Khóa lễ nằm trong khuôn khổ Pháp hội Đại Bi Quan Thế Âm 2019 diễn ra tại Đại Bảo tháp Mandala Tây Thiên (Tam Đảo, Vĩnh Phúc) đến hết ngày 13/3/2019
Trong pháp hội lần này, ba bức tượng động vật là voi, tê giác, tê tê với thân thể thương tích đã được chuyển từ Tu viện Khánh An (Tp.HCM) đến trưng bày tại Đại Bảo tháp Mandala (Vĩnh Phúc) nhằm kêu gọi mọi người bảo tồn các loài hoang dã. Các bức tượng trong tư thế quỳ gối đặt trước Bảo Tháp mang ý nghĩa sâu sắc - mong được Đức Phật bảo hộ, che chở. Hình ảnh này đã truyền đi thông điệp của dự án “Đánh thức tình yêu thương” đến mọi người đặc biệt là tác động đến những người săn bắn, mua bán hoặc tiêu thụ các sản phẩm từ động vật.
|
Dự án “Đánh thức tình yêu thương” là hoạt động thiện hạnh trong Pháp hội Cầu an Đại bi Quan Âm 2019 do Đại Bảo Tháp Mandala Tây Thiên phối hợp CHANGE và WildAid tổ chức. |
Chiến dịch này lấy hình ảnh chủ đạo là tượng của các loài động vật hoang dã bao gồm tê giác bị cắt sừng, tê tê bị lột vảy, voi bị cưa ngà và đang bị chảy máu giống như thực trạng các loài này bị săn bắn trong tự nhiên. Các tượng động vật hoang dã nguy cấp này đang quỳ gối trước tượng Phật với ánh mắt hết sức thảm thiết để thỉnh cầu sự che chở do vấn nạn săn bắn các loài này đã lên đến mức báo động trong những năm gần đây, từ đó kêu gọi công chúng giảm nhu cầu mua bán, tiêu thụ các sản phẩm từ các loài động vật đáng thương này.
Không chỉ bảo vệ các loài động vật lớn, động vật hoang dã, nhân hình ảnh này, Đức Gyalwang Drukpa cũng chỉ dạy: “Chúng ta hãy phát nguyện thực hành các thiện hạnh, tránh không bao giờ giết hại chúng sinh, không bao giờ làm tổn hại bất kỳ loài nào, và cố gắng phát nguyện nếu có thể ăn chay.”
Đại sứ Ấn Độ phát nguyện ăn chay trường Đức Gyalwang Drukpa và Ngài Đại sứ có buổi trò chuyện thân mật về các vấn đề của cuộc sống, về chuyện ăn chay. Nói đến mối nhân duyên đặc biệt với Đạo Phật, Ngài Đại sứ chia sẻ với Đức Pháp Vương về chuyến viếng thăm Ladakh, Ấn Độ cách đây 12 năm khi Ngài là trợ lý cho Phó Tổng thống Ấn Độ. Ladakh là miền đất được nhiều bậc thánh nhân trong quá khứ, như Đức Naropa, Thượng sư Gotsangpa chọn là chốn ẩn tu và hoằng truyền Phật pháp. Khi đó Ngài được chiêm ngưỡng bức Thangka một vị Bản tôn Kim Cương thừa. Ngài cảm thấy có một sức hút kỳ lạ đối với bức Thangka này và tìm mọi cách thỉnh về để trang hoàng trong nhà.
Hai năm sau, Ngài Đại sứ lại có nhân duyên đặt chân đến Kailash, ngọn núi thiêng mà Phật tử còn gọi là núi Tu Di. Những người hành hương đến nơi này với mong nguyện thanh lọc thân tâm trước khi trở về thường muốn để lại những gì tiêu cực bất tịnh. Ngài Đại sứ chia sẻ, Ngài đã quyết định bỏ lại ‘thịt, cá’ và phát nguyện chay trường từ đó, đến nay đã gần 10 năm.
Đức Gyalwang Drukpa cũng khuyên các Phật tử nên phát nguyện ăn chay trường để không vay nợ phần máu thịt của chúng sinh. Việc ăn thịt không chỉ ảnh hưởng đến đời sống trường thọ mà còn khiến tâm bạn căng thẳng bất an.
Khoa học chỉ ra khởi thủy con người vốn là loài ăn rau chứ không ăn thịt. Ăn chay chính là cách đem lại sức khỏe cho cả thân lẫn tâm. Những người ăn chay sống tử tế, có trách nhiệm, biết trân trọng yêu thương đồng loại và môi trường hơn. Đây cũng chính là yếu tố tâm linh của đời sống con người.
Ngày 1/3/2019, tại Khách sạn Sheraton Hà Nội, Đức Gyalwang Drukpa sẽ có cuộc tọa đàm với trí thức, doanh nhân, Phật tử Thủ đô về chủ đề: “Vấn đáp tâm linh thời hiện đại”. Cuộc tọa đàm sẽ đi thẳng vào trao đổi, kiến giải những vướng mắc, thách thức trong đời sống hiện đại như: giải pháp đối trị đổ vỡ, khủng hoảng tinh thần; áp lực tài chính, việc làm; con cái hư hỏng, làm sao vượt qua những ám ảnh cái chết và bệnh tật?...