Tại cuộc họp báo sáng ngày 2/1, theo kết quả điều tra ban đầu của cơ quan công an tỉnh Thanh Hóa xác định: Gia đình ông Lê Văn Thong, bà Lê Thị Nguyên là chủ cơ sở sản xuất vôi thủ công, có thuê ông Phạm Văn Tuyên (SN 1963, ở thôn 1 xã Hoàng Giang, Nông Cống) làm công nhân kỹ thuật.
Khoảng 14h30’, khi đã xếp được 2/3 nguyên liệu (đá và than) vào lò thì ông Thong đốt lửa ở dưới lò, ông Tuyên tiếp tục xếp nguyên liệu ở trên lò cho đầy (đây là quy trình sản xuất vôi được nhân dân áp dụng nhiều năm nay).
Khi đang xếp nguyên liệu thì bất ngờ ông Tuyên ngất, ông Thong hô hoán để mọi người biết, đồng thời lao vào cứu ông Tuyên.
Không thấy ông Tuyên và ông Thong ra, những người xung quanh (7 người, gồm vợ, con ông Thong và người thân, hàng xóm) chạy vào cứu thì cũng không ra được.
Lúc này nhân dân đã phá hông lò, lấy quạt thổi khí và đưa nạn nhân đi cấp cứu, đến 19h00’ thì 8 nạn nhân đã tử vong.
Tại buổi họp báo, ông Lê Thanh Hải - Bí thư Huyện ủy Nông Cống cho biết: “Đây là vụ tai nạn lao động đặc biệt nghiệm trọng. Huyện đã chỉ đạo tập trung, kịp thời, huy động các lực lượng đảm bảo an ninh trật tự, cùng với Công an huyện, Công an tỉnh khám nghiệm hiện trường, xác định nguyên nhân.
Công an tỉnh Thanh Hóa cũng đã lấy các mẫu phẩm gửi đi giám định để tìm hiểu nguyên nhân. Trước mắt, huyện tập trung chỉ đạo chính quyền hai xã Hoàng Giang và Hoàng Sơn lo tang lễ cho các nạn nhân, đồng thời có chính sách hỗ trợ cho những người bị nạn.
Đến thời điểm này, chính quyền địa phương cũng như các ngành chức năng đã hỗ trợ 10 triệu cho các nạn nhân tử vong, 7 triệu cho người bị thương”.
“Vụ việc xảy ra rất đau lòng, thứ nhất phải nói đến là do kinh nghiệm trong lao động sản xuất và kinh nghiệm trong ứng cứu người bị nạn của người dân chưa có nhiều. Theo nhận định ban đầu thì đây là vụ ngạt khí than, còn kết luận cuối cùng đang chờ cơ quan điều tra”- ông Hải thông tin thêm.
Ông Lê Xuân Hùng - Phó Chủ tịch UBND huyện Nông Cống cho biết: “Trước đây trên địa bàn huyện Nông Cống có trên 100 lò vôi thủ công hoạt động trong các khu dân cư. Sau khi có chỉ đạo của UBND tỉnh, chúng tôi đã vận động xóa bỏ các lò vôi trong thôn xóm, hoặc di chuyển ra vị trí khác để đảm bảo vệ sinh môi trường.
Sau thời gian vận động, đến nay trên địa bàn còn lại 7 lò vôi chủ yếu là của các hộ gia đình làm lâu đời”.
Theo lộ trình, đến năm 2020 sẽ xóa bỏ toàn bộ lò vôi và lò gạch thủ công. Huyện đang từng bước chỉ đạo chính quyền địa phương xóa bỏ lò vôi thủ công. Bên cạnh đó, tập trung tìm công ăn việc làm, đưa nghề thủ công mây tre đan vào để chuyển đổi nghề.
“Đối với công tác kiểm tra an toàn lao động, hàng năm huyện vẫn tổ chức kiểm tra đối với các doanh nghiệp, công ty và các hộ kinh doanh. Sau kiểm tra, các ngành chức năng có nhắc nhở, chỉ đạo các hộ đảm bảo an toàn sản xuất.
Tuy nhiên, đây là do chủ quan của các hộ. Tới đây nếu hộ nào không đảm bảo an toàn sẽ xóa bỏ, chuyển đổi mô hình sản xuất”, ông Hùng thông tin thêm./.