Phát sinh từ một loại nguyên liệu gia vị thô
Cụ thể, theo Công ty CP Acecook Việt Nam, Benzo(a)pyrene là một chất hóa học được sinh ra từ quá trình đốt cháy không hoàn toàn các chất hữu cơ. Nó được tìm thấy trong thực phẩm nướng (thịt nướng, cá nướng, thịt hun khói...), khói xe, khói từ đốt gỗ, khói thuốc lá, sản phẩm dầu và khí đốt,... Ngoài ra, nó cũng được tìm thấy trong đất, nước và các nguồn khác trong tự nhiên.
Benzo(a)pyrene không phải là chất phụ gia, không được dùng trong sản xuất, chế biến thực phẩm công nghiệp nói chung và Phở ăn liền Peacock nói riêng. Vì thế, Acecook Việt Nam cam kết Benzo(a)pyrene không được cho vào sản phẩm trong quá trình sản xuất tại Acecook Việt Nam.
“Hiện nay chúng tôi vẫn chưa nhận được thông báo chính thức của KFDA (Cục an toàn về Dược và Thực phẩm Hàn Quốc) về vấn đề của Phở ăn liền Peacok xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc. Việc thu hồi xuất phát từ phía Emart Hàn Quốc, hệ thống siêu thị đã tự thu hồi toàn bộ các sản phẩm Peacock. Về phía Acecook Việt Nam, chúng tôi đã hoàn tất quá trình điều tra nguyên nhân phát sinh chất này trong quá trình sản xuất sản phẩm tại công ty.
Kết quả cho thấy Benzo(a)pyrene hoàn toàn không phát sinh trong bất kỳ công đoạn nào của quá trình sản xuất sản phẩm tại Acecook Việt Nam mà phát sinh từ một loại nguyên liệu gia vị thô, được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở ăn liền Peacock. Cụ thể là nguyên liệu thảo quả sấy khô. Hiện tại Acecook Việt Nam đã ngay lập tức ngừng sử dụng nguyên liệu này trong sản phẩm Peacock. Đồng thời, chúng tôi đang tiến hành rà soát toàn bộ quá trình kiểm soát chất lượng các nguyên liệu thô cho cả xuất khẩu và nội địa để đảm bảo không phát sinh sự cố tương tự.
Song song, chúng tôi cũng tiến hành kiểm tra các sản phẩm mì và phở nội địa đang lưu hành tại Việt Nam thông qua Công ty Giám định độc lập quốc tế - SGS Việt Nam. Kết quả cho thấy các sản phẩm mì và phở nội địa đều an toàn theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc và EU (khối liên minh Châu Âu).
Một lần nữa, chúng tôi cũng xin cam kết tất cả các sản phẩm đang lưu hành tại thị trường Việt Nam đều tuân thủ Quy định và Pháp luật Việt Nam, đảo bảo an toàn đối với sức khỏe của người tiêu dùng”, văn bản nêu.
Việt Nam chưa có chuẩn lượng BaP?
Hiện nay, ở nhiều nước trên thế giới đã có quy định riêng và rõ ràng về hàm lượng của chất BaP được phép có trong thực phẩm. BaP được phép có một lượng nhất định nhưng nếu vượt qua hàm lượng cho phép thì có thể gây ra ngộ độc, mất an toàn, ảnh hưởng tới sức khỏe.
Ủy ban chuyên gia của tổ chức FAO/WHO đã thực hiện việc đánh giá nguy cơ và xếp chất này vào nhóm chất có khả năng gây ung thư và gây nhiễm độc gen. Cơ quan bảo vệ môi trường Mỹ (US EPA) quy định giới hạn tối đa cho phép hàm lượng ô nhiễm của benzopyrene trong nước uống là 0,0002mg/l.
Khoa độc chất, trường đại học dược Sungkyunkwan University, Suwon, Gyeonggi-do, Hàn Quốc đã thực hiện chương trình đánh giá nguy cơ của BaP vào năm 2007 tại Hàn quốc. Các loại thực phẩm như bánh snack, khoai tây chiên, bánh mì, dầu thực vật, thịt, ngũ cốc... được lấy mẫu và phân tích hàm lượng benzopyrene.
Hàm lương BaP phát hiện cao nhất ở gà rán (5,25- 5,55 bpp), bò hun khói (5,47 bpp) so với lượng tương đối thấp ở dầu mè (0,36bpp), lạc chiên (0,44bpp). Mối liên quan cùa BaP đến ung thư được tính toán dựa trên hệ số tạo ra ung thư 7,3 mg/kg/ngày cho ra kết quả là 1,52. 10-5. Bởi vậy, có thể hiểu tại sao Hàn Quốc lại vô cùng khắt khe trong việc kiểm soát hàm lượng BaP trong các sản phẩm thực phẩm.
|
Phở ăn liền Peacock xuất khẩu sang thị trường Hàn Quốc bị thu hồi |
“Việt Nam cũng cần kiểm soát nguy cơ xuất hiện những chất như BaP trong thực phẩm. Hiện không có chuẩn mực nào cả, chỉ biết là nó độc hại thôi. Còn trong sản phẩm của mình có bao nhiêu, được lượng bao nhiêu cũng không biết”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm.
Theo PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh, ở Việt Nam chưa có cơ quan chức năng, cơ quan quản lý sức khỏe nào công bố rằng những sản phẩm thực phẩm nào có chứa BaP, hàm lượng của chúng là bao nhiêu. Vì vậy ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, cơ sở để quản lý về hàm lượng chất BaP trong việc sản xuất thực phẩm. Do đó, nếu sản phẩm đó có gây hại cho sức khỏe cho con người cũng không có cơ sở để xử phạt như thế nào và phạt ai?
Chúng tôi đã liên hệ với Cục An toàn Thực phẩm (Bộ Y tế) và sẽ tiếp tục thông tin.