Acecook Việt Nam lý giải về kết quả kiểm nghiệm bị cho không khách quan

(PLVN) - Trong thông báo ngày 28/12/2020, Acecook Việt Nam cho biết: Kết quả kiểm tra các sản phẩm mì và phở nội địa đều an toàn theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc và EU. Tuy nhiên, các phiếu kết quả kiểm nghiệm được cung cấp cho PV PLVN đều có ngày sau ngày phát hành thông báo nói trên. Acecook Việt Nam giải thích về sự mâu thuẫn này như thế nào?
Acecook Việt Nam lý giải về kết quả kiểm nghiệm bị cho không khách quan

Việt Nam chưa có quy chuẩn?

Như PLVN đã thông tin, cuối tháng 12/2020, một số hãng tin của Hàn Quốc thông tin Cục An toàn thực phẩm và dược phẩm Hàn Quốc (KFDA) đã cho phép các cơ quan chức năng có thẩm quyền thu hồi và xử lý sản phẩm phở bò do Acecook sản xuất có hạn sử dụng đến ngày 3-12-2021, ngày 5-4-2022 và ngày 19-4-2022 vì phát hiện có chất Benzo(a)pyrene.

Trao đổi với PV PLVN, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh cho biết, Benzopyrene là một chất có trong tự nhiên. Trong sản xuất thực phẩm thì nó sinh ra khi chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao. “Việc chất Benzopyrene là một chất nguy cơ gây ung thư đã được khoa học chứng minh, khi chất này tích tụ quá nhiều trong cơ thể sẽ gây biến dị các ADN, khiến con người mắc căn bệnh ung thư”, theo PGS Thịnh. 

Ủy ban chuyên gia của tổ chức FAO/WHO đã thực hiện việc đánh giá nguy cơ  và xếp chất này vào nhóm chất có khả năng gây ung thư và gây nhiễm độc gen. Benzopyrene được xem là chất đại diện (marker) cho các loại PAHs có khả năng gây ung thư. Tuy nhiên trong khi nhiều nước đã có quy chuẩn về lượng chất Benzopyrene được phép có trong thực phẩm thì đến nay Việt Nam vẫn chưa có quy định.

Công văn trả lời của Công ty CP Acecook Việt Nam tới các cơ quan truyền thông
 Công văn trả lời của Công ty CP Acecook Việt Nam tới các cơ quan truyền thông

Liên quan đến sự việc, PV Báo PLVN cũng đã liên hệ để có ý kiến từ Cục An toàn Thực phẩm – Bộ Y tế. Cơ quan này cho biết: “Ngay sau khi nhận được thông tin Hàn Quốc thu hồi sản phẩm phở ăn liền Peacock của Công ty cổ phần Acecook Việt Nam, Cục An toàn Thực phẩm đã có công văn gửi Vụ Khoa học & Công nghệ Bộ Công thương để thông báo về vụ việc này theo đúng phân công tại Điều 39, Nghị định 15/2018/NĐ-CP của Chính phủ”.  

Khoa độc chất, trường đại học dược Sungkyunkwan University, Suwon, Gyeonggi-do, Hàn Quốc đã thực hiện chương trình đánh giá nguy cơ của BaP vào năm 2007 tại Hàn quốc. Kết quả phân tích được dùng để ước lượng lượng ăn vào hàng ngày của BaP và đánh giá mối liên quan của chất này với bệnh ung thư ở Hàn Quốc. Bởi vậy, có thể hiểu tại sao Hàn Quốc lại vô cùng khắt khe trong việc kiểm soát hàm lượng BaP trong các sản phẩm thực phẩm. 

“Đáng lẽ Việt Nam cũng phải kiểm soát nguy cơ xuất hiện những chất như BaP trong thực phẩm nhưng mà ta không có ai làm, nên không có chuẩn mực nào cả, chỉ biết là nó độc hại thôi. Còn trong sản phẩm của mình có bao nhiêu, được cho phép lượng bao nhiêu cũng không biết”, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh nêu quan điểm. 

Theo ông Thịnh, ở Việt Nam chưa có bất cứ cơ quan chức năng, cơ quan quản lý sức khỏe nào công bố rằng những sản phẩm thực phẩm nào có chứa BaP, hàm lượng của chúng là bao nhiêu. Vì vậy ở Việt Nam chưa có tiêu chuẩn, cơ sở để quản lý về hàm lượng chất BaP trong việc sản xuất thực phẩm. Do đó, nếu sản phẩm đó có gây hại cho sức khỏe cho con người cũng không có cơ sở để xử phạt như thế nào và phạt ai?

Acecook Việt Nam có biết trước kết quả kiểm nghiệm?

Để khách quan trong quá trình thông tin về sự việc, PV Báo PLVN đã liên lạc với đại diện truyền thông của Công ty Acecook Việt Nam và được cung cấp văn bản số 2806/2020/AV-HCM do Công ty CP Acecook Việt Nam phát đi từ TP.HCM ngày 28 tháng 12 năm 2020.

Cụ thể, theo Công ty CP Acecook Việt Nam, công ty đã hoàn tất quá trình điều tra nguyên nhân phát sinh chất này trong quá trình sản xuất sản phẩm tại công ty.

“Kết quả cho thấy Benzo(a)pyrene hoàn toàn không phát sinh trong bất kỳ công đoạn nào của quá trình sản xuất sản phẩm tại Acecook Việt Nam mà phát sinh từ một loại nguyên liệu gia vị thô, được sử dụng trong gói dầu của sản phẩm phở ăn liền Peacock. Cụ thể là nguyên liệu thảo quả sấy khô. Hiện tại Acecook Việt Nam đã ngay lập tức ngừng sử dụng nguyên liệu này trong sản phẩm Peacock. Đồng thời, chúng tôi đang tiến hành rà soát toàn bộ quá trình kiểm soát chất lượng các nguyên liệu thô cho cả xuất khẩu và nội địa để đảm bảo không phát sinh sự cố tương tự”.

Đáng nói, qua khảo sát trên thị trường của PV, Acecook Việt Nam hiện có nhiều sản phẩm sử dụng nguyên liệu thảo quả được cho là nguyên nhân gây ra chất gây ung thư Benzo(a)pyrene như: Phở Trộn đệ nhất hương vị bò, Phở Trộn đệ nhất hương vị thập cẩm cay, Phở Gà đệ nhất, Phở Bò đệ nhất, Phở xưa và nay hương vị bò, Phở bò nhớ mãi mãi... khiến người tiêu dùng không khỏi lo ngại về sự an toàn của các sản phẩm nội địa.

Sự lo lắng này đã được văn bản số 2806 nói trên phần nào chấn an khi khẳng định: “chúng tôi (Acecook Việt Nam – PV) cũng tiến hành kiểm tra các sản phẩm mì và phở nội địa đang lưu hành tại Việt Nam thông qua Công ty Giám định độc lập quốc tế - SGS Việt Nam. Kết quả cho thấy các sản phẩm mì và phở nội địa đều an toàn theo tiêu chuẩn của Hàn Quốc và EU (khối liên minh Châu Âu)”.

Kết quả kiểm tra Benzopyrene của sản phẩm Phở tô ăn liền nhớ mãi mãi của Acecook Việt Nam
 Kết quả kiểm tra Benzopyrene của sản phẩm Phở tô ăn liền nhớ mãi mãi của Acecook Việt Nam

Để chắc chắn về điều này, PV PLVN đã đề nghị Acecook Việt Nam cung cấp các kết quả kiểm nghiệm làm cơ sở chứng minh. Đại diện truyền thông của công ty này đã cung cấp bản PDF các phiếu kết quả xét nghiệm số 20123102C7 (cho sản phẩm Phở ăn liền đệ nhất phở hương vị phở bò), 20123102C9 (sản phẩm Phở ăn liền đệ nhất phở hương vị phở gà), 201231070D (Phở tô ăn liền nhớ mãi mãi hương vị bò), 20123102CB (Phở ăn liền đệ nhất phở hương vị phở gà lá chanh) , 20123102CC (Phở ăn liền đệ nhất phở hương vị phở nghêu chua cay), 20123102CD (Phở ăn liền xưa & nay hương vị phở bò), 20123102CE (Phở trộn ăn liền đệ nhất phở hương vị bò), 20123102CF (Phở trộn ăn liền đệ nhất phở hương vị thập cẩm cay).

Điều đáng nói việc kiểm nghiệm là theo yêu cầu của khách hàng, chính là Công ty CP Acecook Việt Nam (Địa chỉ Lô II-3, đường số 11, nhóm CN II, KCN Tân Bình, TP.Hồ Chí Minh). Số lượng mẫu xét nghiệm chỉ có 01 mẫu. Điều này đặt ra câu hỏi, việc kiểm nghiệm như vậy liệu có đảm bảo số mẫu đại diện?

Chưa kể hoài nghi lớn nhất là ở việc, các phiếu kết quả kiểm nghiệm nói trên đều ghi: TP.Hồ Chí Minh ngày 31/12/2020. Ngày nhận mẫu 29/12/2020. Thời gian thử nghiệm: 29/12/2020 – 31/12/2020.

Hiểu một cách đơn giản, việc kiểm nghiệm được tiến hành sau khi Acecook Việt Nam phát đi thông báo ngày 28/12/2020. Vậy phải chăng Acecook Việt Nam biết trước kết quả kiểm nghiệm? Và kết quả kiểm nghiệm như thế có đảm bảo sự trung thực, khách quan?

Acecook Việt Nam lý giải như thế nào?

Trả lời câu hỏi về mâu thuẫn giữa ngày thông báo và ngày có kết quả kiểm nghiệm, đại diện truyền thông của Acecook Việt Nam thông tin: “Khi tiến hành lấy mẫu kiểm nghiệm, Acecook VN đã mã hóa mẫu để đảm bảo tính khách quan và bảo mật. Theo đó, trên kết quả xét nghiệm này chỉ ghi mã hóa (mẫu A, mẫu B, mẫu C…). Theo yêu cầu từ báo Pháp Luật Việt Nam, công ty đã yêu cầu phía SGS cung cấp giấy kiểm nghiệm có ghi rõ tên sản phẩm (đối chiếu theo các mẫu được mã hóa trước đó: Sản phẩm Phở Đệ Nhất – Hương vị…), nên ngày trên phiếu kiểm nghiệm sau ngày phát hành media statement”.

Acecook Việt Nam cho rằng: “việc lấy mẫu và kiểm nghiệm với độ lệch ngày như vậy là do quy trình. Hơn thế nữa, SGS là một cơ quan kiểm tra quốc tế, độc lập và uy tín, các kết quả kiểm tra từ SGS đảm bảo được sự chính xác và khách quan.

Trên tinh thần minh bạch và tôn trọng người tiêu dùng, tuân thủ theo quy định của Nhà nước, Acecook VN cũng đã chủ động cập nhật tình hình với các cơ quan ban ngành có liên quan. Và theo yêu cầu của Ban Quản lý An toàn thực phẩm Tp.HCM và Cục An toàn Thực phẩm, Acecook VN cũng đã cung cấp các kết quả kiểm nghiệm theo sản phẩm cụ thể từ Công ty Giám định độc lập quốc tế - SGS Việt Nam cho các cơ quan quản lý này”.

Đọc thêm