Duyên nợ với bút
Bước chân vào phòng khách nhà bác sĩ Nguyễn Văn Xáng (ở khu đô thị Mỹ Gia, TP.Nha Trang, tỉnh Khánh Hòa), chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng khi chứng kiến hàng ngàn cây bút đủ màu sắc, hình thù, kích cỡ được trưng bày ở những vị trí trang trọng. Có hàng chục cây bút to bằng bắp tay và có loại nhỏ xíu như cây kim. Từ cây bút mang hình dáng các loại dụng cụ y tế, đến động vật, thực vật và nhiều loại khác.
Vừa trò chuyện với chúng tôi, bác sĩ Xáng vừa mở tủ lấy ra một cây bút lá tre và nói: “Đây là cây bút đầu đời dẫn tôi bước vào kho tàng tri thức. Cứ mỗi lần ngắm nó, tôi lại như được trở về với tuổi thơ của mình”.
Sinh ra trong một gia đình nghèo ở Thừa Thiên - Huế, thời thơ ấu bác sĩ Xáng cũng như bao người cùng trang lứa, phải sống thiếu thốn trong cảnh chiến tranh loạn lạc. Trường học lại xa nên việc học tập của ông ngày đó gặp nhiều gian truân, trắc trở.
Tưởng như con đường học chữ sẽ đứt gánh giữa chừng thì trong làng có một thầy giáo đã tình nguyện mở lớp dạy chữ cho trẻ nhỏ. Ông Xáng liền đăng ký tham gia lớp học. Món quà đầu tiên trong đời học sinh của cậu bé Xáng chính là cây bút lá tre cùng lọ mực tím thầy giáo tặng.
Năm 1995, khi sang Đức du học chuyên khoa Tai - Mũi - Họng, bác sĩ được thầy giáo người Đức tặng một cây bút và chiếc đèn chuyên dụng trong ngành y.
Món quà của người thầy xứ người mang lại cảm xúc đặc biệt với ông. Nó vừa cảm động lại vừa sâu thẳm ý nghĩa. Ông hiểu rằng, người thầy giáo gửi gắm kỳ vọng vào học trò của mình thông qua cây bút, để họ trưởng thành hơn, giữ mãi tri thức cùng đạo đức người thầy thuốc.
Từ đó, bác sĩ Xáng luôn dành một tình cảm thật đặc biệt với bút. Trở về nước, đi nhiều nơi, dự nhiều cuộc họp, ông nảy ra ý định sẽ sưu tập một bộ bút. Ngày đó ông chỉ nghĩ đơn giản sưu tầm để ngắm và lưu giữ kỷ niệm thời gian. Sau này thấy việc làm của mình ý nghĩa, ông say mê lúc nào không biết. Đến nay, ông đã sưu tầm hơn 2.500 cây bút ở khắp đất nước Việt Nam và hơn 30 quốc gia trên thế giới.
Những cây bút mà bác sĩ Xáng sưu tầm không phải mua đại trà từ ngoài thị trường, mà có được từ những chuyến đi công tác, tham gia những hội thảo khoa học, hay chỉ là sự bắt gặp tình cờ. Với ông, mỗi cây bút là một sự trải nghiệm của cuộc sống.
“Đi đến bất cứ đâu tôi cũng nghĩ đến chuyện sưu tầm bút, đó là những cây bút về địa danh, tên khách sạn, hãng thuốc, khu du lịch mà tôi đặt chân đến. Việc sưu tầm này như đánh dấu, ghi lại một kỷ niệm, một hành trình mà cuộc đời mình được trải nghiệm”, bác sĩ Xáng chia sẻ.
Không những vậy, mỗi cây bút mà người thầy thuốc này sưu tầm còn là dấu ấn ghi lại những sự kiện quan trọng trong sự nghiệp của ông như ký kết hợp tác ở lĩnh vực y tế trong và ngoài nước, ký duyệt những vấn đề quan trọng.
Cây bút có hình tổng thống Obama |
“Cây bút là sự thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ”
Trong bộ sưu tập của bác sĩ Xáng có đủ các thể loại bút. Từ những loại bút có gắn kim cương thật, mạ vàng ròng, bút sang trọng và đẳng cấp như Montblanc, Pilot, Parker... cho đến những loại dân dã bình thường đều được chủ nhân yêu quý, nâng niu trìu mến ngang nhau.
“Cây bút Caro có tuổi đời già nhất trong bộ sưu tập, nó ra đời năm 1942 tại Đức. Thời đó, nhà sản xuất chỉ cho ra đời có mấy chục cây nên rất hiếm và quý. Bề ngoài bút được mạ vàng, màu sắc vô cùng đẹp mắt”, bác sĩ Xáng cho biết.
Bác sĩ Xáng cũng dành một phần trong bộ sưu tập của mình để trưng bày những cây bút chuyên ngành y. Đó là những cây bút hình xương đòn, xương đùi, xương ống tay, mạch máu, bơm kim tiêm hay hình viên thuốc...
Bạn bè hiểu niềm đam mê của bác sĩ Xáng nên hễ thấy bút nào mới lạ độc đáo thường gửi tặng. Họ biết rằng, đó chính là món quà ý nghĩa nhất mà ông mong muốn, sẵn sàng đón nhận và lưu giữ.
Nhớ lại một kỷ niệm, bác sĩ Xáng kể, năm 2009, khi ông Barack Obama trở thành tổng thống thứ 44 của Mỹ, để ghi lại sự kiện này, ông nghĩ ngay đến việc sưu tầm một cây bút có hình tổng thống Obama. Ông đã liên hệ với những người bạn ở Mỹ, chia sẻ mong muốn của mình. Chỉ vài tháng sau, người bạn đã tìm mua, gửi về cho ông một cây bút bi có hình tổng thống Obama ngay trên thân bút.
Chia sẻ lý do chọn bút để sưu tầm, bác sĩ Xáng bộc bạch: “Cây bút là sự thể hiện nét văn hóa ngôn ngữ, nó thay cho lời nói thể hiện kiến thức, tâm tư, tình cảm của mỗi người. Đồng thời, bút còn là một dụng cụ không thể thiếu trong cuộc sống. Nó như chuyển tải suy nghĩ, tư duy, ghi nhận lại sự sáng tạo của con người, là kỷ niệm buồn vui trong cuộc đời. Do đó, mỗi lần cầm những cây bút, tôi lại nhớ về những kỷ niệm, sự kiện đã qua. Sưu tầm bút cũng là một thú chơi tao nhã, thú vị”.
Ngày 15/5/2017, bác sĩ Xáng đã được nhận bằng xác nhận kỷ lục gia của tổ chức Kỷ lục Việt Nam cho người sở hữu bộ sưu tập bút viết với số lượng và chủng loại nhiều nhất.
“Với tôi, việc sưu tầm bút không phải hướng đến giải thưởng mà chỉ để thỏa niềm đam mê và ghi dấu kỷ niệm. Chính vì thế, tôi sẽ tiếp tục sưu tầm để làm phong phú thêm bộ sưu tập bút của mình”, bác sĩ Xáng tâm sự.
Sau những giờ làm việc, trở về nhà, người thầy thuốc này lại ngắm nhìn những chiếc bút của mình, tỉ mẩn lau chùi như một thú vui tao nhã giúp xua tan những căng thẳng, lo lắng trong công việc và cuộc sống. Trong thời buổi của máy tính, của màn hình cảm ứng hay điện thoại di động thông minh thì những cây bút càng ít được quan tâm hơn. Vì vậy, ngoài việc sưu tầm, ông còn thường xuyên nhắc nhở con cháu mình trân trọng những giá trị mà những chiếc bút mang lại.