hóa gia đình của Tổng cục Thống kê, cứ 100 ca phá thai của phụ nữ tuổi 15-49 đang có chồng thì có tới 62 ca là mang thai ngoài ý muốn do không sử dụng các biện pháp phòng tránh thai. Và trong 1.000 ca phá thai tại Việt Nam có 15 trường hợp ở tuổi vị thành niên.

Rất nhiều trường hợp lựa chọn phá thai tại những phòng khám chui, các cơ sở y tế không được cấp phép nguy cơ xảy ra nhiều biến chứng như băng huyết, nhiễm trùng, thủng tử cung… thậm chí đe doạ tính mạng.

Các nghiên cứu cũng chỉ ra 20% các ca điều trị vô sinh từng có tiền sử từ phá thai không an toàn.

Theo thông tin từ Bệnh viện Bạch Mai từng tiếp nhận nữ bệnh nhân 24 tuổi nguy kịch do phá thai tại phòng khám bên ngoài. Nữ bệnh nhân phá thai do “lỡ” mang thai lần thứ 4, gia đình yêu cầu đình chỉ thai nghén khi thai đã 28 tuần.

Do đó mục tiêu giai đoạn tiếp theo tại Việt Nam là cần đảm bảo đầy đủ và đa dạng các phương tiện tránh thai, xã hội hoá dịch vụ và các phương tiện tránh thai, hướng dẫn tránh thai đúng cách, đảm bảo mọi phụ nữ được tiếp cận thuận tiện, dễ dàng, giá cả phù hợp, xoá bỏ khác biệt giữa các vùng địa lý.

Theo các chuyên gia y tế phòng tránh thai chủ động ngoài giúp các cặp vợ chồng chủ động về thời gian, khoảng cách, số lượng con, giúp chăm sóc, nuôi dạy con tốt còn giúp phụ nữ tránh được những tai biến sản khoa đáng tiếc.

Đọc thêm