Cho thịt vào chảo quá sớm
Cho ngay thịt vào chảo trong khi chảo chưa được làm nóng trước sẽ khiến thịt bị dính chảo và khi lật, bề mặt thịt dễ bị vỡ, không đẹp. Cách tốt nhất là trước khi cho thịt vào chảo, thêm một lớp dầu mỏng vào đáy của chảo gang hoặc sắt, đun nóng dầu, khi thấy dầu có gợn sóng (chưa đến mức dầu bốc khói) thì cho thịt vào.
Nhiệt độ chảo thấp
Nhiều người có thói quen để lửa nhỏ vì sợ cháy thịt hay trong sống ngoài chín. Nhưng nếu đang làm món thịt áp chảo thì bạn nên tăng lửa lên ở mức độ vừa, vì điều này cần thiết để có được một miếng thịt áp chảo đẹp, giòn.
Dùng chung thớt thái rau và thịt
Đây là thói quen sử dụng của phần lớn các bà nội trợ mà không biết rằng thịt chưa nấu chín sẽ để lại vi khuẩn trên tất cả mọi thứ nó chạm vào, kể cả thớt, xong nồi và bàn tay bạn. Tốt nhất bạn nên có hai thớt riêng biệt cho thịt và rau, đồ sống, đồ chín, hoặc nếu không hãy dùng nước nóng, dầu rửa khử trùng thớt sau khi dùng.
Thái thịt sai thời điểm
Sau khi luộc, bạn không nên thái ngay bởi lúc này miếng thịt còn "ngậm" nhiều nước, thái xong thớ thịt không đẹp mắt. Tốt nhất, với miếng thịt hay xương, ức gà không da thì để nghỉ 5 phút. Với gà luộc cần phải để 30 phút.
Để món thịt dễ thái, nhất là khi bạn muốn thái mỏng, thành dải dài thì hãy cho nó vào tủ lạnh khoảng 30 phút rồi mới thái. Mẹo nhỏ này không chỉ giúp bạn thao tác dễ dàng hơn mà miếng thịt thái ra cũng thẩm mỹ hơn hẳn.
Rã đông ở nhiệt độ phòng
Nhiều người bỏ thịt ra ngoài nhiệt độ phòng trước khi nấu mà không biết nhiệt độ phòng là môi trường lý tưởng cho các loại vi khuẩn sinh sôi. Tốt nhất, hãy cho nguyên túi thịt vào nồi nước mát. Cứ 30 phút thì thay nước một lần. Hoặc bạn có thể sử dụng nấc rã đông của lò vi sóng cũng rất hiệu quả.
Cho thịt xông khói vào chảo chiên
Không ít bà nội trợ chiên thịt xông khói trong chảo nóng mà không biết rằng thịt xông khói khi tiếp xúc với nhiệt độ cao của dầu ăn dễ dàng sinh ra độc tố gây ung thư. Thay vào đó, bạn có thể đặt thịt hun khói lên lá nhôm rồi làm nóng trong lò nướng chừng 18 phút. Miếng thịt sẽ có được màu vàng ươm, giòn tan như mong đợi.
Đổ nước lạnh vào nồi luộc thịt
Việc đổ thêm nước lạnh vào nồi luộc thịt sẽ khiến các protein và chất béo trong thịt, xương lập tức bị kết tủa, làm thịt co lại và cứng, đó là chưa kể mùi vị cũng bị ảnh hưởng. Ngoài ra, nhiều người cũng hay cho muối vào thịt khi đun nấu mà không biết NaCl trong muối sẽ làm protein trong thịt kết tủa và cũng khiến miếng thịt teo lại và cứng.
Giữ thịt trong ngăn đá quá lâu
Với thịt gia súc, gia cầm và hải sản, bạn không nên để lạnh quá hai ngày. Trong khi đó, thịt nướng, đã qua chế biến có thể kéo dài thời gian bảo quản lên năm ngày mà không làm thất thoát quá nhiều dinh dưỡng và hương vị đặc trưng.