27 bộ hài cốt để trong nhà, dân dài cổ chờ tiền đền bù đất

(PLO) - Hài cốt cha mẹ và người thân bốc lên phải đặt trên bàn thờ, nhà dột không được sửa, vườn tược bỏ hoang, từ một hộ dân có kinh tế khá giả, nay cả nhà ông phải làm thuê làm mướn chạy ăn từng bữa.  
Khu vườn tan hoang sau dự án
Khu vườn tan hoang sau dự án
Cuối năm 2011, UBND huyện Châu Thành A ban hành quyết định bồi thường cho gia đình ông Huỳnh Văn Châu (SN 1933, ngụ ấp Phú Thạnh, xã Tân Phú Thạnh, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang) với số tiền hơn 1,766 tỉ đồng. Bên cạnh đó, UBND huyện kèm theo quyết định buộc gia đình ông Châu bốc 27 bộ hài cốt trong diện tích 5000m2 thuộc diện giải tỏa, nằm trong dự án xây dựng Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. 
Từ đó đến nay đã 3 năm, bà con, hàng xóm xung quanh đã nhận được tiền đền bù để chuyển đi nơi khác, ổn định lại cuộc sống. Thế nhưng gia đình ông Châu vẫn phải “chờ dài cổ” từng ngày. 
Bốc mộ để trong nhà rồi dài cổ chờ đền bù
Theo trình bày của ông Châu, vào cuối tháng 9/2011, UBND huyện Châu Thành A ban hành quyết định bồi thường cho gia đình ông 1,766 tỉ đồng. Đồng thời cho ông tạm ứng trước gần 19 triệu đồng để di dời 27 ngôi mộ trong vườn, chuẩn bị cho việc di dời, giải phóng mặt bằng để xây Khu công nghiệp Tân Phú Thạnh. 
Từ đó đến nay đã gần 3 năm, bà con cô bác cùng hơn 100 hộ dân xung quanh đã nhận đủ tiền đền bù và yên ổn định cư nơi vùng đất mới. Thế nhưng gia đình ông Châu vẫn phải “sống trong đợi chờ”, ngày ngày thấm thỏm lo âu. Hai mươi bảy ngôi mộ bốc lên, không có đất để an táng, ông đành cho vào các hũ rồi chia ra cho anh em, con cái thờ cúng. Riêng ông thờ hài cốt của cha mẹ.
Mái tôn mục nát mà không được sửa.
  Mái tôn mục nát mà không được sửa.
Trước khi chưa có quy hoạch, gia đình ông Châu trồng trọt chăn nuôi rất hiệu quả. Bình quân, mỗi năm ông thu lời được từ 70 đến 100 triệu đồng từ việc thu hoạch cam, bưởi và nuôi heo, nuôi cá tai tượng. Tuy nhiên, gần 3 năm nay (tính từ khi ban hành quyết định), gia đình ông không dám làm gì, cũng không được trồng thêm cây gì trong vườn. 
Cả nhà lúc nào cũng nơm nớp lo sẽ bị di dời. Chính vì vậy, từ một hộ dân thuộc diện khá giả, nay gia đình ông chỉ biết làm thuê làm mướn, sống lay lắt qua ngày. “Tưởng bốc mộ xong, vài ngày sau sẽ nhận được tiền đền bù. Thế nhưng đã 3 năm nay, chúng tôi chờ dài cổ vẫn chưa thấy đâu. Bà con xung quanh ai cũng đã nhận được tiền, đã có cuộc sống mới, chỉ còn lại mỗi gia đình tôi. Năm nay tôi đã 81 tuổi rồi, mồ mả cha mẹ, người thân phải bốc lên để trên bàn thờ. Không biết khi vợ chồng tôi chết sẽ ra sao. Thật không có nỗi khổ nào hơn, có đất mà không dám trồng trọt, chăn nuôi”, ông Châu cay đắng. 
Đi cũng dở, ở cũng chẳng xong 
Từ khi Công ty cổ phần dược Hậu Giang đi vào hoạt động, mùi hôi thối, nồng nặng từ hầm xả nước thải luôn bốc lên, rồi theo gió tạt vào nhà ông rất khó chịu. “Thà phải ngửi mùi heo chết, gà chết, tôi còn nghe dễ chịu hơn. Hầm nước thải chỉ cách nhà tôi chưa đầy 100m, mỗi lần gió tạt vào thì không thể nào chịu được. Nếu đang ăn mà nghe cái mùi ấy thì phải bỏ cả cơm canh. Cái mùi vừa hắc, vừa hăng, vừa nồng của chất hóa học khiến gia đình tôi ai cũng bị nhức đầu, sổ mũi…
Đầu tuần còn nhẹ chứ tới thứ Bảy, Chủ nhật thì hôi kinh khủng. Tôi chỉ mong sao chính quyền xem xét, sớm giải quyết cho gia đình tôi nhận được tiền đền bù để đi nơi khác mua đất, sớm ổn định lại cuộc sống”, anh Huỳnh Văn Dũng (SN 1972, con trai ông Châu) tâm sự.
Cũng theo lời anh Dũng, mỗi lần trời mưa gió, nhà dột, anh chạy ra mua tôn hoặc xi măng về sửa sang lại cũng bị chính quyền địa phương cấm cản. Anh cho biết: “Chính quyền ấp cho rằng tôi xây thêm công trình phụ để vòi tiền dự án. Thật ra nhà tôi đã xuống cấp quá trầm trọng. Kèo, cột bằng gỗ non đều bị mối mọt ăn gần hết, muốn sụp lên đầu tới nơi rồi”
Trên diện tích hơn 5000m2 đất nằm trong diện giải tỏa, chỉ có một mình ông Châu đứng tên. Thế nhưng thực tế có tới 5 gia đình với 25 nhân khẩu sinh sống, đều là các con, cháu của ông Châu. Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai (SN 1967, con dâu cả ông Châu) tỏ vẻ lo âu: 
“Tôi làm nghề bán bánh lọc, mấy năm nay, mái tôn ở nhà bếp đã rộ nát, mưa dột ướt hết. Thế nhưng chúng tôi không sửa sang gì được. Vào mùa này, lúc rạng sáng trời rất hay mưa, nhiều khi đang làm dở, tôi phải bê nguyên nồi bánh cùng bếp vào nhà nấu. Hơn thế, con gái tôi lấy chồng, bên nhà chồng nghèo, không có đất, tôi muốn dựng tạm cho hai con một mái nhà cũng không được. Vậy là cha mẹ, con cái lại phải chen chúc nhau trong căn nhà nhỏ xíu của vợ chồng tôi”.
Dáng vẻ tiều tụy của ông Châu bên bàn thờ có hài cốt cha mẹ.
 Dáng vẻ tiều tụy của ông Châu bên bàn thờ có hài cốt cha mẹ.
Đã nhiều lần ông Châu tính phương án cho con cái vay tiền ngân hàng để đi nơi khác mua đất định cư trước, khi nào nhận được tiền đền bù sẽ trả sau. Tuy nhiên, khi ông đặt vấn đề này đã bị các con nhất mực từ chối từ chối. “Khi nghe cha bàn bạc việc vay tiền ngân hàng để mua đất, chúng tôi không đồng ý. Để mua được đất nơi khác, nhất định phải vay số tiền rất lớn. Trong khi đó, toàn bộ 25 nhân khẩu trong đại gia đình của tôi chỉ biết trồng trọt và chăn nuôi. Tiền đền bù thì chưa biết lúc nào nhận được, nếu chúng tôi nghe lời cha, có lẽ bây giờ phải khom lưng trả tiền lãi rồi”, anh Dũng chia sẻ thêm.
Hiện nay, Công ty Cổ phần Dược Hậu Giang đã xây hàng rào, bít đường đi, những mảnh đất xung quanh nhà ông Châu cũng bị máy móc húc ủi lởm chởm, khiến việc đi lại rất khó khăn. Ông Châu than thở: “Mấy chục năm nay, nhờ chăm chỉ, tôi cùng các con bắt đầu có của ăn của để. Thế nhưng, từ khi đất rơi vào diện quy hoạch, chúng tôi không còn tinh thần làm việc. 
Mong sao các cấp chính quyền xem xét, sớm giải quyết cho gia đình tôi. Nếu đất của gia đình tôi không thuộc diện giải phóng, xin hãy ra quyết định trả lại quyền sử dụng đất để chúng tôi có hướng khắc phục. Nếu có thì hãy nhanh chóng giải quyết, nhanh chóng đền bù cho gia đình tôi. Chứ cứ sống kiểu đứng núi này trông núi nọ như thế này, chúng tôi không biết đường nào mà lần”./.

Đọc thêm