Hôm nay (14/5), tại Đắk Nông sẽ diễn ra Hội thảo khoa học cấp quốc gia với chủ đề “Đường Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh - Biểu tượng của ý chí thống nhất Tổ quốc”, với sự tham dự hơn 500 đại biểu, trong đó có 9 nhân chứng, nguyên là cán bộ, chiến sĩ trực tiếp tham gia mở tuyến chi viện chiến lược đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh.
Hội thảo tổ chức tại Đắk Nông vì đây là địa bàn ghi dấu sự kiện vào cuối tháng 10, đầu tháng 11/1960, các đơn vị soi đường đã gặp nhau tại Quốc lộ 14 (đoạn Đắk Song đi Gia Nghĩa), khai thông tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh đoạn từ Nam Tây Nguyên tới miền Đông Nam Bộ...
Hội thảo sẽ làm rõ những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến vận tải chiến lược Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh: Sự gắn kết giữa ý Đảng và lòng dân vì mục tiêu độc lập, tự do và thống nhất đất nước; đồng thời, luận giải các phương thức vận tải chủ yếu trên tuyến vận tải chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh, vai trò của tuyến chi viện chiến lược này trong mối quan hệ giữa cách mạng ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia.
Nội dung nổi bật của Hội thảo là tiếp tục khẳng định đường lối, chủ trương đúng đắn, sáng suốt của Trung ương Đảng Lao động Việt Nam, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh trong lãnh đạo cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, được thể hiện qua quyết định mở tuyến chi viện chiến lược Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh.
Đi sâu luận giải những nhân tố cơ bản làm nên thành công của tuyến chi viện chiến lược Bắc Nam, trong đó đặc biệt nhấn mạnh sự thống nhất giữa ý Đảng và lòng dân mà biểu hiện tập trung chính là quyết tâm, khát vọng, sự hy sinh phấn đấu của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân trên cả hai miền Nam Bắc cho mục tiêu độc lập, tự do và thống nhất Tổ quốc.
Trên cơ sở tiếp cận nguồn tư liệu mới, Hội thảo cũng đề cập sâu rộng hơn về âm mưu, thủ đoạn đánh phá, ngăn chặn của Mỹ và chính quyền Sài Gòn đối với tuyến chi viện chiến lược của ta; đồng thời làm rõ cuộc đấu trí, đấu lực đầy cam go, thử thách với địch để bảo vệ hoạt động chi viện, tạo thế trận hậu cần bảo đảm cho các chiến trường.
Khi mới mở, Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh chỉ là những con đường mòn, với phương thức vận tải thô sơ, gùi, thồ, mang vác là chủ yếu. Trước yêu cầu chi viện ngày càng lớn cho chiến trường, Đường Trường Sơn đã phát triển thành một hệ thống vận tải hoàn chỉnh bao gồm các trục dọc, trục ngang, đường tránh, kho tàng, bến bãi,… tiến lên vận tải cơ giới hiện đại, là tuyến chi viện chiến lược, hậu phương trực tiếp cho các chiến trường đánh Mỹ.
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh là nơi thể hiện ý chí thống nhất non sông, quyết tâm đánh Mỹ, thắng Mỹ của dân tộc Việt Nam.
Thượng tướng Lê Chiêm - Ủy viên T.Ư Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết: “Để hoàn thành nhiệm vụ chi viện chiến lược cho chiến trường, Bộ đội Trường Sơn cùng các lực lượng đã xây dựng tuyến vận tải với chiều dài 20.330km, với 6 trục dọc, 21 trục ngang, 1.399km đường ống xăng dầu, 14.000km đường thông tin hữu tuyến và thiết bị tiếp sức, trải rộng trên 400.000km vuông của 21 tỉnh của Việt Nam, Lào và Campuchia, đường Trường Sơn trở thành “trận đồ bát quái”, là nơi bộ đội và các lực lượng trên tuyến đã dựa vào thế thiên hiểm của núi rừng Trường Sơn và các bản làng của đồng bào dân tộc, sử dụng nhiều loại vũ khí, áp dụng nhiều phương án vừa đánh địch, vừa mở đường, vượt qua mọi thủ đoạn ngăn chặn của địch, chuyển hàng đến đích…
Đường Trường Sơn-Đường Hồ Chí Minh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý, trong đó có kinh nghiệm về huy động sức mạnh tổng hợp cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa: Một là, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước nhằm huy động cao độ sức mạnh tổng hợp của đất nước.
Hai là, huy động sức mạnh toàn dân, lấy lực lượng vũ trang nhân dân làm nòng cốt, tạo sức mạnh tổng hợp bảo vệ vững chắc Tổ quốc. Ba là, xây dựng thế trận chiến tranh nhân dân rộng khắp, đáp ứng yêu cầu bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Bốn là, kết hợp sức mạnh trong nước với sức mạnh thời đại, tạo thành sức mạnh tổng hợp thực hiện thành công nhiệm vụ chiến lược”.
Trong khuôn khổ Hội thảo diễn ra Lễ dâng hương tưởng niệm tại Khu di tích Lịch sử Quốc gia thôn Đồng Tiến, xã Đắk Nia, thị xã Gia Nghĩa, tỉnh Đắk Nông. Đài Truyền hình Việt Nam phối hợp với tỉnh Đắk Nông tổ chức chương trình nghệ thuật “Trường Sơn Đông gọi Trường Sơn Tây - Giao điểm Trường Sơn”.