Theo một đạo lý thông thường thì việc buôn lậu thuốc giả chữa ung thư tai tiếng đến như thế mà người quản lý lĩnh vực này vô can thì quả thực vừa hết sức vô lý, vừa không tôn trọng công lý.
Cách đây gần 2 năm khi vụ án Công ty Dược VN Pharma đưa ra xét xử, cơ quan công tố đã đề nghị khởi tố tội danh này với Cục Quản lý dược và đại diện của Cục này đã chối bỏ tất cả bằng văn bản, khẳng định mình thực hiện việc cấp phép đúng quy định, chẳng có tý sai phạm nào.
Giờ thì sau kết luận của Thanh tra Chính phủ, chuyển hồ sơ lên Ủy ban Kiểm tra TƯ, đề nghị xem xét trách nhiệm của những chức danh thuộc diện Ban Bí thư quản lý và vụ án đã được khởi tố, liệu những lý lẽ để chứng tỏ sự vô can, “đúng quy định” của Cục này có còn đứng vững?
Những đối tượng phạm tội rồi sẽ nhận sự trừng phạt thích đáng của pháp luật nhưng còn vô số nạn nhân là người bệnh ung thư và người nhà của họ thì thế nào đây? Ai là người bù đắp cho họ những tổn thất rất lớn về tiền bạc và tinh thần, kể cả cái chết khi họ bỏ ra nhiều tỷ đồng để mua phải thuốc giả hoặc “kém chất lượng” cũng thế để rồi “tiền mất, tật mang”! Đó là chưa kể đến những thiệt hại to lớn về sức khỏe, tính mạng, đạo lý mà xã hội phải gánh chịu.
Vụ án xảy ra tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa mới được xét xử với cáo buộc hai cựu Tổng Giám đốc và bộ sậu đã làm “bốc hơi” 17 nghìn tỷ đồng của những người lao động đóng bảo hiểm. Song vấn đề nhiều người quan tâm là ai sẽ trả lại cho quỹ bảo hiểm 17 nghìn tỷ đồng khi người cầm số tiền đó là cựu Tổng Giám đốc Công ty ALC II đã bị tuyên án tử hình?
Và, những vụ bán rẻ tài sản công ở Đà Nẵng, hóa “giá bèo” đất vàng ở TP. Hồ Chí Minh, những người có quyền ký bán ấy, họ bồi thường được bao nhiêu phần trăm giá trị của cải, tài nguyên mất mát mà chính họ gây ra?
Tương tự, có nhiều vụ tham nhũng, án kinh tế gây thiệt hại không biết bao nhiêu tiền của, tài sản của Nhà nước và nhân dân nhưng thu hồi thì rất ít ỏi.
Người phạm tội bị trừng phạt nhưng nếu không thu hồi lại được những gì họ đã chiếm đoạt thì công lý mới đi được nửa chặng đường và tất nhiên lẽ công bằng vẫn chưa được thiết lập tạo nên những bất công xã hội, thực sự trở thành chướng ngại vật trên con đường xây dựng một xã hội giàu mạnh, công bằng, dân chủ và văn minh.