Mẹ kế không sinh con đẻ để toàn tâm chăm con chồng

Ngày bố đưa vợ mới về, cậu bé Khang thường nghe họ hàng, làng xóm dị nghị rằng: “Mấy đời bánh đúc có xương/Mấy đời dì ghẻ lại thương con chồng”. Cậu từng coi người vợ thứ hai của bố như không tồn tại. Nhưng rồi, thời gian chứng minh mọi sự lo ngại đều là thừa và Khang đã thực sự có một người mẹ hiền. 
Mẹ kế không sinh con đẻ để toàn tâm chăm con chồng
Tuổi thơ sóng gió 
Sinh ra trong một gia đình có hoàn cảnh khó khăn, bố của  Đỗ Đình Khang (SN 1992, ở Thanh Sơn, Phú Thọ) phải rời xa gia đình tìm đường mưu sinh. Vì thế, năm tháng ấu thơ của Khang bộn bề nỗi lo cơm áo và hơn hết là sự thiếu vắng tình thương của người cha. Khang luôn chạnh lòng khi thấy bạn bè hạnh phúc bên cha mẹ. Cũng vì nghèo khó mà gia đình Khang tan vỡ. 
Những ngày tháng xa cách đã khiến tình cảm bố mẹ Khang nhạt nhòa. Năm Khang lên ba tuổi cũng là lúc mẹ Khang dứt áo ra đi tìm hạnh phúc mới. Trước khi đi, mẹ Khang chỉ để lại một gói mì tôm để Khang gặm sống...
Hay tin vợ đã bỏ đi, bố Khang khăn gói trở về quê hương tìm vợ. Tìm kiếm vô vọng, bố Khang đành ở nhà chăm sóc con. Bố Khang ngày càng tiều tụy vì mưu sinh.  Nhà chỉ là bốn vách tường để làm nơi trú ngụ che mưa, che gió sống cho qua ngày, bên trong chẳng có gì đáng giá. Hàng ngày bố Khang đi làm vườn hái rau về làm thức ăn, mâm cơm hiếm khi có thịt, cá. Hai bố con cứ lầm lũi sống với nhau như vậy suốt một thời gian dài. Thương bố, Khang luôn phụ giúp bố công việc gia đình. 
Coi con chồng như con đẻ 
Sau những tháng năm sống cô quạnh, bố Khang quyết định đi thêm bước nữa. Trong thời gian mưu sinh ở xã Địch Quả, huyện Thanh Sơn, tỉnh Phú Thọ, ông gặp bà Đặng Thị Xuyên (xóm 9, xã Địch Quả). Bà muộn chuyện chồng con, cùng cảnh làm thuê làm mướn như bố Khang. Duyên trời run rủi họ gặp nhau, yêu thương và chia sẻ với nhau khó khăn trong cuộc sống.
Biết ông Khang có con riêng, nhưng bỏ qua mọi lời bàn tán, dị nghị của người xung quanh, bà Xuyên quyết tâm chung sống với bố Khang. “Ngày đầu về, nếu nói tôi có tình cảm với con riêng của chồng ngay thì cũng không đúng. Nhất là trong thời gian đó, mẹ đẻ  Khang thi thoảng lại về rót vào tai thằng bé những lời không hay về tôi khiến nó coi tôi như không tồn tại. Nhưng nghĩ cho cùng, thằng bé mới 3 tuổi sao biết được đúng, sai nên tôi ngày càng thấy thương nó hơn” - bà Xuyên nhớ lại.
Tình yêu thương vốn không tự nhiên có mà phải biết cho đi. Bà Xuyên luôn chăm chút từng bữa cơm, giấc ngủ cho con chồng. Bà muốn bù đắp cho cậu bé vốn thiếu tình mẫu tử. Khang lớn dần và nhận ra tình yêu thương vô bờ bến của mẹ kế dành cho mình. Khang trở nên gần gũi và yêu thương bà. Năm 2000, bà Xuyên bị sảy thai. Từ đó, bà càng yêu quý Khang, coi Khang như đứa con mình đứt ruột đẻ ra.
Gần 20 năm trôi qua, mối quan hệ mẹ kế - con chồng ở gia đình Khang luôn tốt đẹp, được nhiều người nể phục. Năm nay 23 tuổi, Khang làm phụ xe ở xa, không có thời gian về thăm nhà thường xuyên, lương tháng tích cóp được 3 triệu đồng anh gửi hết về cho mẹ Xuyên. Bố và người mẹ kế của anh vẫn tất bật vất vả với công việc đồng áng. “Tôi luôn coi mẹ Xuyên là mẹ của mình, tôi luôn yêu thương và nể phục mẹ. Mẹ lúc nào cũng lo lắng, chăm sóc cho tôi như ngày bé” - Khang chia sẻ. 
Bà Xuyên vẫn thương yêu gọi Khang là “thằng cu” đầy trìu mến, bởi với bà, Khang luôn là đứa bé đáng thương và non nớt. Bà Xuyên cười hiền, kể: “Từ lúc lấy bố nó, hễ có xích mích gì giữa hai người, thằng Khang lúc nào cũng bênh tôi. Khang vẫn còn trẻ con lắm, mỗi lần nó về nhà tôi đều phải dặn dò. Nói với nó luôn biết tự chăm sóc bản thân và cẩn thận trong công việc. Hàng tháng nó gửi tiền về tôi đều để dành để sau này cưới vợ cho nó, vừa rồi tôi cũng dành dụm bỏ thêm vào mua cho nó cái xe máy để nó đi lại thăm nhà và làm việc tiện hơn. Chỉ mong nó cưới được một người vợ hiền lành, biết chăm nom nó, tôi mới an tâm”.

Đọc thêm