Vụ tra tấn, đánh đập vợ như thời trung cổ mới đây tại quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã khiến xã hội hai lần giật mình. Giật mình vì tính chất nghiêm trọng của vụ việc và giật mình vì sự im lặng nhẫn nhịn đến mức khó tin của người vợ. Thế nhưng, tin chắc rằng sau vụ việc này, rất nhiều những người phụ nữ Việt Nam vẫn sẽ chọn cách... im lặng khi bị bạo hành. Và, họ có lý do để làm việc này.
Những vết thương còn lại trên cơ thể chị Hằng sau 15 tiếng bị chồng hành hạ |
Gần 87% số phụ nữ bị bạo hành giữ im lặng
Cách đây ít lâu, một nghiên cứu quốc gia về bạo lực gia đình đối với phụ nữ Việt Nam đã được tiến hành. Đây là nghiên cứu lần đầu tiên được tiến hành trên phạm vi cả nước với sự tham gia của gần 5.000 phụ nữ ở độ tuổi 18-60. Kết quả cho thấy, 58% số phụ nữ Việt Nam đã từng là nạn nhân của ít nhất một trong ba hình thức bạo lực gia đình (thể xác, tình dục và tinh thần).
Cứ 3 phụ nữ có gia đình hoặc từng có gia đình được hỏi thì 1 người đã từng bị chồng bạo hành về thể xác hoặc tình dục. Độ tuổi bị bạo hành chiếm tỷ lệ cao nhất là 18-24 tuổi. Đặc biệt, các chuyên gia báo động tình trạng bạo lực gia đình hiện nay diễn ra ở các vùng đều ở mức cao. Chẳng hạn, ở khu vực Đông Nam Bộ là trên 42%, ở Tây Nguyên gần 40%, còn tỷ lệ này ở đồng bằng sông Hồng cũng chiếm khoảng 37%... Ngay cả phụ nữ đang mang thai cũng có tới 5% từng bị bạo lực thể xác. 10% phụ nữ từng kết hôn cho biết họ đã từng bị bạo lực tình dục do chính chồng mình gây ra. Ở nông thôn, tỷ lệ này là 10,1%, cao hơn so với thành thị là 9,5%...
Nhưng dù là nạn nhân của bất kỳ kiểu bạo lực gia đình gì thì mẫu số chung của họ vẫn là im lặng. Nghiên cứu trên cho thấy có tới 87% số phụ nữ bị bạo lực chưa từng bao giờ nghĩ tới việc trình báo chính quyền để được trợ giúp.
Những vật dụng mà người chồng dùng để hành hạ vợ |
Họ im lặng, vì sao?
Luật sư Vũ Thị Hoài Vân (Văn phòng Trợ giúp pháp lý cho phụ nữ, Cục Trợ giúp pháp lý - Bộ Tư pháp) cho biết, bà đã từng nhận được đơn kêu cứu của chị Nguyễn Thị Hoàng (Bình Dương), nạn nhân của tình trạng bạo lực gia đình. Nguyên nhân chị bị chồng đánh chỉ là về thăm mẹ đẻ quá nhiều. Nhưng theo luật sư Vân, đó chỉ là một trong số rất ít phụ nữ bị chồng hành hạ dám lên tiếng bảo vệ mình, còn đa số phụ nữ Việt Nam chọn giải pháp im lặng.
Lý do im lặng của những nạn nhân bạo hành gia đình trên khắp mọi vùng miền tương đối giống nhau. Im lặng vì họ xấu hổ khi công khai chuyện nhà, sợ mất con, sợ vợ chồng ly dị. Trường hợp một phụ nữ bị bạo lực ở Hà Nội là một ví dụ. Chị là nạn nhân của bạo lực tình dục từ chính chồng mình nhưng chị luôn tâm niệm “cái quan hệ tình dục ấy, dù bị ép nhưng em không dám kể cho mọi người nghe. Chuyện như thế kể ra thấy xấu hổ nên thôi...”.
Im lặng vì khi họ tìm đến sự hỗ trợ của cộng đồng nhưng không có kết quả bởi có nhiều nơi chính quyền địa phương vẫn cho rằng bạo lực gia đình là thuộc phạm vi gia đình. Một phụ nữ bị bạo lực ở Bến Tre thổ lộ: “Khi bị anh hăm dọa đến mức không chịu đựng nổi phải nhờ trưởng ấp can thiệp thì ông ấy không nghe, nói: “Chuyện gia đình mày, mày làm gì thì làm”.
Thậm chí im lặng vì sự khác biệt của vùng miền, của quan niệm dân tộc. Chỉ có 8% phụ nữ Mông cho biết họ đang hoặc đã từng là nạn nhân của bạo lực gia đình trong khi 36% phụ nữ người Kinh thổ lộ chuyện này...
Cứ thế, rào cản tâm lý xấu hổ và kỳ thị khiến người phụ nữ im lặng chịu đựng, nỗi đau bạo lực vì thế cứ âm ỉ, chôn chặt họ trong cuộc sống đầy sợ hãi. Hay nói như bà Henrica A.F.M. Jansen, Trưởng nhóm nghiên cứu về bạo lực gia đình với phụ nữ Việt Nam cho biết: “Bên cạnh sự kỳ thị và sự xấu hổ khiến phụ nữ phải giữ im lặng, nhiều phụ nữ còn nghĩ rằng, bạo lực trong quan hệ vợ chồng là điều bình thường, người phụ nữ cần bao dung, nhẫn nhịn chịu đựng để gìn giữ sự êm ấm cho gia đình...
Gỡ bỏ “băng dính”
Ví von một cách hình ảnh thì những nguyên nhân trên đây giống như chiếc băng dính đã dính chặt không cho người phụ nữ mở miệng kêu cứu khi bị bạo hành.
Nhìn lại vụ bạo hành ở quận Thanh Xuân, Hà Nội vừa rồi có thể thấy người vợ có lý do để không chia sẻ nỗi khổ của mình với mọi người. Hay nói như bà Hoàng Tú Anh - Giám đốc Trung tâm sáng kiến Sức khỏe và Dân số: “Nguyên nhân chính không phải là họ không muốn nói mà do họ không tìm được người tin cậy để trút bầu tâm sự. Trong khi đó, một số phụ nữ đã tìm đến chính quyền địa phương can thiệp thì lại không được giải quyết, làm mất đi sự tín nhiệm trong họ”.
Trả lời phỏng vấn bên lề kỳ họp Quốc hội khóa XIII đang diễn ra, Chủ nhiệm UB các vấn đề xã hội, bà Trương Thị Mai đã khẳng định, “UB các vấn đề xã hội khi làm Luật Phòng chống bạo lực gia đình, ở mức độ nào đó cũng đã khuyến khích người phụ nữ có thể trao đổi. Không phải việc gì cũng đi thưa gửi với chính quyền địa phương, nhưng có thể nói chuyện để nhờ cha mẹ can thiệp hoặc có thể nhờ một người bạn, một người tin cậy trong cộng đồng dân cư... theo điều kiện, người phụ nữ đó có thể cân nhắc để lựa chọn việc của mình có thể nhờ ai”.
Nhưng cũng không thể bỏ qua sự thờ ơ của các tổ chức xã hội, chính quyền ở địa phương. “Luật Phòng chống bạo lực gia đình có quy định trách nhiệm của chính quyền địa phương trong những vấn đề liên quan đến bạo lực gia đình, tuy nhiên tôi nghĩ thực tế không có sự đồng bộ trong thực hiện. Có những chính quyền địa phương quan tâm, nhưng cũng có những chính quyền địa phương chưa thực sự quan tâm và khi sự việc xảy ra rồi người ta mới vào cuộc và cùng với các cơ quan pháp luật giải quyết... Những người hàng xóm chung quanh các gia đình có bạo hành cũng có thể tham gia. Người chồng bạo lực với vợ mà kéo dài thì không thể hàng xóm không biết, tổ dân phố không thể không cảm thấy có vấn đề gì được” - bà Trương Thị Mai nói.
Im lặng vì... luật! Theo Luật Phòng chống bạo lực gia đình khi vụ việc bạo hành bị phanh phui, cơ quan chức năng phạt tiền người chồng đánh vợ, song thực tế trong rất nhiều trường hợp thì người vợ lại là người phải đứng ra nộp tiền. Điều này cho thấy hình thức này không thích hợp đối với các vụ vi phạm, làm mất đi tính nghiêm minh của luật và không có tác dụng răn đe. Mặt khác, trong trường hợp bị bạo hành gia đình, người vợ phải chứng minh được là thương tích 11% trở lên mới truy cứu. Song không phải lúc nào nạn nhân cũng đồng ý đi giám định, vì cho rằng như thế không hợp với đạo làm vợ. Thêm nữa cơ sở y tế địa phương cũng không đủ khả năng làm điều này nên việc giám định trở nên khá phiền phức. Vậy thì 87% phụ nữ bị bạo hành chấp nhận giữ im lặng cũng là điều không quá khó hiểu. |
Hồng Minh