Cô giáo mang đến “bình minh” cho những đứa trẻ “đặc biệt”
Năm 2018, bên lề Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp do Hội LHPN Việt Nam tổ chức, tôi đã gặp cô giáo trẻ Đỗ Thị Nhị, chủ cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh xã Đồng Nguyên, huyện Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Lần gặp đó, Đỗ Thị Nhị không có nhiều thời gian để kể câu chuyện cuộc đời mình, cô chỉ kể ngắn gọn rằng cô có một hoàn cảnh sống rất đặc biệt, mồ côi mẹ khi 3 tuổi, nhà đông anh chị em, sống với mẹ kế.
“Em đã bươn chải quá nhiều, cuộc sống luôn thử thách em. Nhưng nhờ những rào cản về sự đau thương ấy mà sự yêu thương trong em được tôi luyện để giúp em bước vượt qua hoàn cảnh, lạc quan vui sống và muốn chia sẻ tình yêu thương ấy tới nhiều người hơn. Và đó cũng là lý do để em chọn học ngành Giáo dục đặc biệt (GDĐB) của Đại học Sư phạm Hà Nội” - Nhị tâm sự.
Cô giáo Đỗ Thị Nhị và học sinh. |
Đến với Ngày hội phụ nữ khởi nghiệp năm 2018, Đề án “Phát triển mô hình giáo dục bền vững cho trẻ có nhu cầu đặc biệt tại Bắc Ninh” của Đỗ Thị Nhị đã đạt Giải xuất sắc. Kể với tôi về Đề án, Đỗ Thị Nhị cho biết, từ khi là sinh viên ngành GDĐB của Đại học Sư phạm Hà Nội, cô đã mở lớp dạy ở nhà cho các bé chậm nói. Năm 2017, cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh ra đời với 7 giáo viên can thiệp đều tốt nghiệp ngành GDĐB, 6 giáo viên chăm sóc, nuôi dạy và bản thân chủ cơ sở cô giáo Đỗ Thị Nhị đang tiếp tục theo học cao học ngành GDĐB và có 5 năm kinh nghiệm thực hành. Đây là môi trường GDĐB cho trẻ khuyết tật của tỉnh Bắc Ninh, đặc biệt ưu tiên cho con công nhân lao động ở các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và một số tỉnh lân cận như một cách chia sẻ với các gia đình có con bị khuyết tật trí tuệ.
“Em nhận thấy, gia đình trẻ khuyết tật phải đi rất xa để tìm dịch vụ GDĐB, mong muốn con được can thiệp sớm nhất nên không quản ngại bỏ ra công sức, thời gian, tiền bạc để tham gia các khóa học ở tận Hà Nội, Sài Gòn. Gia đình chia ly, bố hoặc mẹ phải nghỉ việc vì con, sự bất lợi về môi trường thuê trọ tạm bợ cũng là một vấn đề lớn. Rào cản tâm lý từ gia đình, dòng họ, sự cô độc và áp lực nên tỷ lệ ly hôn ở gia đình có trẻ khuyết tật rất cao. Em muốn góp sức mình để giúp họ” - Nhị cho biết.
Ở thời điểm đó, cô Nhị cho biết, rất nhiều trẻ tự kỷ theo học tại cơ sở Mầm non chuyên biệt Bình Minh đã có thể hòa nhập tốt với cuộc sống và để có được thành công này, nhiều lúc cô giáo Nhị tự nguyện dạy thêm giờ, tạm tách trẻ ra khỏi gia đình để trẻ như trở thành con của cô cả ngày lẫn đêm để dạy và đã mang đến niềm vui, giọt nước mắt hạnh phúc cho các gia đình khi thấy con em mình dần biết nói, biết giao tiếp, viết những chữ cái đầu tiên.
Trong những chuyến công tác, điều luôn làm cô giáo Đỗ Thị Nhị trăn trở nhất đó là hiện vẫn có quá nhiều các đối tượng trẻ tự kỷ là con em công nhân lao động trong các khu công nghiệp đời sống cha mẹ gặp nhiều khó khăn về kinh tế cũng như tinh thần nên không thể đảm bảo hỗ trợ con tích cực trong can thiệp, cũng không có thời gian dự tiết can thiệp cùng con... Với cố gắng nhỏ nhoi của mình, cơ sở Bình Minh luôn hỗ trợ tối đã cho những trẻ từ gia đình chính sách, phụ nữ đơn thân khó khăn, gia đình hộ nghèo diện đặc biệt, công nhân lao động nghèo…
Khuyết tật chỉ là sự thử thách
Tại Việt Nam, hiện tại, chưa có một số liệu thống kê chính thức về số lượng người mắc chứng tự kỷ ở trong nước. Tuy nhiên, nếu dựa theo con số thống kê người tự kỷ chiếm khoảng 1% dân số, thì tại Việt Nam tương đương gần 1 triệu người mắc chứng này. Theo các chuyên gia y tế, rối loạn tự kỷ là một dạng khuyết tật phát triển suốt đời, bộc lộ ngay từ những năm đầu đời. Tự kỷ là kết quả rối loạn của hệ thần kinh gây ảnh hưởng đến hoạt động của não bộ. Tự kỷ có thể xảy ra ở bất kỳ cá nhân nào không phân biệt giới tính, chủng tộc, giàu nghèo và địa vị xã hội. Đặc trưng của người có chứng tự kỷ bao gồm khiếm khuyết về tương tác xã hội, khó khăn về giao tiếp ngôn ngữ và phi ngôn ngữ, cùng với những hành vi, sở thích và hoạt động mang tính hạn hẹp và lặp đi lặp lại.
Khoa Tâm bệnh - Bệnh viện Nhi Trung ương là một trong những cơ sở có số lượng trẻ đến khám và điều trị rất cao. Trung bình mỗi năm có khoảng 400 lượt trẻ được can thiệp, mỗi đợt có 20-25 trẻ, có đợt cao điểm lên đến 30 trẻ. Tại đây, để kèm một trẻ tự kỷ học tại đây luôn luôn có một phụ huynh của trẻ, một nhân viên y tế trực tiếp dạy trong ba buổi, một tổ trưởng tâm lý hỗ trợ nhóm. Cũng như cô giáo Đỗ Thị Nhị, người hướng dẫn tại các lớp học can thiệp cho các bé có hội chứng tự kỷ ở Bệnh viện Nhi Trung ương rất vất vả bởi đây là một quá trình vô cùng gian nan, đòi hỏi người hướng dẫn phải luôn phải liên tục kiên trì và kiềm chế hết sức.
Tương tự công việc của những cô giáo dạy trẻ tự kỷ ở Trung tâm Phục hồi chức năng người khuyết tật Thụy An, Ba Vì - Hà Nội cũng không dễ dàng gì. Trao đổi với truyền thông, cô Hồ Hải Hậu - Trưởng khoa tự kỷ cho biết, mỗi trẻ tự kỷ là một thế giới, thế giới ấy đầy bí ẩn nhưng cũng chứa rất nhiều yêu thương, cảm thông và hy vọng. Trong cuộc đời làm nghề của mình, cô Hậu và các đồng nghiệp không đếm nổi những lần bị học trò xô ngã, thậm chí có lần bị thương tích vì hành vi không kiềm chế của trẻ, nhưng không vì thế mà họ ngừng sự cố gắng liên tục bền bỉ vì mỗi sự tiến bộ dù là nhỏ nhoi của các bé.
“Khuyết tật chỉ là sự thử thách” đó không chỉ là dòng chữ trên tường ở Trung tâm Phục hồi chức năng Việt - Hàn tại Yên Thái xã Đông Yên, huyện Quốc Oai, Hà Nội mà còn là nhận thức của tất cả các cán bộ, giáo viên nơi đây. Bước vào một lớp dạy kỹ năng cho trẻ tự kỷ nặng, khi cánh cửa lớp vừa mở ra, đón tôi là một chuỗi âm thanh ú ớ, gầm gào, những khuôn mặt trẻ măng, sáng sủa nhưng ngây ngô và cả những bàn tay vươn ra định giật lấy vật dụng cá nhân của tôi. Gỡ tay học trò ra khỏi chiếc điện thoại, cô giáo Nguyễn Thị Hoan vừa nhỏ nhẹ thanh minh hộ: “Chị thông cảm nhé, các con nhiều khi không làm chủ được hành vi, chứ không phải hư đâu”.
Cô Nguyễn Thị Hoan đang chăm sóc học sinh của mình. |
Chăm sóc và dạy dỗ trẻ thiểu năng trí tuệ, các cán bộ, giáo viên nhiều khi khó tránh những lúc các em không làm chủ được hành vi. Theo lời kể của cô Hoan, có lần trong bữa ăn, thấy một học sinh nữ tên Loan bị khuyết tật trí tuệ và có vấn đề về hành vi đánh một em nhỏ. Cô lại gần hỏi Loan sao chị lại đánh em. Loan liền đứng bật dậy cầm thìa gõ vào tay cô và chửi. Thay vì giận dữ, cô tìm hiểu nguyên nhân và biết được Loan vì có tiến bộ về nhận thức nên được chuyển sang lớp khác nhưng em chưa thích nghi được với lớp mới nên có hành vi phản kháng như vậy.
Để đồng hành với công việc rất vất vả và những số phận không may này, đòi hỏi sự hy sinh của rất nhiều nhân viên công tác xã hội như cô Hoan, cũng như sự cảm thông từ gia đình, người thân của họ. “Chồng em rất chia sẻ với công việc của em và thậm chí là tự hào khi thấy vợ mình làm công việc giúp đỡ người khuyết tật, một công việc có ích cho xã hội. Nhiều lúc không tránh khỏi mệt mỏi, kiệt sức vì công việc, vì thu nhập thấp, nhưng rồi sự trăn trở làm thế nào để các con tiến bộ vẫn là động lực lớn hơn để em tiếp tục công tác” – cô Nguyễn Thị Hoan tâm sự…
Mặc dù ngày nay, hầu hết mọi người đều được tiếp cận với thông tin, nhưng vẫn còn nhiều người không biết về chứng tự kỷ và những đặc điểm của người tự kỷ. Do đó, ngày 2/4 hàng năm là ngày Liên Hợp quốc chọn là Ngày thế giới nhận thức về tự kỷ với mục đích kêu gọi cộng đồng tăng cường sự quan tâm và hiểu biết về hội chứng này. Ở Việt Nam, tại Thông tư 01/2019/TT-BLĐTBXH về xác định mức độ khuyết tật của Bộ LĐ-TB&XH, lần đầu tiên cụm từ tự kỷ được đề cập đến. Cụ thể, tại Phụ lục 01, 02 và 03 ban hành kèm Thông tư này, tự kỷ được đề cập đến là dạng khuyết tật khác với nội dung là “có kết luận của cơ sở y tế cấp tỉnh trở lên về rối loạn phổ tự kỷ hoặc các loại bệnh hiếm”.