AI chưa thể là chủ thể được nắm giữ quyền tác giả
AI tạo sinh là một công nghệ đột phá, không chỉ được cộng đồng sử dụng rộng rãi mà còn phổ biến cả ở trong giới khoa học và công nghệ - những người vô cùng hứng thú với tiềm năng thúc đẩy sự phát triển của khoa học trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, một số nhà lập trình, nhà văn, nhạc sĩ, họa sĩ... lại phản đối việc sử dụng những sản phẩm của họ làm dữ liệu huấn luyện cho các hệ thống AI tạo sinh cũng như phản đối các sản phẩm đầu ra của những hệ thống AI ấy - bởi vì họ vừa bị xâm phạm bản quyền khi sử dụng dữ liệu để huấn luyện AI, đồng thời các sản phẩm đầu ra của AI lại quay trở lại cạnh tranh hoặc thay thế các tác phẩm của họ.
Với tính chất xuyên biên giới của không gian mạng, hành vi vi phạm bản quyền diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều chủ thể từ các quốc gia khác nhau, gây khó khăn cho việc xác định và xử lý hành vi vi phạm trong thẩm quyền tài phán.
Tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số vừa diễn ra tại Hà Nội do Cục Bản quyền tác giả (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) phối hợp với Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới và Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc tổ chức, ông Trần Hoàng, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả cho hay, toàn thế giới đã thực sự bước vào thời đại của AI. Để không bị bỏ lại đằng sau, việc tiếp cận, từ góc độ kinh doanh, chính sách và pháp lý - bằng cách theo dõi sát sao và học hỏi từ những xu thế mới nhất của các nước dẫn đầu là điều không thể không làm.
Trong Hội thảo khoa học quốc gia “Ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sáng tác âm nhạc đương đại”, diễn ra tại Trường ĐH Văn Hiến (TP HCM) mới đây về vấn đề tác quyền, Đại tá - nhạc sĩ Nguyễn Mai Kiên lấy ví dụ với phần mềm Suno, phía Suno cho biết, nếu dùng mà không mua bản quyền thì chỉ được phép chia sẻ bài hát tạo ra từ AI này, không kinh doanh. Ngược lại, nếu người dùng mua bản quyền theo tháng thì sẽ được phép dùng ca khúc tạo ra để kinh doanh, kiếm tiền từ YouTube hoặc các nền tảng mạng khác. “Hiện nay, các điều luật về bản quyền chưa bắt kịp với sự phát triển của AI. Các tổ chức và nhà làm luật cần sớm đưa ra các quy định mới để bảo đảm quyền lợi cho các tác giả, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và phát triển của AI trong lĩnh vực công nghiệp văn hóa.
Bà Soyeong Ahn, Cục Bản quyền, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc nhấn mạnh tại Hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số. “AI sẽ là thách thức lớn đối với các vấn đề liên quan đến bản quyền. “Các dịch vụ AI tổng hợp đang phát triển không ngừng. Chat GPT hiện đã sẵn sàng để sử dụng trong sáng tạo nội dung. Những lo ngại về xung đột tiềm tàng với các hệ thống bản quyền truyền thống dựa trên sự sáng tạo của con người vẫn tồn tại. Đã đến lúc xác định các vấn đề và làm rõ khuôn khổ pháp lý để chuẩn bị cho kỷ nguyên AI”.
Theo các chuyên gia, việc theo dõi các chuyển động công nghệ và pháp lý liên quan đến AI là cần thiết bởi nắm bắt và hiểu được những xu hướng như vậy sẽ giúp các bên khác nhau chuẩn bị chu đáo hơn cho con sóng AI đang đến. Với các doanh nghiệp, chủ động xin phép hoặc đàm phán thỏa thuận thương mại để thu thập, sử dụng dữ liệu trong huấn luyện AI với các đối tác, dù trong hay ngoài nước là việc cần quan tâm để tránh rủi ro bị kiện tụng.
Điều 13 Luật Sở hữu trí tuệ quy định về chủ thể quyền tác giả bao gồm: “Tổ chức, cá nhân Việt Nam; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo công ước quốc tế về quyền tác giả mà CHXHCN Việt Nam là thành viên”. Như vậy, pháp luật hiện nay quy định chỉ có tổ chức, cá nhân hay con người mới là các chủ thể được nắm giữ quyền tác giả; các đối tượng như máy tính, robot hay AI chưa thể là chủ thể được nắm giữ quyền tác giả.
Để xem xét một sản phẩm mà AI tạo ra có đáp ứng yêu cầu để được bảo hộ quyền tác giả không, chúng ta cần dựa vào quy trình tạo ra một tác phẩm và so sánh quy trình một tác phẩm do con người tạo ra.
Vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD
Giá trị sản xuất của các ngành công nghiệp văn hóa Việt Nam giai đoạn 2018 - 2022 đóng góp ước bình quân đạt 1,059 triệu tỷ đồng (tương đương khoảng 44 tỷ USD). Tuy nhiên, tình trạng xâm phạm quyền tác giả, quyền liên quan đã ảnh hưởng tới môi trường sáng tạo, đầu tư, đặc biệt là đối với việc phát triển các ngành công nghiệp văn hóa.
AI - thách thức trong việc thực thi bản quyền trên môi trường số. (Ảnh: Internet). |
Với việc phát triển mạnh mẽ của các mạng xã hội như Facebook, TikTok, thì cũng xuất hiện nhiều video, các đoạn phim ngắn và việc bình luận phim, sách, truyện trên các nền tảng này cũng không hề có giới hạn. Điều đáng nói là những video ngắn này lại thu hút nhiều lượt xem. Những video trên danh nghĩa bình luận kiểu này đã tiết lộ những nội dung chính của phim. Hành vi này đã khiến đơn vị sản xuất thiệt hại không nhỏ.
Trung tâm Đo kiểm phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử - Cục Phát thanh truyền hình và thông tin điện tử, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng từng thông tin, tại Việt Nam có khoảng 100 trang web vi phạm bản quyền bóng đá với tổng cộng 1,5 tỉ lượt xem trong mùa giải 2022 - 2023. Đối với nội dung về phim và sản phẩm văn hóa khác như: phim số, nhạc số, truyện tranh, chương trình truyền hình… có khoảng 200 trang web lậu với khoảng 120 triệu lượt xem/tháng. Nhiều trang web có máy chủ đặt ở nước ngoài và biến đổi liên tục, gây khó khăn cho công tác phòng, chống xâm phạm bản quyền tác giả và quyền liên quan trên không gian mạng.
Các chuyên gia quốc tế nhận định, vi phạm bản quyền trong thời đại kỹ thuật số chủ yếu thể hiện ở hai phương thức: Nhà điều hành các trang web bất hợp pháp và người dùng bất hợp pháp. Nhà điều hành bất hợp pháp có cách thức hoạt động và hệ thống hiện đại, sử dụng máy chủ ở nước ngoài, áp dụng công nghệ số hiện đại nên khó chặn và theo dõi các trang web bất hợp pháp. Người dùng bất hợp pháp trước đây thường tải nội dung để sở hữu riêng hoặc chia sẻ với gia đình, bạn bè.
Việt Nam đứng thứ ba khu vực về tỷ lệ vi phạm bản quyền, với 15,5 triệu người thường xuyên truy cập các trang “web lậu”. Năm 2022, vấn đề vi phạm bản quyền khiến Việt Nam thiệt hại 350 triệu USD. Đây là thông tin được bà Sheila Cassells, Phó Chủ tịch điều hành, Liên minh Chống vi phạm bản quyền nghe nhìn London công bố trong báo cáo về các phương thức vi phạm bản quyền trực tuyến phổ biến tại hội nghị quốc tế về thực thi bản quyền trên môi trường số do Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Hàn Quốc phối hợp với Cục Bản quyền tác giả, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây tại Hà Nội.
Cục An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao cũng cho rằng, việc phòng, chống vi phạm bản quyền trên không gian mạng đang gặp nhiều khó khăn. Lý do là nguồn nội dung số có dấu hiệu vi phạm bản quyền trên không gian mạng là khổng lồ, phong phú và xuyên biên giới, thông qua các trang web đăng tải theo hình thức peer to peer, tội phạm dễ dàng tải về các nội dung đã đăng ký bản quyền, có giá trị. Tội phạm có tính ẩn danh cao.
Bà Phạm Thị Kim Oanh, Phó Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả đưa ý kiến: “Để chống xâm phạm bản quyền - bảo hộ quyền tác giả trên không gian mạng, cần phải nâng cao trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp, cảnh báo các doanh nghiệp không nên mua quảng cáo ở những trang web hoặc mạng xã hội vi phạm bản quyền... Các chủ thể quyền chủ động áp dụng các biện pháp công nghệ để bảo vệ quyền tác giả trong môi trường kỹ thuật số theo quy định pháp luật, phối hợp chặt chẽ với các cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc xử lý các hành vi xâm phạm quyền tác giả”.