4 mẹ con đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An: Mẹ già ứa nước mắt vừa thương vừa trách con cháu

0:00 / 0:00
0:00
Biết tin con dâu và cháu, chắt mình đạp xe từ Đồng Nai về Nghệ An tránh dịch, người mẹ già ở quê đã khóc vì vừa thương, vừa giận...

Vợ chồng mỗi người một nẻo mưu sinh

Chiều 20/7, PV Giao thông đã có mặt tại nhà anh Võ Thanh Bình (28 tuổi, ở xóm 6, xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An). Căn nhà cấp 4 khá cũ kĩ nhưng gọn gàng, ngăn nắp nằm cuối con ngõ đầu làng.

Ngôi nhà ông Chung và vợ con anh Bình đang sinh sống ở quê

Vợ anh Bình đang đi làm công nhân ở Khu Công nghiệp Nam Cấm; bố anh cũng chạy xe đông lạnh nhiều ngày chưa về. Ở nhà chỉ còn 2 đứa con trai 9 và 11 tuổi cùng ông bà nội ở ngôi nhà kế bên.

Thấy người lạ đến hỏi, cụ ông Võ Thanh Long (91 tuổi) phân trần: Hôm giờ, vợ chồng tôi không hề biết gì. Cho đến sáng nay con trai cả cầm điện thoại vô cho xem hình ảnh, mới biết chuyện con dâu cùng 2 cháu và chắt đạp xe từ Đồng Nai về quê để tránh dịch.

Rồi cụ kể, cụ có tới 8 người con, trong đó ông Võ Thanh Chung (53 tuổi, chồng bà Hương và là bố anh Bình) là con thứ 5. Thời nhỏ, ông Chung có tư chất thông minh, học giỏi.

Thi đại học xong, chưa có kết quả, ông theo bạn bè lên vùng phủ quỳ đào vàng với mong ước đổi đời nhanh chóng. Hai năm sau, mộng vàng tan biến, ông Chung lại về quê.

Chỉ được thời gian ngắn ở quê, ông Chung lại tiếp tục lên vùng Nghĩa Đàn đi bán kem. Tại đây, ông gặp bà Nguyễn Thị Hương rồi nên duyên vợ chồng và có với nhau 2 mặt con là Võ Thị Thanh Thanh (năm nay 30 tuổi), Võ Thanh Bình (28 tuổi).

Vợ chồng cụ Long và cụ Sâm không bằng lòng với cách con dâu và cháu, chắt về quê tránh dịch vì không đúng với gia cảnh nhà mình

Cuộc sống gia đình yên ấm nhưng công việc làm ăn của ông Chung lại gặp nhiều khó khăn. Sau một thời gian làm phụ xe, lái xe chạy Bắc - Nam, ông Chung cùng 1 người anh em hùn vốn, mua xe chạy khách.

Thế nhưng, khách thưa, xe chạy không đủ tiền xăng dầu nên đành phải bán lỗ, rồi cả nhà kéo nhau vào miền Nam kiếm sống.

Cách đây khoảng 10 năm, hai người ly hôn, ông Chung và vợ chồng anh Bình về quê ở xã Nghi Xá ở, còn bà Hương và con gái bám trụ lại miền Nam sinh sống.

“Thằng Chung nó thông minh, học giỏi nhưng số lại lận đận. Căn nhà cha con đang ở là của ông cố nhà tôi để lại, sau này chỉ sửa sang chút đỉnh”, cụ Long nói.

Cũng theo cụ Long: Trước đây, cả vợ chồng anh Bình đều làm ăn ở Đồng Nai. Khoảng 3 năm lại đây, anh Bình bám lại xứ người, còn vợ về quê làm công nhân ở khu công nghiệp Nam Cấm cho gần nhà, để có điều kiện chăm sóc con cái.

Cụ Long khoe các huy hiệu của mình và cho biết, con cháu ông cũng có 7 người là quân nhân và CAND, kinh tế khá giả

Nước mắt người mẹ già vừa giận, vừa thương con, cháu

Kể đến đó, cụ Long chững lại, cụ đưa tay lên tháo cặp kính đen rồi chỉ vào một bên mắt đã hỏng và nói: Tôi là người lính Điện Biên, một mắt này bị hỏng khi tham gia chiến đấu.

Rồi cụ dắt PV vào trước hộp kính đựng kín những huân huy hiệu được ông trưng bày ở nơi trang trọng nhất trong tủ li phòng khách. Cụ tự hào kể, ở huyện Nghi Lộc này chỉ có 2 người là có huy hiệu chiến sĩ Điện Biên. Hiện một người đã mất, còn người thứ 2 là tôi.

“Tôi có đến 8 người con, hơn 20 cháu và 14 chắt. Trong số đó, có nhiều người thành đạt ở các ngành như quân đội, công an, y tế… Tiền lương hưu của tôi cũng đủ để vợ chồng chi tiêu hàng ngày.

Nói về kinh tế, gia đình chúng tôi không giàu nhưng cũng không đến nỗi. Không hiểu sao con dâu và cháu tôi lại chọn cách về quê không đúng với gia cảnh nhà mình như vậy”, cụ Long nói.

Cũng theo cụ Long: Nhìn con dâu cùng cháu chắt đạp 1 chiếc xe đạp tuềnh toàng, đi đôi dép cũ kĩ vượt hàng trăm cây số làm như nhà mình thiếu thốn đến cùng cực.

“Chỉ cần chúng nó điện thoại về một câu, anh em trong nhà cũng đủ lo cho nó 20 triệu để làm lộ phí về quê. Thật là không hiểu nổi…”, cụ Long nói với giọng vừa giận, vừa thương.

Cụ Sâm ứa nước mắt vì vừa thương, vừa giận con, cháu mình

Nghe chồng nói vậy, cụ bà Võ Thị Sâm (87 tuổi, bà nội anh Bình) nãy giờ ngồi im trên nền nhà, buông tiếng thở dài não nề. Ánh mắt người mẹ, người bà, người cố đã đục ngầu vì thời gian nhìn ra xa xăm.

Và cứ thế, những giọt nước mắt xót xa con cháu cứ ứa ra nơi khóe mắt, chảy xuống gò má nhăn nheo, đầy vết chân chim.

Từ sáng giờ biết tin, cụ Sâm không ăn nổi một bát cơm, cụ ông phải ở bên cạnh để động viên an ủi.

Cụ Sâm nói trong nước mắt: Thà rằng gia đình mình nghèo mà phải làm thế, đằng này gia đình nhà chúng tôi có đến nỗi nào đâu. Ở miền Nam, cũng có nhiều anh em thành đạt, giàu có.

“Sao nó không gọi điện báo cho anh, chị và các cháu rồi mượn một ít tiền để về mà chọn cách đạp xe đạp. Sáng giờ, con cháu ở mọi nơi, rồi cán bộ, chính quyền về hỏi thăm làm tôi cảm thấy hổ thẹn”, cụ Sâm vừa nói vừa lấy tay lau nước mắt.

Như báo chí đưa tin, ngày 19/7, lực lượng phòng chống dịch Covid-19 tại chốt kiểm soát Chung Mỹ (thuộc thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, Ninh Thuận) bắt gặp nhóm 4 người đi xe đạp. Qua thăm hỏi thì được biết, những người này là một gia đình gồm mẹ Nguyễn Thị Hương (50 tuổi) và 2 con là Võ Thị Thanh Thanh (30 tuổi), Võ Thanh Bình (28 tuổi), cùng cháu Võ Thanh Trinh (15 tuổi, con chị Thanh) quê ở Nghệ An nhưng sinh sống và làm việc ở Đồng Nai.

Theo chia sẻ của bà Hương, do dịch bệnh, giãn cách xã hội không có việc làm trong khi kinh phí ở lại cao nên cả nhà quyết định về quê. Một phần không có tiền, một phần tàu xe không có nên cả nhà đã đạp xe đạp từ Đồng Nai về Nghệ An. Khi đến Ninh Thuận đã đi hết 10 ngày với quãng đường hơn 280km. Hiện mẹ con bà Hương đã được bố trì vé tàu hỏa để về quê. Theo lịch trình trưa 22/7, gia đình bà Hương sẽ có mặt ở ga Vinh.

Chính quyền xã đã lên phương án đón 4 mẹ con bà Hương

Ông Nguyễn Trung Tĩnh - Công chức Văn hóa xã hội xã Nghi Xá, huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An: Hoàn cảnh gia đình ông Chung cũng không quá khó khăn, không phải hộ nghèo của xã. Sau khi nắm được thông tin, xã cũng đã họp bàn và lên kế hoạch tiếp nhận bà Hương và các cháu về quê tránh dịch. Nếu cách ly tập trung, mẹ con bà Hương sẽ được cách ly tại trường tiểu học, gần trạm y tế xã.

Đọc thêm