Tại khu di tích lịch sử Côn Sơn Kiếp Bạc (thị xã Chí Linh, tỉnh Hải Dương), nằm nép dưới bóng những cây thông cổ thụ, bên cạnh đền thờ Nguyễn Trãi là một ngôi chùa nhỏ có lịch sử hơn 700 năm tuổi. Chính tại ngôi chùa này, cuối năm 2012, một cuộc khai quật khảo cổ đã làm phát lộ một vật báu đặc biệt có cùng niên đại với ngôi chùa: Nền móng của tòa Cửu phẩm liên hoa (đài sen chín tầng), một biểu tượng ngày nay chỉ còn lại ở 3 ngôi chùa trên toàn quốc.
Ngôi chùa 83 gian
Chùa Côn Sơn khởi dựng từ thế kỷ thứ X đến thế kỷ XIV, được nhà Trần trùng tu mở rộng thành chốn tổ của Thiền phái Phật giáo Trúc Lâm, từ đó Côn Sơn trở thành Quốc tự của đất nước. Ngay từ thời nhà Trần, ngôi chùa đã có kiến trúc vô cùng bề thế, bao gồm tới 83 gian nhà gỗ lợp ngói mũi hài, có tòa Cửu phẩm liên hoa là một pháp khí đặc biệt quan trọng của nhà Phật.
7 cây thông 700 năm tuổi hiên ngang giữa sân chùa |
Đến thăm chùa Côn Sơny, du khách được thả hồn trong khung cảnh trầm mặc của ngôi chùa nằm dưới chân núi. Dưới sân chùa và trên núi, sau lưng chùa luôn rì rào tiếng thông reo.
Sư thầy Thích Đàm Biên, trụ trì chùa Côn Sơn giới thiệu: “7 cây thông còn lại ở sân chùa được Đại tư đồ Trần Nguyên Đán trồng từ cuối thế kỷ thứ 14, khi ông cáo quan về ở ẩn trong chùa. Hơn 700 năm trôi qua, rất nhiều trận mưa to gió lớn quét qua vùng núi này, nhưng đến nay 7 cây thông vẫn còn nguyên vẹn”.
Về coi sóc việc chùa từ năm 1992, sư thầy Thích Đàm Biên nắm rất rõ lịch sử thăng trầm của ngôi chùa: “Chùa cổ nằm trong khu di tích thờ cụ Nguyễn Trãi nên rất được chính quyền, ngành văn hóa quan tâm. Mới cuối năm 2012, có một đoàn các nhà khảo cổ đã về chùa, giúp nhà chùa tìm được một di tích quý là tòa Cửu phẩm liên hoa”.
Cũng theo sư thầy Thích Đàm Biên, hiện trên khắp Việt Nam chỉ còn có 3 tòa Cửu phẩm liên hoa, đây cũng là 3 vật báu hiếm hoi của Phật giáo trên toàn thế giới.
Theo chân sư thầy đi ra sau tòa chính điện, người viết được tận mắt chiêm ngưỡng những bức ảnh chụp lại quá trình khai quật của Viện khảo cổ học Việt Nam. Thông tin từ Viện khảo cổ học cho biết, quá trình khảo cổ khi đào sâu xuống 0,3m đã thấy phát lộ những mảnh gạch, ngói, gốm, sứ thời Lê.
Tiếp đó là nền móng một công trình kiến trúc hình vuông, kè bằng đá cuội, bốn trụ móng thì hai trụ phía trên còn có hai tảng đá xanh vuông mỗi cạnh gần 50cm. Vị trí của lớp móng này thẳng hàng với trục giữa của thượng điện, tổ đình, vì thế căn cứ vào các tài liệu lịch sử thì đây chính là lớp móng của tòa Cửu phẩm liên hoa xây dựng vào thế kỷ 17.
Các nhà khảo cổ còn tìm thấy một lớp tro than và dấu tích các đống than củi dày 3 – 5cm trên nền móng này, trùng với câu chuyện các cụ cao niên trong làng kể lại tòa tháp hoa sen bị cháy vào cuối thế kỷ 19.
Đào sâu thêm, các nhà khảo cổ tiếp tục thấy các dấu vết kiến trúc tòa Cửu phẩm liên hoa xây dựng từ thế kỷ 14. Kết quả khai quật khảo cổ trùng khớp với tư liệu còn ghi ở văn bia lưu giữ tại chùa, đó là ở chùa Côn Sơn, phía sau thượng điện, trước tổ đường, có một tòa Cửu phẩm liên hoa xây dựng từ thế kỷ 14. Đến thế kỷ 17 thì có cuộc đại trùng tu, mở rộng quy mô tòa tháp so với trước.
Sư thầy Thích Đàm Biên cho biết, Ban quản lý khu di tích đang lên kế hoạch tái hiện lại tòa Cửu phẩm liên hoa đặc sắc được xây dựng từ hơn 700 năm trước: “Cửu phẩm liên hoa là một pháp khí xuất hiện trong nhiều kinh sách nhà Phật. Pháp khí này khá lớn, thường được đặt trong một tòa tháp 3 tầng, bốn mái, các tầng thông nhau.
Sư thầy Thích Đàm Biên giới thiệu về chùa Côn Sơn. |
Khi các tăng ni, Phật tử đi tụng kinh xung quanh đài sen, họ sẽ kéo đài sen chín tầng quay xung quanh trục. Giáo lý nhà Phật viết rằng khi đài sen quay sẽ phát tán những điều tốt lành ra khắp dương gian”.
Sau khi khai quật xong di tích khảo cổ ở sân chùa Côn Sơn, phần nền móng của tòa Cửu phẩm liên hoa lại được lấp cát để chống thấm, rồi lấp đất lên trên. Ban Quản lý di tích cho biết trong những năm tới sẽ tiến hành tái hiện lại một tòa Cửu phẩm liên hoa theo đúng mẫu cũ ở sân chùa Côn Sơn.
700 năm giữ rừng cây thanh hao
Một điểm hấp dẫn đặc biệt của chùa Côn Sơn là lưu dấu nhiều câu chuyện, truyền thuyết liên quan đến vị anh hùng dân tộc, danh nhân văn hóa Nguyễn Trãi.
Bà Thanh, một Phật tử thường xuyên đến chùa cho biết không chỉ có rừng thông xung quanh chùa do quan Tư đồ Trần Nguyên Hãn trồng là có tuổi thọ 700 năm, mà một bãi đất trồng thanh hao từ thời vợ quan Tư đồ về vùng núi này vẫn còn nguyên vẹn cho đến nay.
Cách chùa Côn Sơn khoảng 2 km về phía đền Kiếp Bạc, có một địa danh người dân thường gọi là “bãi rễ”, chính là rừng cây thanh hao ngày nào. Những cây thanh hao thấp ngang bụng người đang độ ra lá xanh mướt. Bà Hoa, một người dân đang thu hoạch lá thanh hao cho biết, từ hàng trăm năm nay, người dân ở chân núi Côn Sơn vẫn thu hoạch cành, lá của cây thanh hao làm nguyên liệu bán cho những người tết chổi rễ (một loại chổi cứng để quét sân – PV).
“Mấy năm gần đây người ta dùng chổi nhựa nhiều, cây rễ bán cũng chậm. Một ôm cây rễ to bán được chục ngàn đồng. Giá trị kinh tế không là bao, nhưng từ hàng trăm năm nay dân làng đã quyết giữ bãi rễ này để tưởng nhớ gia đình quan Tư đồ, nên chúng tôi chỉ chăm bón, tỉa cành cây chứ không bao giờ chặt phá, trồng cây khác lên”, bà Hoa tâm sự.
Nhìn rừng cây thanh hao trải một màu xanh ngút ngàn đến sát chân núi, người ưa hoài niệm sẽ nhớ đến câu chuyện về cậu bé Nguyễn Trãi mẹ mất sớm, từ năm 5 tuổi đã theo về ở với ông ngoại là quan Tư đồ Nguyên Hãn ở vùng núi này.
Hàng chục năm sau khi đã thành vị quan đại thần dưới triều Lê, Nguyễn Trãi lại treo ấn từ quan, trở về ở ẩn nơi có rừng thông, rừng thanh hao mờ xanh.
Giữa trưa hè nắng chang chang, câu chuyện thêm sâu sắc khi bác nông dân ngâm nga mấy câu thơ “Côn Sơn ca” của đại thi hào Nguyễn Trãi: “Côn Sơn có suối nước trong/ Ta nghe như tiếng đàn cầm bên tai/ Côn Sơn có đá rêu phơi/ Ta ngồi trên đá như ngồi đệm êm”…
Bác Hoa cho biết do tuyên truyền của ban Quản lý di tích Côn Sơn Kiếp Bạc nên mấy năm nay người dân có ý thức hơn trong việc giữ gìn rừng thông, bãi rễ, các dòng suối xung quanh khu vực chùa, đền. Mỗi năm vào hai dịp lễ hội tháng Năm (ngày hóa của Tổ Huyền Quang chùa Côn Sơn) và tháng Tám (ngày mất của Nguyễn Trãi), hàng vạn du khách đổ về Côn Sơn, chắc chắn có sự góp công của những người dân địa phương như bác Hoa.
Nguyên Phương