Trước mỗi kỳ họp điều chỉnh lương tối thiểu, công đoàn thường khảo sát đời sống lao động và khoảng 5 năm qua luôn cho tỷ lệ trên 30% bị túng thiếu, không có tích lũy, thường xuyên vay mượn nếu đến kỳ đóng học cho con hoặc người nhà đi viện. Nhiều người thậm chí “cắm” sổ BHXH hoặc chứng minh thư, vay mượn 0,5-1 triệu đồng để mua gạo, trả tiền thuê nhà.
"Tôi chưa gặp công nhân nào vay tiền đầu tư bất động sản. Họ vay chỉ để giải quyết nhu cầu sinh hoạt trước mắt", ông Tiến nói công nhân tháng nào không tăng ca mà con ốm, bố mẹ đi viện thì tháng sau sẽ nợ tiền thuê nhà, phải đi vay, không có tiền chi trả sinh hoạt cơ bản.
Ông Tiến phân tích, lương tối thiểu vùng sẽ được điều chỉnh thêm 6% từ 1/7, song giá xăng dầu tăng liên tục khiến giá cả leo thang, cuộc sống người lao động càng thêm chật vật. Mức lương bình quân 5-7 triệu đồng của công nhân trong DN đã gộp cả thu nhập của nhóm quản đốc, quản lý, còn thực tế thu nhập chưa tính tăng ca của lao động trẻ mới đi làm có thể thấp hơn nhiều.
Người lao động hiện chỉ biết phần thu nhập thực lĩnh sau khi đã trừ các khoản đóng BHXH, BHYT... mà không biết DN đang trả lương bao nhiêu. Lương tối thiểu theo quy định chỉ là mức thấp nhất, làm căn cứ để hai bên tự thỏa thuận với nhau, song hiện nhiều nơi chỉ trả bằng hoặc nhỉnh hơn mức này một ít, thậm chí dùng chính lương tối thiểu để đóng BHXH. Còn lương của quản lý, nhân sự cấp cao lại được trả ở mức hoàn toàn khác biệt.
Theo ông Tiến, trong các cuộc thương lượng tập thể, công đoàn cơ sở cần đàm phán để nâng mặt bằng tiền lương cơ bản cho người lao động. Khi giá cả tăng, DN cũng nên tính toán điều chỉnh các khoản phúc lợi như hỗ trợ xăng xe, trợ cấp ăn ca vì tiền tăng ca 13.000-15.000 đồng hiện không đủ kcal cho lao động trực tiếp đứng máy; hỗ trợ tiền nhà, nuôi con nhỏ cho công nhân.
Chuyên gia cảnh báo có tình trạng một số DN chọn phương án tiêu cực là điều chỉnh tăng lương nhưng lại cắt tiền phụ cấp. Cách làm này trước mắt không giữ chân được lao động, lâu dài tổn hại lên sản xuất. Công đoàn cơ sở cần chú ý vấn đề này và giải quyết trong đối thoại.
Chủ tịch Công đoàn một Cty may liên doanh cho biết DN có hơn 700 lao động với tỷ lệ nữ 93%. Cty đóng ở Quốc Oai, theo quy định thuộc vùng I - nơi hưởng lương tối thiểu cao nhất 4,68 triệu đồng. Hiện lương bình quân của lao động Cty khoảng 5,68 triệu đồng, chưa tính các khoản phụ cấp, tăng ca.
Bà phân tích mức lương tối thiểu 4,68 triệu đồng áp dụng vào thời điểm hai năm trước thì có thể "tạm ổn" nếu người lao động tiết kiệm, hàng tháng có khoản dự phòng. Đặt trong bối cảnh hiện tại khi giá xăng tăng chóng mặt khiến mọi thứ tăng theo, chưa tính con cái ốm đau, ma chay, cưới hỏi thì công nhân phải "chắt bóp tằn tiện mới đủ sống". "50% công nhân đến cuối tháng chắc chắn phải vay tiền nếu như trong tháng đó con cái ốm đau, đi viện", bà nói.
Với khu vực ngoại thành, công nhân khó gửi con ở trường công lập khi các cháu tan học lúc 17h mà bố mẹ tăng ca tới 18h30. Nhiều lao động thuê trọ, không có ông bà đỡ đần bắt buộc phải gửi trường tư, chi phí thấp nhất cũng 1,5 triệu đồng mỗi cháu.
Bà lấy ví dụ một gia đình vợ chồng ở nông thôn thu nhập 12 triệu đồng/tháng, nuôi hai con nhỏ tiểu học và mẫu giáo, tằn tiện hết mức cũng phải chi khoảng 6-7 triệu/tháng, chưa tính tiền thuê nhà, ăn uống. Xăng tăng, “bão” giá khiến khoản lương tăng thêm của người lao động tiếp tục hao hụt.
Để trang trải, công nhân trong nhà máy hầu hết chọn cách tăng ca và thu nhập sau làm thêm khoảng 7,5 triệu đồng, tùy bộ phận có người được trên 10 triệu. Phần lớn người lao động ở địa bàn Quốc Oai nên đỡ được khoản thuê nhà, song vẫn có khoảng 6% công nhân phải thuê trọ.
"Vừa là cán bộ công đoàn, vừa là người lao động, chúng tôi mong mỏi các cấp ngành tiếp tục có chính sách hỗ trợ cho người lao động, ngoài tăng lương tối thiểu", bà nói.
Bàn về giải pháp dài hơi, bà Nguyễn Lan Hương, nguyên Viện trưởng Khoa học Lao động Xã hội cho rằng, cách tiếp cận lương tối thiểu tháng của Việt Nam chủ yếu dựa trên hợp đồng lao động. Song điều này chưa phù hợp vì tỷ lệ lao động có hợp đồng rất thấp, khoảng 60%. Quy định lao động có hợp đồng một tháng trở lên mới đóng BHXH vô tình đã để "lọt" khá nhiều người khỏi lưới an sinh.
Việc lần đầu tiên áp dụng mức lương tối thiểu giờ từ 1/7, dao động từ 15.600 đồng đến 22.500 đồng, theo bà Hương là quá thấp, có thể dẫn tới một số tác động nằm ngoài dự kiến, như khiến chủ sử dụng lao động "dịch chuyển" từ trả lương tháng sang giờ để đỡ chi phí trả các khoản làm thêm giờ, đóng bảo hiểm, gây thiệt thòi cho lao động. Về lâu dài, cơ quan quản lý cần thêm những quy định cụ thể về từng nhóm nghề, lao động áp dụng cụ thể lương tối thiểu giờ ra sao.