Đam mê với một điều gì đó
Hầu như người cao tuổi nào cũng có một niềm say mê nhất định, có thể là chụp ảnh, sưu tập tem, nuôi chim, chăm sóc cây cảnh hay đan lát… Tuy nhiên, ông bà không bao giờ giữ niềm yêu thích đó cho riêng mình, mà luôn muốn chia sẻ với cháu, bằng cách kéo cháu vào các cửa hàng bán tem cổ, rủ cháu cùng đi mua len hoặc chỉ cho cháu cách ông bà dạy chim bắt chước. Mặc dù có lúc cháu tỏ ra chán nản nhưng ông bà vẫn kiên nhẫn chia sẻ niềm đam mê của mình bằng tất cả tình yêu. Đến bây giờ, điều đó trở thành lý do để cháu yêu ông bà nhiều hơn.
Hài hước và yêu đời
Không ai muốn tự nhận ra mình đã già, nhưng cũng chẳng ai có thể phủ nhận mình đang già đi. Có một điều cháu chắc chắn, đó là cháu không bao giờ muốn trở thành một cụ già khó tính. Cháu muốn được vui vẻ như ông, bà, luôn sẵn sàng xung phong lên nhảy múa hoặc ca hát trong các đám cưới. Thậm chí, ông bà còn tự sáng tạo ra những điệu nhảy kỳ lạ và vui nhộn. Nếu có một thứ mà ông bà có thể cho đi không ngần ngại thì đó chính là nụ cười. Đó là món quà tuyệt vời nhất với cháu.
Luôn có một bọc kẹo bí mật
Đàn ông yêu bằng mắt, phụ nữ yêu bằng tai, còn trẻ con chắc chắn là yêu bằng… kẹo. Hồi bé, cháu rất thích đến nhà ông bà chơi, đơn giản là vì nhà ông bà luôn có những loại kẹo đặc trưng: ông ngoại có kẹo gôm, bà ngoại có kẹo chíp chíp, ông nội có kẹo sô cô la đồng tiền, còn bà nội thì hay có kẹo cao su nhiều màu. Những viên kẹo nhỏ bé đã trở thành “điều đặc biệt” của ông bà, để khi ông bà không còn ở bên cháu, nó vẫn mãi là dấu ấn mà cả đời cháu không bao giờ quên.
Học ngôn ngữ của cháu
Khi cháu đã lớn và không còn hứng thú với kẹo nữa, ông bà lại trở thành bạn của cháu, học cách nói chuyện với cháu. Ông bà tham gia vào Facebook, theo dõi các phương tiện truyền thông. Cháu biết ông bà làm vậy là để có cái nhìn sâu sắc và gần gũi hơn với cuộc sống của cháu. Cháu nhớ lần bị bà ngoại mắng vì tội vừa ăn cơm vừa nhắn tin, cháu đã giận dỗi bà ghê lắm. Nhưng cháu đã phải phì cười khi đọc được dòng status trên Facebook của bà: “OMG! Ngày xưa làm gì có mấy thứ đồ công nghệ hiện đại, hại điện này. Khi người lớn nói chuyện với tôi, tôi luôn nhìn vào họ.” Thế là cháu hết giận bà luôn và từ đó không bao giờ vừa ăn cơm vừa dùng điện thoại nữa. Có thể bà sẽ không thích một số từ ngữ mà cháu thường dùng, nhưng dù sao biết vẫn có lợi hơn, phải không ạ?
Lưu giữ thói quen viết tay
Mặc dù, cháu vẫn thường đăng ảnh chụp bà lên Instagram, trò chuyện với bà thông qua Skype hoặc Facebook, gửi thư điện tử cho ông bà… nhưng không vì thế mà ông bà bỏ đi cách ghi chép truyền thống - viết tay. Mỗi khi đi du lịch, ông bà vẫn nhắc cháu gửi thư và bưu thiếp về cho ông bà. Bà có một cuốn sổ ghi chép các công thức nấu ăn từ rất lâu rồi và tương lai nó sẽ được truyền lại cho cháu. Chữ viết tay là một phần của ông bà mà không ứng dụng đánh chữ hiện đại nào có thể thay thế.
Kể lại những câu chuyện ngày xưa
Những câu chuyện “ngày xửa, ngày xưa” của ông bà không phải lúc nào cũng hấp dẫn với cháu. Tuy nhiên, tuổi thơ của ông bà và bố mẹ của cháu cần phải được truyền lại, nếu không cháu sẽ chẳng bao giờ biết. “Mưa dầm thấm lâu”, những câu chuyện tưởng như vu vơ ấy sẽ ngấm dần vào cháu, trở thành những bài học sâu sắc về giá trị của lao động, phần thưởng của sự tử tế, hay đơn giản là hậu quả của việc đánh nhau với anh trai mình.
Xây dựng truyền thống
Truyền thống luôn là một phần không thể thiếu đối với bất cứ gia đình nào, có thể là những phong tục mang tính dân tộc như: Gói bánh chưng ngày Tết, quây quần bên mâm cơm giao thừa; hay chỉ đơn giản là những thói quen lặp đi lặp lại của một gia đình, chẳng hạn như: ăn bún chả, làm nem vào ngày cuối tuần. Càng duy trì truyền thống thì mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình càng được thắt chặt hơn. Những truyền thống này không chỉ dựa vào một mình ông bà mà xây dựng được. Ông bà là những người mang chúng ta đến, nhắc nhở thế hệ sau rằng dù cuộc sống hiện đại có bộn bề thế nào, chúng ta vẫn luôn ở bên nhau. Vì chúng ta là một gia đình.
Gia đình là tất cả
Đây là bài học lớn nhất mà ông bà đã dạy cháu. Nếu mai này cháu lên chức bà, cháu sẽ lặp đi lặp lại câu thần chú này trong mọi lời nói, mọi hành động, trong tình yêu cháu thể hiện với người thân của mình và trong cả sự kỳ vọng mà cháu dành cho thế hệ mai sau.