30 năm đuổi “thần chết” trên quốc lộ 5

 

Mặc dù đã 64 tuổi nhưng bà Đào Thị Liên vẫn âm thầm làm công việc sơ cấp cứu cho người bị tai nạn trên Quốc lộ 5 (QL 5) như hơn 30 năm trước. Hình ảnh người phụ nữ không quản khó khăn giúp người trên xa lộ ấy đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây. Việc làm của bà lâu rồi thành “thương hiệu” nên hễ cứ có người gặp nạn, dù còn sống hay đã chết, người ta đều gọi đến bà.

Mặc dù đã 64 tuổi nhưng bà Đào Thị Liên (trú ở xóm Trung, xã Phúc Thành, huyện Kim Thành, tỉnh Hải Dương) vẫn âm thầm làm công việc sơ cấp cứu cho người bị tai nạn trên Quốc lộ 5 (QL 5) như hơn 30 năm trước. Hình ảnh người phụ nữ không quản khó khăn giúp người trên xa lộ ấy đã trở nên quá quen thuộc với người dân nơi đây. Việc làm của bà lâu rồi thành “thương hiệu” nên hễ cứ có người gặp nạn, dù còn sống hay đã chết, người ta đều gọi đến bà.

Bà Đào Thị Liên
Bà Đào Thị Liên

Niềm vui từ công việc “không công”

Tìm bà Liên ở nhà riêng song không gặp, chúng tôi rẽ qua Bệnh viện đa khoa huyện Kim Thành. Bà đang lo trông nom một nạn nhân vụ tai nạn tối qua. Đón chúng tôi với giọng cười giòn giã, bà hồ hởi báo tin mừng: “Người bị nạn đã đỡ hơn nhiều rồi. May mà vết thương không nghiêm trọng”.Sinh năm 1949, bà Liên từng ước mong tham gia bộ đội khi còn trẻ. Nhưng vì chồng đã vào chiến trường nên bà đành ở lại hậu phương.

Năm 1968, bà học y ở Trường Trung cấp Y tế Hà Bắc (cũ) rồi trở về công tác trên chính mảnh đất quê hương mình. Từ năm 1975, bà sinh sống ở gần ngã tư Phúc Thành trên QL 5 (trục đường huyết mạch liên thông giữa Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, và Hải Phòng) nên chứng kiến nhiều vụ tai nạn giao thông trên đoạn đường này. Từng làm y tá tại Bệnh viện Đa khoa Kim Thành nên bà Liên thấu hiểu những trường hợp người bị nạn tử vong do không được sơ - cấp cứu kịp thời.

Xuất phát từ lòng trắc ẩn, bà Liên đã không nề hà khó khăn, sẵn sàng cấp cứu cho người không may khi đi qua khu vực này. Vừa đóng vai y tá cứu thương, bà còn kiêm luôn vệ sỹ đứng ra bảo quản tài sản của nạn nhân, bảo vệ hiện trường.

Thời gian đầu, nhiều người dân địa phương bàn tán, cho rằng việc mẹ con bà Liên cấp cứu người mà không đòi hỏi công sá gì là gàn dở, rỗi hơi, “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”. Chính vì vậy, có những vụ tai nạn nghiêm trọng cần sự hỗ trợ của nhiều người thì bà Liên chỉ có những trợ thủ đắc lực là hai cậu con trai cùng mấy người cháu nội phối hợp cùng. Bất kể ngày nắng hay ngày mưa, đêm đông hay giá rét, cứ có người tai nạn cần giúp đỡ là mẹ con bà Liên lại mang theo đồ nghề ra khử trùng vết thương, băng bó rồi chở vào bệnh viện điều trị.

Sau này, người dân trong khu vực hiểu rõ mục đích cao đẹp của bà Liên cùng với các con nên dần thay đổi thái độ. Nhiều người sẵn sàng hỗ trợ cùng với các con của bà trong việc vận chuyển người bị thương vào viện chữa trị. Bà Liên khoe: “Có tai nạn, tôi chỉ ới cái là mấy anh, chị hàng xóm có mặt hỗ trợ ngay”.

Tính đến nay, trong cuốn sổ bà Liên ghi chép rất cẩn thận đã có gần 300 người bị tai nạn giao thông trên cung đường 5 được bà sơ cứu, sống sót. Mặc dù không thể nhớ hết từng người trong số đó nhưng cũng có những trường hợp khiến bà không thể nào quên. Ám ảnh và nhớ thương nhất với bà Liên có lẽ là sự ra đi của người thanh niên Nguyễn Khắc Hùng, 36 tuổi, nhà ở thị trấn Phú Thái, Kim Thành, Hải Dương.

Vào năm 2006, anh Hùng bị tai nạn trên đường 5, gần nhà bà Liên. Vụ tai nạn làm Hùng bị gãy lìa chân, sau khi sơ cứu, bà Liên đưa Hùng tới bệnh viện huyện. Nhưng khi xét nghiệm máu, các bác sĩ phát hiện anh Hùng bị HIV giai đoạn cuối nên từ chối chữa trị. Lúc ấy, người thân trong gia đình đều xa lánh, hắt hủi anh.

Không đành lòng, bà Liên đưa anh Hùng về băng bó, trị thương tại nhà mình trên chiếc giường sắt cũ. Vì nhà anh Hùng chỉ cách nhà bà có chừng 1 km nên bà thường xuyên ghé qua chăm sóc cho anh Hùng trong suốt thời gian anh dưỡng thương. “Sau gần tháng trời, vết thương của Hùng bình phục dần. Rồi nó bất ngờ gọi tôi bằng “mẹ”. Nó bảo tôi không chỉ cứu đôi chân mà còn cứu cả tâm hồn nó. Đầu năm 2011, nó phát bệnh, ra đi. Tôi thương nó, đi sớm quá, chẳng vợ con gì!”, bà Liên nghẹn ngào.

Bà Liên đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác chữ thập đỏ
Bà Liên đã được tặng nhiều Bằng khen, Giấy khen trong công tác chữ thập đỏ

Làm phúc đâu thể thiệt hơn

Làm việc thiện, nhưng mẹ con bà Liên cũng gặp phải không ít những rắc rối, phiền phức khi bị hàm oan. “Hôm 30 Tết vừa rồi, một thanh niên ở xã Kim Lương cùng huyện bị tai nạn, tôi đã băng bó đưa vào viện. Đến khi cậu này phát hiện bị mất ví tiền 20 triệu và đổ cho con trai tôi lấy. Sau đó, công an có đến nhà làm rõ, được người dân mô tả lại nên đã bắt được đối tượng lấy trộm ví tiền”, bà chia sẻ.

Năm 2006, Tổ chức y tế Quốc tế Hoa Kỳ đầu tư triển khai dự án “Nâng cao năng lực sơ cấp cứu tai nạn giao thông quốc lộ 5 – thuộc tỉnh Hải Dương”, với mục tiêu vận động cộng đồng giúp đỡ, sơ cấp cứu kịp thời cho các nạn nhân bị tai nạn. Bà Liên vinh dự được Hội Chữ thập đỏ tỉnh Hải Dương mời tham gia dự án, được đi tập huấn bài bản, được dự án phát quần áo tình nguyện viên, làm thẻ, phát dụng cụ sơ cứu và được nhận thù lao 150.000 đồng một tháng. 

Dự án kết thúc, ai cũng khuyên bà Liên bỏ nghề để an dưỡng tuổi già, nhưng bà không chịu vì: “Cứu người gặp nạn là việc không thể làm ngơ được. Tôi sẽ làm công việc này cho đến khi nào “gần đất xa trời”, khi đôi tay không còn sức cầm nổi cái túi cứu thương của mình nữa mới thôi. Mình làm việc thiện cũng không mong được trả ơn. Chuyện làm phúc, sao có thể tính toán thiệt hơn”. 

Chính vì vậy, ở huyện Kim Thành, cái tên “bà Liên cứu nạn” đã trở thành “thương hiệu” của người nữ y tá già Đào Thị Liên.

Ánh Hà

Đọc thêm