Trong cuốn sách xuất bản năm ngoái của Giám đốc Deloitte Services - Michael Raynor và chiến lược gia Mumtaz Ahmed, các tác giả đã cùng nhóm nhà nghiên cứu phân tích dữ liệu 25.000 công ty trên hàng trăm lĩnh vực trong 5 năm, nhằm chọn ra các công ty "nổi bật".
Tuy nhiên, định nghĩa "nổi bật" còn phải tùy thuộc vào hoàn cảnh. "Khi một người nói ông ta đã 82 tuổi, thế đã được coi là già hay chưa? Nếu ông ấy sống ở Nhật Bản, đó chỉ được coi là tuổi trung niên. Nhưng nếu sống ở Tanzania, thì đó đã là người thọ nhất rồi", Raynor cho biết.
Sau khi chọn ra 344 cái tên xuất sắc nhất, Raynor và nhóm của ông nghiên cứu các điểm chung để tìm ra các doanh nghiệp này đã vận hành thế nào. Tuy nhiên, họ gần như chẳng thu được gì.
Đến khi chuyển sang nghiên cứu các doanh nghiệp này đã tư duy thế nào, các nguyên tắc kinh doanh của họ mới dần lộ rõ.
Nguyên tắc thứ nhất là đừng cạnh tranh về giá cả. Hãy làm bản thân khác biệt bằng chất lượng. Bạn có thể thành công đôi chút nếu tung sản phẩm giá rẻ, nhưng sẽ chẳng bao giờ bứt lên được với mô hình này.
Nguyên tắc thứ hai là hãy quan tâm đến doanh thu hơn là chi phí. Đẩy mạnh doanh thu sẽ mang lại cho công ty bạn nhiều giá trị hơn là ghìm chi phí xuống. Tiết kiệm có thể khiến bạn thành công phần nào. Nhưng việc này cũng khó duy trì được lâu.
Nguyên tắc thứ ba là chẳng con nguyên tắc nào khác nữa cả. Công nghệ, tài năng, thị trường, nhân lực đều có thể thay đổi. Tuy nhiên, hãy luôn gắn chặt với nguyên tắc một và hai.
Raynor cho biết chúng ta chỉ nên coi các nguyên tắc như là "chiếc la bàn, thay vì bản đồ". "Nó như là bạn bị lạc trong rừng và có ai đó nói rằng lối ra ở phía Bắc. Nếu tôi đưa bạn một chiếc la bàn, tức là tôi đã giúp bạn rồi đấy. Vì bạn vẫn được quyền sáng tạo, không cần chỉ đi về hướng Bắc. Trên đường đi, bạn có thể đâm vào cây, rơi xuống vách núi hoặc làm bất kỳ điều gì. Thỉnh thoảng bạn sẽ phải đi về hướng Tây, hướng Đông, rồi lại quay về hướng Nam. Tuy nhiên, quan trọng là bạn vẫn biết được mình đang dẫn dắt công ty theo hướng nào".
Nhiều khi, các doanh nghiệp mới thành lập rất kẹt tiền mặt. Raynor biết điều đó, nhưng nguyên tắc chất lượng và doanh thu vẫn phải đặt lên hàng đầu. "Nếu bạn muốn có lợi nhuận cao hơn đối thủ, cách tốt nhất thực ra không phải là hạ chi phí xuống thấp hơn họ", ông nói.
Doanh nghiệp phải tìm ra mình có thể làm gì tốt hơn đối thủ và khai thác khoảng trống đó bằng giá cả và số lượng bán ra, chứ không phải chi phí thấp hơn. "Tất cả đều mang tính tương đối mà thôi. Nếu muốn lợi nhuận cao hơn, bạn phải bán nhiều sản phẩm lên, hoặc định giá cao hơn so với đối thủ", Raynor nói.