Lừa dối mẹ để được cho đất?
Cha mẹ nguyên đơn có 7 người con. Nguyên đơn là con thứ 4 trong gia đình. Cha mẹ có một thửa đất ở phường Phú Nhuận, TP Huế, tỉnh Thừa Thiên – Huế. Năm 1988, cha chết, người mẹ vẫn sống trên thửa đất này, đứng tên người mẹ.
Cuối năm 2004, người mẹ lập “Hợp đồng tặng cho”, tặng thửa đất 154 m2 cho vợ chồng con trai cả. Dựa vào hợp đồng này, năm 2005, người con cả đã đổi tên chủ sử dụng, đem thế chấp ngân hàng vay vốn. Năm 2011, thửa đất trên được ông chuyển nhượng lại cho người khác.
Khi người mua đất đến nhận đất và đặt đá xây nhà, thì gặp phải sự cản trở của những người con khác trong nhà. Người con thứ 4 là nguyên đơn trong vụ án gửi đơn khiếu nại lên UBND TP vì đã cấp sổ đỏ cho anh cả mình, trong khi cả nhà không ai hay biết. Chính quyền bác khiếu nại, hướng dẫn nguyên đơn gửi đơn khởi kiện lên tòa nếu có tranh chấp.
Tháng 7/2011, nguyên đơn khởi kiện ra tòa yêu cầu hủy sổ đỏ mang tên người anh với lý do người anh có hành vi lừa dối khi làm hợp đồng tặng cho tài sản. Trong thời gian cấp sơ thẩm thụ lý, thì UBND TP đã thay đổi tên người sử dụng đất và cấp sổ đỏ cho người mua đất. Nguyên đơn thêm lần nữa khởi kiện bổ sung, đề nghị tòa hủy sổ đỏ này.
Tại bản án sơ thẩm năm 2013, tòa bác đơn yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Nguyên đơn kháng cáo.
Cấp phúc thẩm sau đó có phán quyết ngược lại, chấp nhận đơn kháng cáo của nguyên đơn, quyết định hủy sổ đỏ mang tên người anh, hủy sổ đỏ của người đã mua đất.
Bản án phúc thẩm sau đó bị kháng nghị giám đốc thẩm theo hướng hủy cả hai bản án sơ và phúc thẩm, giao hồ sơ vụ án cho cấp sơ thẩm xét xử lại từ đầu; cần xem xét lại việc cấp sổ đỏ mang tên người mẹ; xác minh lại ngôi nhà có trên thửa đất; xác minh lại quá trình cấp đổi sổ đỏ sang tên người con đúng luật chưa; và việc cấp sổ đỏ cho người mua khi tòa đang thụ lý vụ án là sai luật.
Như vậy, sau nhiều năm vụ án khởi kiện quyết định hành chính của UBND TP Huế về việc cấp sổ đỏ, lòng vòng qua đủ các cấp, cuối cùng đã trở về vạch xuất phát. Ngày 18/4/2017, TAND TP Huế mở lại phiên sơ thẩm lần thứ 2.
7 năm ôm con đi khiếu nại
Gia đình nguyên đơn đến tòa rất sớm, ngồi chếch về một bên. Phía bên kia là bị đơn của vụ án – đại diện của UBND TP. Dãy ghế giữa là mẹ con người mua đất, đến tòa với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan. Bà bảo, 7 năm trước bán nhà, gom hết tiền mua thửa đất trên. Không ngờ vì những tranh chấp trong gia đình người khác, khiến bà có nhà có đất mà không ở được, phải dắt con tha phương ở trọ.
Bà thở dài nhìn con gái ngồi bên cạnh rồi bảo, những ngày ra Hà Nội ăn dầm ở dề, “kêu cứu” lên tòa án tối cao, đứa con gái này cũng theo chân mẹ khắp nơi. “Ngày đó khi xảy ra vụ kiện, con gái tui mới 10 tuổi. Mà giờ nó đã thành thiếu nữ, vậy mà vụ án vẫn chưa có hồi kết”.
Nguyên đơn trình bày, cha mẹ ngày trước có nhiều đất đai. Nhưng vì kinh tế khó khăn, con cái lại đông đúc, nên cha mẹ bán dần đất đai để sinh sống, nuôi con. Thửa đất và ngôi nhà còn lại của cha mẹ chỉ vẻn vẹn 154 m2, là nơi thờ tự, cũng là nơi cư ngụ của mẹ, người em gái và vợ chồng người em trai nguyên đơn. Ông lập gia đình, rồi mua thửa đất cạnh nhà cha mẹ sinh sống.
Theo nguyên đơn và các chị em, thì vào năm 2004, người mẹ lúc đó đã 81 tuổi, không biết chữ, trí óc không minh mẫn, và tin con nên bị con trai cả lừa lăn tay vào hợp đồng cho tặng tài sản. Từ đó, người anh trai của nguyên đơn mới có cơ hội sang tên sổ đỏ rồi bán cho người khác, ôm tiền, gồng gánh vợ con bỏ xứ mà đi, cắt đứt liên lạc với gia đình.
Theo nguyên đơn, hợp đồng cho tặng đất trên là lừa dối, được lập khi người mẹ không còn minh mẫn. UBND TP dựa vào hợp đồng này để cấp sổ đỏ cho anh trai ông là không đúng. Nguyên đơn yêu cầu tòa hủy sổ đỏ đã cấp cho anh trai mình, đồng thời hủy luôn sổ đỏ của người mua đất.
Đại diện UBND TP cho rằng, quá trình cấp đổi sổ đỏ đều tuân thủ theo quy định pháp luật. Việc hợp đồng cho tặng tài sản trên có gian dối hay không là trách nhiệm của phòng công chứng số 2 chứ không phải của UNBD TP.
Tòa: “Tại sao thửa đất trên đang xảy ra tranh chấp, có khiếu nại, mà UBND vẫn cấp sổ đỏ cho người khác (người mua đất)?”. Đại diện phía ủy ban cho hay, quá trình vụ án được thụ lý, sau đó vụ án lại bị đình chỉ, phía ủy ban có công văn lên TAND tỉnh xin ý kiến. Trong công văn trả lời của TAND tỉnh không có nội dung áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời với việc cấp sổ đỏ cho người mua đất, vì vậy ủy ban mới cấp sổ đỏ.
“Chúng tôi đã cân nhắc rất kỹ, đã 3 lần gửi công văn đến án xin ý kiến. Người mua đất ở đây giao dịch ngay tình, đúng quy định. Nhưng chỉ vì tranh chấp của những người khác trong gia đình người bán, đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người mua”, đại diện UBND nêu ý kiến.
Người mua đất khá bức xúc khi trình bày ý kiến. Bà bảo mình bỏ ra 400 triệu mua đất từ ngân hàng, góp công xóa nợ xấu cho nhà nước, nhưng quyền lợi lại không được nhà nước đảm bảo. “Tại sao chỉ vì một lá đơn vu vơ của người khác lại gây ảnh hưởng đến quyền lợi của tôi. Nhà tôi bỏ tiền mua, giờ lại bị người khác chiếm dụng để ở. Tôi yêu cầu trong quá trình giải quyết vụ án, tài sản trên phải bị kê biên. Tôi không được ở trong ngôi nhà đó, thì không có lý gì gia đình họ được ở”.
Phiên xử ồn ào
Phe nguyên đơn nghe đến đây thì sừng sộ. Hai người chị gái nguyên đơn liếc xéo người mua đất, rồi bảo: “Đồ làm lậu sổ đỏ”, “Đồ lừa đảo”, “Đồ ăn cướp”. Người mua đất tức khí, gằn từng tiếng: “Câm miệng. Coi chừng tau đánh gãy răng”. Khán phòng ồn ào mất một lúc mới yên.
Chị gái nguyên đơn trình bày, đã có gia đình, không ở trong thửa đất kia. Nên khi anh trai “lừa” mẹ làm giấy cho tặng đất, bà cũng như nhiều người khác không hề hay biết. Chỉ đến khi người mua đất đến đòi nhà, cả gia đình mới ngã ngửa.
“Em gái tui không chồng không con, đang ở trong ngôi nhà đó. Em trai tui nghèo khổ, vợ chồng con cái cũng đang tá túc trong ngôi nhà đó. Nếu giờ lấy nhà, em út tôi phải đi đâu ở? Cha mẹ thờ phụng ở đâu?”. Bà hỏi. “Nhà của cha mẹ tui. Tui ở. Không ai được giành nhà cả”, người phụ nữ còn lại gào lên.
Một nghịch lý tại phiên tòa, là khi nguyên đơn trình bày, các bên liên quan đến vụ án đều im lặng nghe. Nhưng hễ các “phe” khác trình bày, thì hai người chị gái nguyên đơn nhao nhao lên giành nói, khiến chủ tọa nhiều lần phải nghiêm giọng: “Khi các bà trình bày, có ai giành đâu? Sao khi người khác trình bày, các bà lại nhao nhao lên giành nói là thế nào?”.
Trái với niềm mong mỏi của phe nguyên đơn, tòa bác đơn khởi kiện của nguyên đơn.Theo tòa sơ thẩm, vào năm 2004, khi người mẹ làm hợp đồng tặng cho đất, bà vẫn còn gánh muối đi bán ngoài chợ An Hòa, tinh thần vẫn minh mẫn. Hai người làm chứng cũng công nhận khi lập hợp đồng cho tặng đất, người mẹ còn minh mẫn.
Sau khi lập hợp đồng, công chứng viên cũng đọc lại toàn bộ hợp đồng cho người mẹ và những người khác cùng nghe, người mẹ sau đó mới lăn tay, vì không biết chữ. Do đó, việc chính quyền cấp sổ đỏ cho người anh của nguyên đơn là đúng quy định.
Riêng sổ đỏ của người mua đất, UBND cấp sổ đỏ trong khi vụ án vẫn đang xảy ra tranh chấp, là sai luật. Sau khi bản án có hiệu lực, người mua đất phải đi đăng ký để cấp lại sổ đỏ mới. Tuy nhiên, để tránh mất thời gian đi lại, nên tòa yêu cầu UBND TP Huế rút kinh nghiệm mà không hủy sổ đỏ của người mua đất.
Tòa vừa tuyên án xong, hai người chị gái của nguyên đơn đã nhao nhao, lớn tiếng la lối: “Tòa xử là việc của tòa. Nhà của tui, đừng hòng đứa nào đến chiếm”.