68% trẻ em độ tuổi 1-14 từng bị cha mẹ, người thân bạo hành

(PLVN) -Con số trên được đề cập tới tại hội thảo tổng kết Chiến dịch "Lan tỏa yêu thương 2019 - Yêu thương đẩy lùi bạo lực" và đối thoại "Thúc đẩy sự tham gia của các bên liên quan trong chấm dứt các hình phạt thể chất và tinh thần trẻ em" do Viện Nghiên cứu quản lý phát triển bền vững MSD và Hội Bảo vệ quyền trẻ em VACR phối hợp tổ chức ngày 13/12/2019.
68% trẻ em độ tuổi 1-14 từng bị cha mẹ, người thân bạo hành

Thống kê ở Việt Nam cho thấy, có 50% trẻ em gặp vấn đề bạo hành tại gia đình và nhà trường. 68% trẻ em trong lứa tuổi từ 1-14 từng bị cha mẹ, người thân bạo lực thể chất, tinh thần. Và bạo hạnh đã để lại những hậu quả tâm lý rất nặng nề trong sự phát triển và trưởng thành của trẻ em.

Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này đầu tiên có thể kể đến đó là quan niệm của người Việt về vấn đề dạy con là "yêu cho roi cho vọt". Tiếp đó là áp lực cuộc sống, áp lực công việc thành tích đè nặng lên vai các bậc cha mẹ, thầy cô giáo. Việc người lớn đặt nhiều kỳ vọng vào trẻ em cũng gây nên vấn nạn bạo hành thể chất và tinh thần cho trẻ.

Nhóm trẻ em tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia đối thoại.
 Nhóm trẻ em tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia đối thoại.

Thay mặt cho nhóm trẻ em tiêu biểu của 3 miền Bắc - Trung - Nam tham gia đối thoại, em Lê Trần Kim Linh đến từ TP.HCM phát biểu suy nghĩ: "Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ em bị đánh mắng, nhưng theo em chủ yếu vì cha mẹ, thầy cô không hiểu tâm lý của trẻ em và cũng chưa tin tưởng chúng em, để từ đó có các biện pháp giáo dục, đồng hành cùng chúng em". Theo em Kim Linh và các bạn, trẻ em không thể nên người nhờ đòn roi và trừng phạt thể chất, tinh thần của trẻ là vi phạm pháp luật về bảo vệ trẻ em, dù bất kỳ người đó là ai, cha mẹ hay thầy cô.

Từ góc độ cơ quan quản lý nhà nước về trẻ em, bà Nguyễn Thị Nga - Phó Cục trưởng Cục Trẻ em, Bộ LĐTBXH cho biết: "Tôi rất ấn tượng với các thông tin và thông điệp tại buổi đối thoại. Lắng nghe trẻ em và các tổ chức xã hội là rất quan trọng. Đây sẽ là nguồn tham khảo quan trọng, thiết thực cho chúng tôi  trong các kế hoạch xây dựng chính sách pháp luật và các chương trình hỗ trợ bảo vệ trẻ em trong thời gian tới".

Cũng liên quan đến vấn đề bảo vệ trẻ em, chiều nay, Cục Trẻ em sẽ họp báo ra mắt App của Tổng đài quốc gia bảo vệ trẻ em 111 và bàn về giải pháp nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của Tổng đài trong hỗ trợ và bảo vệ trẻ em./.

Đọc thêm