Ai hưởng lợi từ những hội chợ hàng Sale?

Theo sơ đồ của  “Hội chợ  Soul to Soul market” có khoảng 150 gian hàng đã bán hết, tiền mặt thu mỗi chỗ 600,000đồng+ 200,000đồng tiền cọc. Tài sản của BTC hội chợ cung cấp cho bạn hàng duy nhất là 01 chiếc bàn gỗ 1,2m x 0,8m và 01 ghế nhựa. Sở Công Thương, các cơ quan quản lý có quản được các tổ chức hội chợ như thế này không?

Đã trở thành thông lệ, cứ gần đến cuối năm, giới kinh doanh buôn bán muốn xả hết hàng tồn, hàng động, hàng kém chất lượng...đắt rẻ gì cũng bán, bởi theo quan niệm của họ: Cả năm buôn bán“Hớt váng sữa”cuối năm, đắt rẻ gì cũng là lời. Xả hết, để năm mới bán hàng mới cho “hên”. Còn về mặt xã hội, đây cũng là cơ hội tốt cho người nghèo mua sắm cuối năm.

Khách hàng hay BTC hưởng lợi?

Trên các nẻo đường phố, chợ, đầy ắp băng rôn cùng với những dòng chữ dễ đập vào mắt khách hàng “Xả hàng, Big sale, bán rẻ như cho...”.  Bên cạnh đó, để khách hàng có cơ hội mua hàng giá rẻ,  các đơn vị Tổ chức Hội chợ không bỏ qua cơ hội đã tranh thủ tổ chức các “Hội chợ phiên” theo kiểu “đánh nhanh, rút gọn”. Mỗi hội chợ từ một đến hai ngày ở những nơi có mặt bằng đông người qua lại; các KCN, hay hàng Việt về nông thôn...Khách hàng các chợ phiên này, đa số là các bạn hàng nhỏ, các Shop nhỏ, buôn bán lặt vặt...dân gian vẫn gọi là “hàng xén”.  

Trong những phiên chợ như thế này,vẫn thường có các bạn sinh viên, hai ba đứa rủ nhau thành nhóm đi đến các chợ đầu mối mua hàng sỉ tham gia chợ phiên, với hy vọng kiếm thêm tí tiền về quê ăn Tết. 

Phương thức tổ chức phiên chợ cũng khá đơn giản: Diện tích  gian hàng khoảng vài mét vuông, một chiếc bàn nhỏ, hay một tấm nilong dùng để trải lên trên mặt đất để bày hàng ra, nếu là bán áo quần, chủ hàng mang theo cái giá phơi áo quần thế là xong. Với kiểu hội chợ này người ta vẫn thường nói với nhau: “Chợ người nghèo” nếu 1 cái áo ngày thường trong các  Shop bán từ  3 đến 5 trăm ngàn đồng, đến “Chợ người nghèo” khách hàng có thể mua chỉ 100 ngàn đồng có khi vui chủ  hàng bán  5 đến  7 chục ngàn đồng. 

"Tôi là sinh viên năm nhất, cũng có một Shop nho nhỏ, vài thứ hàng linh tinh bán qua mạng, một phần tập tành vào nghề, để khi ra đời có chút kinh nghiệm, một phần kiếm tí tiền phụ thêm chi phí học hành. Nên đã tham gia phiên chợ khi được một đồng nghiệp rủ rê. Tôi đã tìm đến địa chỉ 81/16A Nguyễn Hữu Cầu, P. Tân Định,Q1,TP.HCM để ký hợp đồng mua gian hàng “Hội chợ  Soul to Soul market” (01 ngày) vào ngày 27/1/2013 tại Cung Văn Hóa Lao Động, số 55B Nguyễn Thị Minh Khai Q1, TP.HCM. Hợp đồng dịch vụ được ký cả 2 bên, tất cả là 3 trang giấy (viết 2 mặt) với nhiều điều khoản. Trong hợp đồng: bên A : Bà Nguyễn Thị Trung Nguyên đã ký: chức vu: Chủ tịch, trưởng ban tổ chức Hội chợ. Địa chỉ: 231/11D Tôn Thất Thuyết P.3.Q4.TP. HCM", sinh viên một trường đại học thuật lại. 

Bạn này cho biết thêm, sau khi hai bên đã ký, tôi phải nộp ngay số tiền gian hàng là 600 trăm ngàn đồng cộng với 200 ngàn đồng tiền cọc, mà theo giải thích là tiền thế chân,  nếu tài sản của TBC bị hư hỏng, hoặc thất lạc. Số tiền 800,000đồng bên A nhận ghi ngay dưới hợp đồng mà không hề cấp cho tôi phiếu thu, hoặc hóa đơn, ngay cả hợp đồng cũng không đóng dấu. 

"Tuy nhiên sáng sớm ngày 27/1 khó khăn lắm tôi mới tìm ra địa điểm tổ chức “Hội chợ  Soul to Soul market” nằm sâu phía sau lưng Cung văn hóa, sau khi hỏi các bác bảo vệ chỉ đường. Tôi nhận gian hàng 4 mét vuông cùng với 01 cái bàn gỗ 1,2 mx 0,8 mét, 01 cái ghế nhựa, khoảng cách giữa các gian hàng là một vạch phấn trắng, không điện, không quạt. Thấy bọn tôi hai, ba đưa lay hoay  không biết bày biện thế nào, người bạn hàng kế bên thấy vậy bảo chúng tôi “Bỏ cái bàn đi, trải ni long xuống mặt đất mới có diện tích, dễ bày hàng...”. Vì tham gia bán hàng chợ phiên lần đầu nên chúng tôi cũng thấy vui vui, háo hức với nhiều hi vọng khi nghe người bạn hàng bên cạnh giới thiệu “Bán hàng kiểu này vui lắm, rất nhiều người mua, vả lại hàng tồn mình bán rẻ xem như chia sẻ với người nghèo, mình thừa, nhưng có nhiều người thiếu...”, sinh viên này cho biết.

Người trong cuộc nói gì?

“Hội chợ  Soul to Soul market”  thời gian bán hàng bắt đầu từ 7 giờ và kết thúc vào lúc 20 giờ trong ngày. Sáng ra tôi loay hoay dọn hàng xong cũng đã gần 9 giờ, nhưng vẫn không thấy khách vào chợ? Tôi hỏi người bạn hàng “đợi tí nữa đi, những Hội chợ như thế này đông khách vào mua lắm lai rai cả ngày, Vì đây là hàng Big sale mà”. Người bạn nói tiếp,  Mấy tháng nay tôi “chạy Show”tham gia nhiều hội chợ lắm, cứ có khách mua, giá nào cũng bán...”.

Hy vọng như lời nói của người bạn hàng, rồi một tiếng, hai tiếng trôi qua vẫn thấy đác vài ba người qua lại, nhưng nhìn kỹ là những bạn hàng ngồi mãi nên dạo quanh để xem hàng.  Đến gần 12 giờ mọi người mệt mỏi đi tìm ăn trưa, tôi đến BTC hỏi “Chị ơi! sao chợ gì mà không thấy khách hàng vào mua vậy? Chị ta trả lời ngay; có ai đi Shopping vào buổi trưa không hả?”.

Tôi nghĩ chị ta nói cũng có lý, giữa cái nắng oi nồng này ai mà đi Shopping vào buổi trưa chứ. Trở về gian hàng của mình, cả bọn tôi dựa vào gốc cây me già tranh thủ chợp mắt, với hy vọng buổi chiều, tối, mát trời, khách hàng sẽ đi Shopping. Tôi xem đồng hồ đã 14giờ, rồi 15giờ...thời gian cứ trôi đi, sắp hết giờ trả lại mặt bằng, nhưng khách có vẻ ít hơn buổi sáng. Các bạn hàng bảo nhau: Hội chợ gì chỉ thấy bạn hàng mua, bán với nhau. Chán nản, gần 1/3 gian hàng  thu dọn ra về với tâm trạng bất bình “Tôi tham gia nhiều hội chợ rồi, chưa thấy chợ nào lại tệ hại  như thế này, hôm nay mất toi cả triệu bạc...” 

Trời bắt đầu tối dần, các ngọn đèn trong khuôn viên được bật lên, lác đác có một vài bóng đèn bị tắt, khi chúng tôi gọi BTC, vẫn lại nhận được câu trả lời gắn gọn “Xài chung đi, tắt một vài bóng đèn có sao đâu?”. Buổi trưa không khí nóng nực, buổi tối thiếu ánh sáng, lại không bán được hàng thế là cuộc nổi loạn giữa các bạn hàng với BTC bắt đầu to tiếng. Mọi người đều đồng thanh bắt BTC trả lại một phần tiền vì không có khách hàng vào chợ.  

Các bạn hàng trẻ nói năng còn dè dặt, nhưng còn một số bạn hàng lớn tuổi vì tiếc tiền, tiếc công nên họ rất hung dữ, cho là BTC lừa dối họ. Tôi đứng vòng ngoài, còn nghe tiếng của một cô trong BTC “lấy ghế đập vào mặt bà ta đi, bán được hay không liên quan gì đến tụi tui...” Lời qua tiếng lại, sợ ẩu đã, BTC phải cầu cứu bảo vệ Cung Văn Hóa vào giải cứu.

Theo như phản ảnh từ các bạn hàng có nhiều lý do khách hàng không biết đến Hội chợ phiên hôm nay:  Đúng ra vị trí hội chợ nằm phía trước sân Cung văn Hóa như những Hội khác thường tổ chức. Nhưng“Hội chợ  Soul to Soul market” lại nằm khuất phía sau tòa nhà, nên ít người biết. Hơn nữa, buổi sáng sớm trước cổng Cung văn Hóa Lao Động chỉ dựng  01 Baner, sau đó di chuyển vào bên trong.     

Một bạn hàng cho biết: tụi em là những Shop nhỏ, nên hay tham gia các chợ phiên như thế này ở nhiều điểm khác nhau để bán hàng, nhưng chưa bao giờ tệ hại như bữa nay?.  Ở các hội chợ tổ chức thường xuyên như:  2Day sale (GS) Sale 4Share(S4S),Saigon Flea Market(FM), Sale Hunter(SH) tổ chức định kỳ 01 ngày/tháng/lần, công tác tổ chức rất tốt, nên bạn hàng tham gia đều đặn. Khách vào mua nườm mượp, hàng bán không kịp. Một số người dân đi thể dục thường ngày trong khuôn viên còn ngạc nhiên “Bữa nay có  Hội chợ, không biết đem theo tiền để mua...”.

Cuối cùng BTC cũng công nhận “Hội chợ quá ít khách vào, hàng không bán được, gây thiệt hại cho bạn hàng, nên thương lượng với một số chủ hàng còn ở lại bù lỗ 100,000đồng/hợp đồng”.

Thay lời kết

Theo sơ đồ của  “Hội chợ  Soul to Soul market” có khoảng 150 gian hàng đã bán hết, tiền mặt thu mỗi chỗ 600,000đồng+ 200,000đồng tiền cọc. Tài sản của BTC hội chợ cung cấp cho bạn hàng duy nhất là 01 chiếc bàn gỗ 1,2m x 0,8m và 01 ghế nhựa. Vậy không biết sở Công Thương, các cơ quan quản lý có quản được các tổ chức hội chợ như thế này không?

Trong khi nhà nước đã qui định trong giao dịch bằng tiền mặt 200,000đồng phải xuất hóa đơn GTGT. Tuy nhiên, “Hội chợ  Soul to Soul market” thu vào cả trăm triệu bạc, nhưng khi nhận tiền của chủ hàng chỉ ghi nhận bằng viết tay bên dưới  hợp đồng không có dấu. 

Minh Phương

Đọc thêm