Ai phong “thần” cho “y”?

(PLVN) - “Thần y” Võ Hoàng Yên danh nổi như cồn một thời do chữa bệnh nan y không lấy tiền, làm từ thiện... Các video clip quay cảnh ông chữa bệnh thu hút hàng triệu người xem, cổ vũ ào ào, vỗ tay hoan hỷ, không ít người xúc động rơi nước mắt. Nhiều tờ báo đưa tin, viết bài về ông, đáng kể có ấn phẩm đăng nhiều kỳ tới hơn 60 bài. 
Hình ảnh buổi đối chất giữa vợ chồng ông Dũng "lò vôi" và ông Võ Hoàng Yên.
Hình ảnh buổi đối chất giữa vợ chồng ông Dũng "lò vôi" và ông Võ Hoàng Yên.

Đến nay, khi những mạnh thường quân tài trợ và giúp đỡ ông thẳng tay lột mặt nạ danh y của ông thì ngay lập tức, mạng xã hội đã đăng tải những câu chuyện “người thật, việc thật” vạch trần những thủ đoạn gian trá và sự nhẫn tâm của ông, dân chúng nhận diện ra một cao thủ lừa thượng thặng, những lời ca ngợi bay hết đâu rồi? 

Trước làn sóng phẫn nộ của dư luận, không một tiếng nói nào cất lên từ những người ông đã chữa khỏi bệnh và đã coi ông như ân nhân. Phải chăng những người đó là không có thực? Tất nhiên, không ai khác, ngoài truyền thông đã làm cho một lang băm không kiến thức y học, không bằng cấp, không chứng chỉ hành nghề trở thành một thần y danh tiếng. 

Cái gọi là “thần y” cũng do báo chí gọi ông lâu ngày thành quen và dân chúng cứ ngỡ một Hoa Đà tái thế xuất hiện để cứu người tật bệnh chỉ bằng tay không nắn bóp! Đặc biệt hơn, ông còn được một tỉnh miền Trung cho xây dựng và đưa vào hoạt động Trung tâm khám chữa bệnh, hành nghề thu tiền của hàng nghìn bệnh nhân nghèo khổ đã lâm vào bước đường cùng. 

Có ai đó, người đã cho phép “thần y” hoạt động tại địa phương mình quản lý chịu trách nhiệm không, đặc biệt là những “đồng nghiệp” lương y có chức quyền để ông thao túng, lừa đảo người bệnh ngay trong lĩnh vực nghề nghiệp của mình? Bây giờ có người quay lại trách cứ những người mang nặng tâm lý “có bệnh thì vái tứ phương” là ngu muội, là “hội chứng bầy đàn”! 

Ngược trở lại với thời gian, thỉnh thoảng báo chí lại rộ lên một “thần y” nào đó với cách chữa trị nửa thánh, nửa trần, pha trộn giữa y học dân tộc với mê tín dị đoan. Hàng nghìn người kéo đến, ô tô xếp thành hàng dài, người bệnh nằm ngổn ngang chờ chữa, dịch vụ ăn theo rầm rộ mở ra... 

Đến bây giờ, các cô Bảy, ông Ba, “công chúa thuốc lào”, dì Năm ăn lộc thánh... đi đâu hết cả. Dân ta có nhiều người mê muội đã đành nhưng còn các nhà báo thông tuệ đã viết nên những bài quảng cáo trá hình cho những mặt hàng giả ấy có suy nghĩ gì không với sứ mệnh cầm bút, gõ phím của mình là nói lên sự thật mà chỉ sự thật mà thôi! Văn hóa ứng xử của từng cá nhân hợp thành văn hóa cộng đồng và thành viên của cộng đồng cũng bị chi phối bởi một nền văn hóa chung đó. 

Có một điều đặt ra và phải trả lời xác đáng: Tại sao dân ta dễ bị lừa đến thế, từ kinh doanh đa cấp trá hình đến chữa bệnh miễn phí, từ huy động vốn làm dự án địa ốc đến dâng sao giải hạn, oan hồn trái chủ?

Đọc thêm