Khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do
Với 90 báo cáo, tham luận của các tướng lĩnh, các nhân chứng lịch sử, các nhà khoa học, Hội thảo khoa học “Nam Bộ kháng chiến - Ý chí bảo vệ độc lập, tự do và bài học lịch sử” Bộ Quốc phòng phối hợp với Thành ủy TP HCM tổ chức nhân kỷ niệm 75 năm ngày Nam Bộ kháng chiến (23/9/1945) đã tập trung phân tích sâu, làm rõ bối cảnh lịch sử và nguyên nhân chiến tranh; tinh thần chủ động, sáng tạo, quyết đoán của Xứ ủy Nam Bộ; đường lối lãnh đạo kháng chiến đúng đắn của Đảng, đứng đầu là Chủ tịch Hồ Chí Minh; khẳng định ý chí, quyết tâm bảo vệ độc lập, tự do, tinh thần chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân và dân ta; thể hiện hình ảnh cao đẹp của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”; ý nghĩa lịch sử và giá trị tinh thần to lớn, để lại nhiều bài học quý trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay.
Từ sự thỏa hiệp của quân Anh, đêm 22 rạng sáng 23/9/1945, quân Pháp nổ súng tiến công, đánh chiếm một số mục tiêu quan trọng trong thành phố Sài Gòn. Ngay lập tức, quân và dân ta ở mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương khác của Nam Bộ đã nhất tề đứng dậy tổ chức chiến đấu, quyết tâm bảo vệ nền độc lập vừa mới giành được.
Cuộc kháng chiến của quân và dân Nam Bộ chỉ kéo dài 15 tháng với tương quan lực lượng quá chênh lệch. Dù chỉ bằng những vũ khí thô sơ, chủ yếu là tầm vông vạt nhọn, giáo mác, gậy gộc nhưng những người con ưu tú của “Nam Bộ Thành đồng” đã cầm chân, đánh tiêu hao quân địch, làm thất bại bước đầu âm mưu chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của thực dân Pháp. Tạo ra khoảng thời gian quý giá để cả nước chuẩn bị kháng chiến.
Thượng tướng Nguyễn Trọng Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị cho biết, hội thảo đã tập trung làm rõ những nội dung chủ yếu gồm: Phân tích bối cảnh lịch sử, tình hình trong nước và quốc tế liên quan, đặc biệt là âm mưu và hành động của thực dân Pháp trở lại xâm lược Việt Nam và Đông Dương, khởi đầu từ Sài Gòn - Chợ Lớn và các địa phương Nam Bộ; khẳng định đường lối, chủ trương lãnh đạo đúng đắn của Trung ương Đảng, Chính phủ và Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đồng thời làm sáng tỏ sự nhạy bén, chủ động, kiên quyết của Xứ ủy, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Kháng chiến Nam Bộ trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo quân và dân Nam Bộ khẩn trương chuẩn bị lực lượng, nêu cao tinh thần, ý chí, quyết tâm kháng chiến, kịp thời giáng trả quân Pháp bằng mọi thứ vũ khí có trong tay; tái hiện cuộc chiến đấu anh dũng, kiên cường của quân dân Nam Bộ mà tiêu biểu là trên mặt trận Sài Gòn - Chợ Lớn, bước đầu đập tan mưu đồ “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch.
Các tham luận đã phân tích, luận giải tinh thần dân tộc, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân được biểu hiện trong quá trình Nam Bộ kháng chiến; khẳng định và nêu bật tầm vóc, ý nghĩa của sự kiện Nam Bộ mở đầu kháng chiến; khái quát và đúc rút những bài học kinh nghiệm, bài học lịch sử có giá trị vận dụng trong lãnh đạo, chỉ đạo, hoạch định đường lối chính trị, chiến lược quân sự, quốc phòng nhằm không ngừng tăng cường, củng cố tiềm lực mọi mặt, thực hiện thắng lợi nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa…
75 năm Nam bộ kháng chiến - Những ký ức không quên
Nhân chứng lịch sử của sự kiện này - ông Võ Anh Tuấn (93 tuổi), nguyên Phó giám đốc Sở Giáo dục Nam Bộ trong kháng chiến chống Pháp, từng là thư ký của Bộ trưởng Ngoại giao Ung Văn Khiêm, Đại sứ làm nhiệm vụ tại nhiều nước như Cuba, Zimbabwe, Nam Tư, Hy Lạp… xúc động nói, năm 1944, tôi gia nhập Thanh niên Tiền phong tại Sài Gòn và ít lâu sau đó gia nhập Việt Minh.
Cuộc đời tôi thay đổi từ đấy. Trở thành người cách mạng, tôi đã chứng kiến những tháng ngày gian khổ, hy sinh nhưng rất đỗi tự hào tại mảnh đất Nam Bộ “Thành đồng Tổ quốc”.
Đã 75 năm trôi qua kể từ “Mùa thu rồi, ngày hăm ba…” năm 1945 lịch sử, nhưng ký ức của một trong những thanh niên Nam bộ đi theo “tiếng kêu sơn hà nguy biến” những ngày đầu kháng chiến chống Pháp vẫn còn nguyên vẹn trong tôi. Là người trong cuộc, trực tiếp tham gia các sự kiện lịch sử, có những điều tôi cho cho là kỳ diệu.
Đó là việc ta đã tương kế tựu kế, thành lập Thanh niên Tiền phong ngày 1/6/1945, với hơn 25.000 thành viên quỳ gối tuyên thệ: “Tôi luôn hết lòng hy sinh cho Tổ quốc!”.
Đó là việc trung lập hóa quân Nhật và quyết định ngày khởi nghĩa vào tháng 8/1945. Tổng khởi nghĩa thắng lợi sớm hơn kế hoạch 2 giờ, mít tinh rầm rộ chào mừng. Ta đón quân đồng minh trong tư thế một nước độc lập, rồi sau đó quyết định kháng chiến.
Đó là khoảnh khắc ngày 2/9/1945, một cuộc mít tinh quần chúng không vũ trang, quy mô lớn diễn ra tại quảng trường phía sau Nhà thờ Đức Bà. Đồng chí Trần Văn Giàu đã phát biểu và kêu gọi nhân dân Nam Bộ đoàn kết bảo vệ nền độc lập dân tộc và nêu rõ lời thề “Độc lập hay là chết”.
Để kịp thời đối phó với hành động xâm lược của thực dân Pháp, sáng ngày 23/9/1945, Xứ ủy và Ủy ban nhân dân Nam Bộ khẩn cấp triệu tập một hội nghị liên tịch tại đường Cây Mai quyết định kháng chiến, đồng thời báo cáo lên Trung ương. Bởi nếu “chờ lệnh” sẽ mất đất, mất nhiều sinh mạng của nhân dân. Quyết định đánh trả ngay được đại đa số đại biểu hội nghị tán thành, được Trung ương đồng ý và khen ngợi.
Đó là chủ trương của Ủy ban kháng chiến Nam Bộ bất hợp tác với thực dân Pháp gây hấn ở Sài Gòn, nội thành tiêu hao sinh lực địch, ngoại thành chốt giữ các vị trí quan trọng, không cho địch đánh nống ra ngoài. Chủ trương đó được tuân thủ triệt để. Sài Gòn không điện, không nước, không chợ, không hàng quán… làm nên một sự kiện trở thành huyền thoại.
Ông Võ Anh Tuấn dẫn lại bức điện của Bác Hồ đề ngày 26/9/1945: “Hỡi đồng bào Nam Bộ, lòng cương quyết dũng cảm của nhân dân Nam Bộ chống lại quân xâm lược của Pháp chẳng những làm cho đồng bào toàn quốc cảm phục, mà đã chứng tỏ cho thế giới đều biết cái quyết tâm độc lập của nhân dân Việt Nam...”.
Trung tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng nhấn mạnh, cuộc chiến đấu của quân và dân Nam Bộ đã bước đầu làm thất bại chiến lược “đánh nhanh, thắng nhanh” của địch, khẳng định ý chí bảo vệ độc lập, tự do, thể hiện hình ảnh cao đẹp của “Nam Bộ thành đồng Tổ quốc”.
15 tháng kháng chiến là khoảng thời gian không dài, nhưng cuộc chiến đấu ở Nam Bộ và cực Nam Trung Bộ đã tạo ra tiền đề cho việc xác định đường lối kháng chiến sau này, đồng thời khẳng định những quy luật của chiến tranh cách mạng trong điều kiện và bối cảnh mới của lịch sử.
Đó là quy luật của chiến tranh nhân dân chống chiến tranh xâm lược, từng bước giành thắng lợi, tiến lên giành thắng lợi hoàn toàn, bảo vệ vững chắc thành quả cách mạng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc.