Rau càng cua
Rau càng cua có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ, kháng viêm, giảm đau, hạ nhiệt... (Ảnh: Getty). |
Thành phần dinh dưỡng của rau càng cua gồm: 92% là nước cùng 8% là các vitamin, khoáng chất như: beta caroten (tiền vitamin A), sắt, kali, magie, vitamin C…
Theo bác sĩ y học cổ truyền Lê Thị Thảo Quyên, trong Đông y, rau càng cua có vị đắng, tính bình, có tác dụng thanh nhiệt, giải độc, hoạt huyết, tan máu ứ, kháng viêm, giảm đau, hạ nhiệt...
"Rau càng cua thường được sử dụng để điều trị các bệnh về đường hô hấp. Với công dụng chống viêm, giảm đau, rau càng cua có thể được dùng trị sốt, ho, đau đầu, cảm lạnh, viêm khớp. Ăn rau càng cua có thể hỗ trợ trong việc điều chỉnh và cân bằng axit uric trong máu cũng như giúp phòng ngừa bệnh gout.
Trong một nghiên cứu sử dụng dịch thiết của rau càng cua trên chuột đã làm giảm nồng độ axit uric đến 44% trong máu so với 66% của allopurinol (Thuốc làm hạ nồng độ axit uric trong máu thường được sử dụng trên lâm sàng). Kết quả này cho thấy ăn rau càng cua có thể giúp phòng ngừa được bệnh gout. Nhiều tài liệu còn ghi nhận rau càng cua còn góp phần làm giảm nguy cơ ung thư tuyến tiền liệt
Ngoài ra, rau càng cua cũng có thể được sử dụng như một loại thực phẩm để tăng cường sức khỏe, giảm cân và hỗ trợ tiêu hóa", BS Quyên cho hay.
Nhiều nước trên thế giới xem rau càng cua là "thần dược" vì nó có khả năng trị nhiều loại bệnh. Ở Philippines, người ta dùng lá càng cua đắp để điều trị ung nhọt và vết loét. Người dân Trung Quốc và Brazil dùng nước ép rau càng cua để trị bệnh viêm kết mạc. Người Java lại dùng loại rau này để trị sốt rét, đau đầu…
Tầm bóp
|
Ở Việt Nam, quả tầm bóp còn được gọi là quả lồng đèn, lù đù, thù lù hay đồm độp (Ảnh: Getty). |
Tầm bóp là một loại cây mọc hoang khắp các cánh đồng, bãi đất hoang hoặc các sườn đồi. Thời chiến tranh, tầm bóp là loại rau "cứu đói" cho bộ đội và người dân. Sau đó, người dân trên các vùng núi như Mộc Châu gom hạt giống và gieo trồng như một loại rau.
Ở Việt Nam, quả tầm bóp còn được gọi là quả lồng đèn, lù đù, thù lù hay đồm độp… Quả có hình tròn nhỏ như quả cà, bên ngoài được bao bọc một lớp vỏ mỏng, giống hình lồng đèn. Khi bóp quả tầm bóp, vỏ bọc bên ngoài quả bị thủng phát ra tiếng kêu rất vui tai.
Theo Đông y, quả tầm bóp vị chua, tính bình tác dụng thanh nhiệt, tiêu đờm... vì thế nó còn được dùng như một vị thuốc Nam.
Một nghiên cứu của các nhà khoa học tại Viện khảo cứu các hợp chất thiên nhiên được đăng trên tạp chí "Life Sciences" đã chỉ ra hoạt tính chống ung thư của cây tầm bóp.
Cụ thể, theo nghiên cứu này, các dịch chiết cây tầm bóp có hoạt tính chống ung thư gan trên các dòng tế bào Hep G2, Hep 3B, PLC/PRF/5. Hoạt tính này gây ra hiện tượng tế bào tự hủy (apoptosis) phối hợp với những rối loạn chức năng của các ty thể nơi màng tế bào ung thư.
Tại Nhật Bản, rau tầm bóp được bán với mức giá tương đương 700.000 đồng/kg ở nhiều siêu thị.
Lục bình
|
Thân và lá lục bình có công dụng tiêu viêm và giải độc da, giúp chữa ung nhọt và làm giảm sưng (Ảnh: Getty). |
Lục bình mọc đầy ao hồ, kênh rạch, tại khắp các vùng miền ở Việt Nam. Đa phần lục bình được dùng để làm thức ăn cho gà, vịt, lợn,...
Ở Nhật Bản, lục bình được bán với giá tương đương gần 20.000 đồng cho một nhánh nhỏ. Người dân mua lục bình trong siêu thị về ăn, làm gỏi, chữa bệnh hoặc dùng để lọc nước.
Theo BS Quyên, hoa lục bình có tác dụng lợi niệu, sơ phong, chữa sưng tấy, giải độc và viêm đau như viêm tinh hoàn, viêm hạch bạch huyết, viêm khớp ngón tay, sưng nách, tiêm bị áp xe…
Trong khi đó, thân và lá lục bình có công dụng tiêu viêm và giải độc da, giúp chữa ung nhọt và làm giảm sưng.
Theo nghiên cứu của El-Shemy và các cộng sự, chiết xuất từ cây lục bình có đặc tính kháng khuẩn, giúp kìm hãm sự phát triển của vi khuẩn gram âm và gram dương.