23 năm tù cho “nữ quái” dùng thẻ tiết kiệm ảo chiếm đoạt gần 62 tỷ đồng

(PLVN) - Không có khả năng mua khối tài sản trị giá 36 tỷ đồng (thời điểm cuối năm 2015) nhưng một “nữ quái” ở tỉnh Lâm Đồng được sự hỗ trợ của 3 đối tượng khác (trong đó có 2 đối tượng là lãnh đạo phòng giao dịch của một ngân hàng) để chiếm đoạt tài sản của bị hại. Ngoài ra, mượn danh khối tài sản này, “nữ quái” còn chiếm đoạt hàng chục tỷ đồng của nhiều bị hại khác. 
Bị cáo Bùi Thị Anh Thư tại phiên tòa xét xử.
Bị cáo Bùi Thị Anh Thư tại phiên tòa xét xử.

Cú lừa ngoạn mục bằng thẻ tiết kiệm ảo

Mới đây, TAND tỉnh Lâm Đồng đã mở phiên tòa sơ thẩm xét xử vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và giả mạo trong công tác. “Nữ quái” trong vụ án này là Bùi Thị Anh Thư (SN 1981, ngụ phường 4, TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng). Ước tính số tiền mà siêu lừa này lừa đảo của các nạn nhân là gần 62 tỷ đồng. 

Theo cáo trạng, thông qua môi giới, Thư đã gặp và hỏi mua nhà đất số 261 Phan Đình Phùng (phường 2, TP Đà Lạt) của bà Ngô Phương Anh. Hai bên thống nhất mua bán với giá 36 tỷ đồng. Thư cam kết đặt cọc cho bà Anh 1 tỷ đồng, còn lại 35 tỷ sẽ thanh toán bằng phương thức chuyển khoản vào tài khoản của bà Anh.

Tuy nhiên, do không có tiền trả cho bà Anh nên Thư nảy sinh ý định lừa đảo. Thực hiện ý định của mình, Thư thuê Đàm Văn Chung (SN 1987, ngụ đường Cầu Giấy, quận Cầu Giấy, TP Hà Nội, làm nghề kinh doanh tự do) làm cho Thư thẻ tiết kiệm ghi số tiền 30 tỷ đồng đứng tên Thư. 

Nhà đất số 261 Phan Đình Phùng của bà Ngô Phương Anh.
Nhà đất số 261 Phan Đình Phùng của bà Ngô Phương Anh. 

Hai bên thỏa tuận, Thư vay Chung 30 tỷ đồng để làm thẻ tiết kiệm đứng tên Thư trong vòng một ngày. Số tiền này Thư không được rút ra sử dụng. Sau một ngày, Chung sẽ tự rút hết 30 tỷ, tài khoản sẽ bị phong tỏa và Thư báo mất thẻ. Thư được nhận bản gốc thẻ tiết kiệm (thực chất không có tiền), giữ trong 3 tháng và phải trả lại thẻ cho Chung. Chi phí làm thẻ mà Thư trả cho Chung 1%/30 tỷ, tương đương 300 triệu đồng.

Sau đó, Chung liên hệ với Nguyễn Thị Bích Hạnh (SN 1973, ngụ phường Hàng Bông, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội, Phó phòng Quan hệ khách hàng tại Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ, TP Hà Nội) làm thẻ tiết kiệm cho Thư. Hạnh sau đó trao đổi với Phạm Thế Long (SN 1981, ngụ đường Khương Trung, quận Thanh Xuân, TP Hà Nội, Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng BIDV chi nhánh Tây Hồ) và Long đồng ý làm các thủ tục, giấy tờ cho Thư ký để làm thẻ giả.

Ngày 22/1/2016, cầm thẻ tiết kiệm giả 30 tỷ trong tay, Thư đến nhà bà Anh nói sẽ thanh toán tiền mua nhà đất. Sáng hôm sau, bà Anh cùng Thư đến một ngân hàng ở Lâm Đồng kiểm tra thẻ tài khoản thì được biết đây là thẻ thật, có điều thẻ không báo số dư tài khoản. Tin tưởng thẻ thật mà không biết thực chất thẻ này không có giá trị, không có tiền, bà Anh đồng ý ký hợp đồng được ủy quyền rút, sử dụng tiền lãi, gốc… trong tài khoản với Thư.

Để bà Anh không phát hiện thẻ giả, Thư nói với bà Anh phải đến hết kỳ hạn 3 tháng mới được rút tiền. Ngày 28/1/2016, bà Anh ký hợp đồng chuyển nhượng toàn bộ tài sản nhà đất tại 261 Phan Đình Phùng cho Thư, kèm biên bản thỏa thuận, xác nhận Thư còn nợ số tiền còn lại.

Gần hết hạn 3 tháng, lo sợ bà Anh đi rút tiền ngân hàng sẽ phát hiện thẻ giả, Thư lại nhờ Chung làm thẻ tiết kiệm ghi số tiền 32 tỷ đồng đứng tên bà Anh. Phương thức và chi phí làm thẻ giống như khi làm thẻ 30 tỷ đồng.

Ngày 10/7/2016, bà Anh đi kiểm tra thẻ tiết kiệm 32 tỷ mới “ngã ngửa” vì thẻ không có tiền. Ngày 21/9/2016, bà Anh làm đơn tố cáo gửi Công an TP Hà Nội.

Quá trình giải quyết đơn, Công an TP Hà Nội thông báo cho bà Anh biết cả 2 thẻ tiết kiệm 30 tỷ đồng và 32 tỷ đồng mang tên Thư và bà Anh thực chất không có tiền, không được phép sử dụng. Tháng 10/2017, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hà Nội chuyển hồ sơ vụ việc cho Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng để điều tra, giải quyết.

Ngày 11/1/2018, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng đã khởi tố vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức và giả mạo trong công tác. Đồng thời, khởi tố bị can và bắt tạm giam đối với Bùi Thị Anh Thư để điều tra về các tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”. Thời điểm này, số tiền mà Thư chiếm đoạt của bà Anh được xác định là 29 tỷ 880 triệu đồng.

Đến ngày 24/12/2019, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Lâm Đồng tiếp tục ra quyết định khởi tố bị can đối với Phạm Thế Long, Nguyễn Thị Bích Hạnh, Đàm Văn Chung để điều tra về tội “Giả mạo trong công tác”. 

Tại cơ quan công an, Chung thừa nhận đã nhận được số tiền phí làm 2 thẻ tiết kiệm từ Thư là 620 triệu đồng, Chung giữ lại 124 triệu đồng. Hạnh chỉ thừa nhận có nhận từ Chung 80 triệu đồng và đã đưa cho Long 5 triệu đồng.

Siêu lừa lãnh án 23 năm tù giam

Không chỉ làm thẻ tiết kiệm ảo để lừa chiếm đoạt nhà đất của bà Anh, quá trình điều tra, cơ quan công an còn làm rõ, Thư còn lừa đảo, chiếm đoạt số tiền rất lớn của 2 người khác là ông Nguyễn Văn Mỹ (ngụ TP HCM, Giám đốc đại diện theo pháp luật của Công ty Cổ phần Địa ốc Thiên Ân) và ông Nguyễn Đức Nhân (ngụ quận Bình Thạnh, TP HCM).

Sau 2 ngày xét xử, đến gần 21h ngày 25/11, HĐXX TAND tỉnh Lâm Đồng đã tuyên phạt bị cáo Bùi Thị Anh Thư 20 năm tù giam về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, 3 năm tù giam về tội “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”, tổng hình phạt là 23 năm tù; tuyên trả lại tài sản là nhà đất số 261 Phan Đình Phùng cho bà Ngô Phương Anh. HĐXX cũng tuyên phạt các bị cáo Phạm Thế Long, Nguyễn Thị Bích Hạnh, Đàm Văn Chung mỗi bị cáo 3 năm tù nhưng cho hưởng án treo về tội “Giả mạo trong công tác”.

Thông qua vụ việc này, cơ quan chức năng cũng lên tiếng cảnh báo người dân, trong quá trình giao dịch số tiền lớn cần phải hết sức cẩn thận, nhờ người thân hiểu luật hoặc thuê luật sự tư vấn tránh bị rơi vào bẫy của bọn lừa đảo.

Đọc thêm