Cho đến nay, sau sự cố mất điện trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía Nam xảy ra do va quẹt đường dây điện 500kV, chưa ai có thể thống kê được thiệt hại, nhưng chắc chắn con số này sẽ rất lớn. Tuy nhiên, ai sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho các nạn nhân trong sự cố mất điện này vẫn là một vấn đề nan giải.
Liên quan đến sự cố mất điện toàn miền Nam vừa qua (ngày 22/5). Tập đoàn Điện lực VN (EVN) cho biết tại thời điểm xảy ra sự cố trên đường dây 500kV, đường dây đang truyền tải công suất cao khiến cả hệ thống điện 500kV Bắc - Nam bị mất liên kết.
Không có cơ sở để EVN đền bù ?
Chỉ một ngọn cây chạm vào dây điện, vì sao lại tê liệt hệ thống điện toàn miền Nam, phải chăng hệ thống lưới điện chưa đảm bảo an toàn?
Sự cố mất điện vẫn chưa tìm được người chịu trách nhiệm |
Theo một cán bộ điều độ hệ thống điện, trước thời điểm xảy ra sự cố, điện cung cấp cho khu vực miền Nam ngoài nguồn tại chỗ (các nhà máy điện) còn có nguồn từ miền Bắc truyền tải về qua hệ thống đường dây 500kV.
Khi cây xanh va vào đường dây điện, nguồn điện của miền Bắc đưa về miền Nam bị cắt và nguồn điện tại chỗ của miền Nam không đáp ứng nhu cầu sử dụng điện lúc đó, bắt buộc các nhà máy điện phải bật ra khỏi hệ thống truyền tải (rã lưới), nếu không sẽ gây ra sự cố cho các nhà máy điện.
Trả lời về thực tế kiểm tra an toàn điện khu vực bị sự cố, ông Trịnh Đình Chính, phó giám đốc Truyền tải điện miền Đông 1 (đơn vị quản lý đoạn đường dây trên), cho biết theo quy trình mỗi tháng kiểm tra hành lang an toàn đường dây một lần.
Khi phát hiện những khu vực có dân cư sinh sống, trồng trọt có nguy cơ gây ảnh hưởng đến đường dây điện cao thế thì khuyến cáo người dân về hành lang an toàn lưới điện, thậm chí cắm biển cảnh báo. Riêng khu vườn ươm nơi xảy ra sự cố nằm trong khu đô thị mới của Bình Dương, không có dân cư sinh sống nên chưa phát hiện trường hợp vi phạm.
Cũng theo ông Chính, nghị định của Chính phủ hướng dẫn Luật điện lực về bảo vệ an toàn công trình lưới điện cao áp, hành lang an toàn đường dây 500 kV thì khoảng cách từ đường dây điện cao thế tới mặt đất là 10m, chiều ngang là 7m. Trong phạm vi này được coi là hành lang an toàn lưới điện cao thế, không được xây dựng, trồng cây xanh. Vì vậy, việc trồng cây xanh trong vườn ươm của Becamex cách đường dây điện cao thế 14m không vi phạm hành lang an toàn. Vi phạm là do quá trình vận chuyển cây, tài xế lái xe cẩu đã đưa cây xanh chạm đường dây điện.
Sự cố đã xảy ra, một quan chức Bộ Công thương cho rằng mất điện như thế là sự cố lớn, có ảnh hưởng, gây thiệt hại đến một số doanh nghiệp và sinh hoạt của người dân. Tuy nhiên, muốn tính đến việc đòi EVN đền bù phải căn cứ theo quy định của Luật Điện lực.
Cụ thể, Điều 27 Luật Điện lực về việc ngừng, giảm mức cung cấp điện có quy định: “Đơn vị điện lực ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện trái các quy định về ngừng, giảm mức cung cấp điện thì bị xử phạt theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường cho bên mua điện theo quy định của pháp luật”.
Song, Điều 27 cũng quy định: “Trường hợp ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện khẩn cấp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được thì đơn vị phát điện, truyền tải điện, phân phối điện được ngừng hoặc giảm mức cung cấp điện đối với bên mua điện để xử lý trong thời hạn 24 giờ và phải thông báo cho bên mua điện biết nguyên nhân, dự kiến thời gian cấp điện trở lại”.
Đối chiếu với sự cố mất điện nói trên, có thể khẳng định không phải lỗi do EVN, là sự cố bên bán điện không kiểm soát được. Vì vậy, không có cơ sở để buộc EVN phải đền bù.
Trái ngược ý kiến trên, Luật sư Lê Hoàng Minh, Đoàn luật sư TP.HCM phân tích: Khách hàng (người dân, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức...) ký hợp đồng mua bán điện với công ty điện lực đã chịu thiệt hại lớn từ sự cố cúp điện có quyền đòi bồi thường thiệt hại từ đơn vị cung cấp điện.
Tuy nhiên, việc xem xét trách nhiệm của bên bán điện sẽ được căn cứ trên hợp đồng đã ký kết. Theo quy định của pháp luật thì hành vi bán điện không đảm bảo chất lượng theo hợp đồng ký kết, gây thiệt hại cho bên mua điện là vi phạm hợp đồng thì phải bồi thường (trừ trường hợp bất khả kháng). Nhưng việc xe cẩu bất cẩn gây ra sự cố có phải là trường hợp bất khả kháng cho ngành điện hay không, cơ quan chức năng cần phải xác định rõ. Nếu xem đó là tình huống bất khả kháng thì bên bán điện mới không phải bồi thường.
Chứng minh bị thiệt hại sẽ được bồi thường!
Tương tự, Luật sư Nguyễn Minh Trí, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết: Đối với sự vụ này cần xem xét các bên có liên quan, trước tiên là mạng lưới điện do EVN quản lý và cung cấp điện cho người tiêu dùng; Tiếp đó là lái xe, phụ xe, đơn vị quản lý xe cần cẩu - đơn vị làm thuê vận chuyển cây xanh, hoặc là đơn vị trực tiếp sử dụng, chủ quản cây xanh, chủ quản xe cần cẩu; Và cuối cùng là Tổng Công ty đầu tư công nghiệp – TNHH một thành viên (Becamex IDC) – đơn vị sử dụng, chủ quản cây xanh (độc lập thuê xe cần cẩu) liên đới trong vụ việc.
Tức là vụ việc xảy ra trong quá trình vận chuyển cây xanh dẫn đến va quẹt vào mạng lưới điện gây hậu quả ngừng cung cấp điện, gây thiệt hại “tài sản” cho người tiêu dùng điện; gây thiệt hại "tài sản" cho EVN.
Trong trường hợp này, EVN là đơn vị quản lý và cung cấp điện cho người tiêu dùng mà gây thiệt hại, thì phải bồi thường cho người tiêu dùng (bên mua) theo quy định của pháp luật; Trừ trường hợp do sự cố, do sự kiện bất khả kháng mà bên bán điện không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng theo Điều 26, 27 Luật Điện lực.
Do đó, bên mua điện có quyền yêu cầu EVN bồi thường thiệt hại nếu chứng minh được những thiệt hại do việc EVN ngừng cung cấp điện và thời gian cung cấp điện không đúng theo hợp đồng như qui định tại khoản 6 Điều 8 Luật bảo vệ người tiêu dùng, khoản 1 Điều 46 Luật Điện lực.
Trả lời báo giới, một Luật sư khác của Đoàn Luật sư TP.HCM cũng cho rằng: Trong trường hợp trên, EVN không thể viện dẫn do sự cố, do sự kiện bất khả kháng để không bồi thường. Bởi lẽ, Luật Điện lực đã qui định về bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không:
Không cho phép tồn tại nhà ở và công trình có người thường xuyên sinh sống, làm việc trong hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không có điện áp từ 500 kV trở lên, trừ những công trình chuyên ngành phục vụ vận hành lưới điện đó. Cấm tiến hành mọi công việc trong hành lang bảo vệ đường dây dẫn điện trên không nếu sử dụng thiết bị, dụng cụ, phương tiện có khả năng vi phạm khoảng cách an toàn phóng điện theo cấp điện áp (Điều 51).
EVN là đơn vị phân phối điện có các nghĩa vụ bảo đảm lưới điện và các trang thiết bị phân phối điện vận hành an toàn, ổn định, tin cậy nên có trách nhiệm luôn luôn phải đảm bảo hành lang bảo vệ an toàn đường dây.
Thực tế vườn ươm cây đã tồn tại dưới đường dây điện 500kv thì không thể nói rằng EVN không biết họ đã vi phạm hành lang bảo vệ an toàn đường dây dẫn điện trên không. Do đó không thể nói EVN không kiểm soát được có nguy cơ làm mất an toàn nghiêm trọng do lỗi sự cố, do sự kiện bất khả kháng để không bồi thường.
Theo Luật sư Nguyễn Minh Trí, với đơn vị vận chuyển cây xanh (quản lý xe cần cẩu, là đơn vị cung ứng dịch vụ cho đơn vị quản lý cây xanh) đã gây ra va quẹt cây xanh vào mạng lưới điện gây thiệt hại cho EVN. Do đó EVN có quyền yêu cầu đơn vị vận chuyển cây xanh bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng theo qui định tại Bộ luật Dân sự theo Điều 618, 623 và 622.
Riêng với lái xe, phụ xe trực tiếp gây ra hành vi va quẹt cây xanh, cần phải hiểu: Lái xe, phụ xe là người làm công của đơn vị cung ứng dịch vụ vận chuyển. Những người này có thể bị truy cứu theo Bộ luật Hình sự tại Điều 241 “Tội vi phạm quy định về an toàn vận hành công trình điện”: Người nào có hành vi làm đổ cây ảnh hưởng đến an toàn vận hành công trình điện gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ hai năm đến mười năm.
Hoàng Đạt – Tố Nhi