Trước đó, nhiều hoạt động hướng tới Ngày PLVN 9/11 đã được tổ chức trên mọi miền đất nước, ở nhiều cơ quan, đơn vị và nhận được sự hưởng ứng của đông đảo người dân.
Có một sự trùng hợp hay và đẹp như hẹn trước, hơn 15 năm trước, khi đổi tên tờ báo từ “Pháp luật” sang “Pháp luật Việt Nam”, những người lãnh đạo cơ quan báo đưa ra một thông điệp: Báo mang tên “pháp luật” có thể còn nhiều tờ nữa nhưng đây sẽ là tờ báo chính thống về pháp luật của đất nước. Vâng, vì thế mới có sứ mạng “pháp luật Việt Nam”.
Ngày Pháp luật của nước CHXHCN Việt Nam hay gọi ngắn gọn là Ngày PLVN là một ngày kỷ niệm, 9/11 hàng năm, bắt đầu từ năm 2013, được quy định cụ thể trong Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật. Ngày 09/11/1946 chính là ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được ban hành nên ngày PLVN 9/11 có ý nghĩa đặc biệt.
Đây là ngày trong năm để khẳng định vị trí thượng tôn của pháp luật trong đời sống xã hội, nâng cao ý thức chấp hành, bảo vệ pháp luật tại Việt Nam và thúc đẩy tiến trình xây dựng NNPQ XHCN.
Một đất nước muốn phát triển bền vững phải có NNPQ, một xã hội có kỷ cương, lành mạnh là xã hội có pháp luật ở vị trí “thượng tôn”, dùng pháp luật để kiểm soát quyền lực và gắn pháp luật với kỷ luật Đảng.
Để xây dựng NNPQ XHCN đã được hiến định, nhiệm vụ hàng đầu là phải có một hệ thống pháp luật đồng bộ, minh bạch, hiệu lực và hiệu quả trong việc điều chỉnh các quan hệ xã hội; mỗi công dân phải biết “sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.
Cùng với đó, văn hóa pháp luật phải trở thành “thành tố” của văn hóa Việt Nam. Và tinh thần “thượng tôn pháp luật” của Ngày PLVN 9/11 phải được lan tỏa tới toàn xã hội, thấm nhuần trong ý thức và hành động của người dân, hoạt động của tổ chức, cơ quan, đoàn thể...