Hai số phận “bèo nước”
Căn nhà nhỏ của ông Võ Mộng Điệp khuất hẳn sau những dãy nhà cao tầng ở hẻm 131, đường Võ Duy Ninh (phường 22, quận Bình Thạnh, TP.HCM). Đường vào nhà ông chỉ có một lối đi bộ vừa đủ.
Bên trong, căn nhà rộng chỉ chừng 15m2, đồ đạc còn lỉnh kỉnh, chất thành đống. Nhận thấy ánh mắt của khách nhìn về phía đó, ông Điệp cười ngượng nghịu: “Tôi đi bán kem suốt, bà lại đau ốm, ở nhà không thể làm được nhiều việc, nên nhà bề bộn”.
Đỡ người vợ nằm trên chiếc võng, ông Điệp dần nhớ lại câu chuyện của cuộc đời mình. Ông kể, quê ông vốn ở Bạc Liêu, nhưng từ nhỏ đã cùng cha mẹ lên Sài Gòn để làm việc. Năm 1960, một mình ông về Nha Trang công tác trong ngành tàu lửa.
Trong những năm tháng này, chàng thanh niên ấy đã gặp được bà Nguyễn Thị Kim Vân (nay 68 tuổi). Người con gái ấy quê ở Quảng Ngãi.
Vì chiến tranh bom đạn mà gia đình ly tán, một mình lưu lạc đến tận thành phố biển Nha Trang. Không có bà con thân thích, cô gái ấy phải quần quật suốt ngày, làm đủ mọi công việc nặng nhọc để mưu sinh.
Cảm thương cho hoàn cảnh lẻ loi của nhau, hai người đưa nhau về chung sống với nhau như vợ chồng. Những tưởng đó chỉ là mối tình thoáng qua trong những ngày cô đơn khi đến mảnh đất xa lạ công tác, không ngờ lại theo cùng ông Điệp cho đến tận những năm tháng về sau.
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Điệp quyết định đưa người vợ trở lại Sài Gòn sinh sống. Nhưng về đây ông mới thấy cha mẹ già yếu, đất đai vườn tược không có, hai ông bà đăng kí đi theo chính sách đi lên vùng kinh tế mới.
Được vài năm, không thể chịu được cuộc sống vất vả, lại bị căn bệnh sốt rét ở rừng hành hạ, ông Điệp đành phải trở về Sài Gòn làm thuê làm mướn qua ngày.
Không có công việc cụ thể, ông Điệp được một số người bạn thương tình chỉ dạy cho cách làm kem để bán. Bà đi bán vé số để kiếm thêm thu nhập.
Thời đó, hai ông bà rong ruổi khắp các ngõ ngách của Sài Gòn, rồi đi đến các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long với mong muốn bán được nhiều hơn. Ban ngày đi bán, tối đến, hai người dựng những căn chòi nhỏ trên những vùng đất trống để sinh hoạt, ngủ nghỉ.
Sau vài năm lăn lộn, gom góp được vài chỉ vàng, hai ông bà mua được miếng đất nhỏ tại phường 22 (quận Bình Thạnh). Ông kể, “hồi đó, mua được miếng đất là tốt lắm rồi, chứ không có tiền để cất nhà.
Chỉ lợp tạm mấy miếng tôn mỏng, lợp lá xung quanh không đủ che mưa che nắng. Mỗi lần trời đổ mưa, nền nhà bỗng trở nên lầy lội. Sau này mới được chính quyền địa phương xem xét và xây cho ngôi nhà tình thương như hiện giờ”.
Nhắc đến bệnh tình của người vợ, ánh mắt ông trở nên trĩu nặng, đầy vẻ ưu tư. Ông cho hay, thời trẻ, vì làm lụng quá vất vả, đi bộ nhiều, lại dầm mưa dãi nắng, cho nên bà Vân mắc chứng bệnh giãn tĩnh mạch ở chân.
Hai chân vì vậy mà dần dần bị teo nhỏ lại, không thể đi đứng được như những người bình thường. Nhiều năm trở lại đây, bà lại bị căn bệnh tim hành hạ, không thể làm được những công việc nặng nhọc. Mọi gánh nặng đổ dồn lên đôi vai người đàn ông khắc khổ.
Không một tiếng oán than
Chỉ vào chiếc xe kem cũ kĩ để ở trước ngõ, ông Điệp tâm sự, trước đây, khi mới bắt đầu với nghề bán kem dạo, ông cũng chẳng có tiền để trang bị đồ đạc. May mắn thay, ông được một chủ vựa ve chai bán cho chiếc xe cũ. Sau khi được tu sửa, chiếc xe này trở thành nguồn nuôi sống gia đình ông hơn 30 năm qua.
Cứ mỗi buổi sớm, ông lại dậy chuẩn bị đồ đạc trên chiếc xe kem rồi bắt đầu đi qua các con đường, từ những khu lao động nghèo cho đến các trường tiểu học. Khách của ông chủ yếu là những lao công vất vả, các em học sinh.
Không chỉ để mua kem, đôi khi, những đứa trẻ còn tìm đến ông để nghe ông kể những câu chuyện không đầu không cuối về những con người, những mảnh đời ông đã gặp qua. Vì vậy, những vị khách nhỏ luôn yêu quý ông, thường xuyên mua ủng hộ.
Trước đây, ông đi khắp các quận, huyện của Sài Gòn, giờ đây tuổi già sức yếu, hai chân tê mỏi không đi lại được nhiều, ông chỉ quanh quẩn ở các con đường, ngõ hẻm của quận Bình Thạnh. Những ngày Sài Gòn đổ mưa, chiếc xe kem vắng khách hơn hẳn. Song, ông không dám nghỉ bán vì sợ không có tiền trang trải.
Ông chia sẻ: “Mỗi ngày tôi bán khoảng 3 kí kem. Trước đây còn tự làm rồi đi bán, giờ tay chân lóng ngóng, không làm được nên đi lấy về bán. Nếu bán hết thì có lãi được khoảng 70.000 – 80.000 đồng. Với số tiền lời ít ỏi đó, tôi đưa 50.000 đồng để bà ấy chi tiêu sinh hoạt, tôi giữ lại 20.000 đồng để dành mua thuốc cho bà”.
Dù không thể đi đứng như những người bình thường, nhưng hàng ngày, bà Vân vẫn cố gắng để làm các công việc nhà. Những hôm trái gió trở trời, người trở nên đau nhức, không thể làm việc được, ông Điệp vừa đi bán kem về lại phải tất bật dọn dẹp nhà cửa, chuẩn bị bữa cơm chiều.
Vất vả là thế, nhưng ông Điệp vẫn chưa hề cất tiếng oán than nửa lời. Ánh mắt dành cho người vợ của mình vẫn bao dung, hiền dịu và đầy chở che. Người vợ cho biết, nhiều khi thấy chồng già yếu vẫn còn lao lực nỗi lo cơm áo gạo tiền, trong khi bản thân lại bất lực, bà cũng rất buồn phiền. Không ít lần bà ngỏ ý lắc xe lăn đi bán vé số dạo để kiếm thêm thu nhập, nhưng ông đều khước từ.
“Bà ấy thân mang bệnh, tui không muốn bà ấy dầm mưa dãi nắng rồi bệnh lại càng trở nên nặng hơn. Mỗi lần nhìn bà ấy vật lộn với các cơn đau, tôi chỉ ước có thể chia sẻ nỗi đau cùng bà”, ông giải thích.
Tay liên tục xoa bóp đôi chân cho đỡ mỏi, bà Vân kể với giọng rầu rầu: “Tui ở nhà thỉnh thoảng đi chợ lo cơm nước, nhưng đôi khi chân đau không nhúc nhích được. Đường ra chợ có vài trăm mét mà có khi tui nghỉ phải hơn chục lần”. Song, bà cũng cười hóm hỉnh cho rằng, công việc mỗi ngày bà có thể làm là lắc chiếc xe lăn ra trước ngõ, trông ngóng đợi ông về.
Nhắc đến con cái, bà cất tiếng thở dài. Bà cho biết, hai ông bà sống với nhau đã lâu nhưng không có được mụn con nào. Bà con thân thích cũng chẳng còn ai để cậy nhờ.
“Mấy chục năm rồi tui không được về quê. Tui nghe nói tui còn có một người em trai nhưng cũng vì nghèo khó mà không tìm đến được. Cũng may có nhiều người xa lạ biết hoàn cảnh nên thương tình giúp đỡ, chúng tôi mới có được như ngày hôm nay”, bà Vân nói với ánh mắt biết ơn.