Ai “tiếp tay” cho ông Hồ Xuân Mãn thành Anh hùng?

(PLO) - Trong quá trình tác nghiệp loạt bài này, phóng viên không hề nhận thấy sự hồ hởi từ những cựu binh dũng cảm đi tìm công lý. Bởi theo họ, cuộc đấu tranh này là cực chẳng đã vì dù sao ông Hồ Xuân Mãn cũng từng là đồng đội, đồng chí…
Các cựu binh làm việc với phóng viên sáng 28/10
Các cựu binh làm việc với phóng viên sáng 28/10
Nỗi trăn trở lớn nhất với họ là sự “hèn nhát” của nhiều lãnh đạo Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế khi đối diện tiêu cực và những người này không thể vô can.
100% Thường vụ đều nhất trí
Ông Hoàng Văn Phận, nguyên Trung đội trưởng Công binh lực lượng vũ trang huyện Phong Điền thời kỳ 1966 – 1967 cho rằng, danh hiệu cao quý của Nhà nước trao nhầm người, lỗi chính là ở người khai đã bịa đặt, nhưng cũng cần làm rõ trách nhiệm, sai phạm của cá nhân, tập thể vì sao không biết công trạng của ông Mãn thế nào mà cũng đặt bút phê, để lọt hồ sơ giả. 
Thậm chí, một số lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên Huế từng khẳng định việc xét tặng danh hiệu Anh hùng cho ông Mãn được thực hiện đúng quy trình, nguyên tắc. Thế nhưng, những cựu binh đứng đơn tố cáo nói hồ sơ này đi trái nguyên tắc, làm từ trên xuống chứ không phải từ dưới lên (cơ sở đề nghị, cấp trên xét duyệt). 
Ông Hoàng Phước Sum thẳng thắn: “Ông Hồ Viết Bá, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy, lúc đó là Chánh Văn phòng Tỉnh ủy đã ký xác nhận vào bản báo cáo thành tích của ông Mãn. Việc làm này không đúng thẩm quyền vì ông Bá không phải là cấp trên của ông Mãn và ông Bá cũng không hoạt động cùng thời với ông Mãn. 
Thượng tá Nguyễn Văn Lương, nguyên Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự (CHQS) huyện Phong Điền (đã nghỉ hưu) viết xác nhận: “Khi đang đương chức, là Chỉ huy trưởng, tôi có ký hồ sơ của ông Mãn và một số người khác. Tôi có đọc thành tích của ông ấy nhưng lâu rồi nên không nhớ hết”. 
Việc ký xác nhận thành tích này đáng ra phải có bản lưu tại Huyện đội, tuy nhiên, theo vị Thượng tá này thì ông chỉ biết ký chứ không có hồ sơ lưu. Còn Thiếu tướng Đặng Ngọc Nghĩa, nguyên Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Thừa Thiên Huế (giai đoạn 2005 – 2011, một trong 15 người thuộc Thường vụ Tỉnh ủy từng ký xác nhận hồ sơ cho ông Mãn) từng thừa nhận với báo chí: “Tôi ký vào tờ trình chấp hành theo Nghị quyết của Thường vụ Tỉnh ủy. Lúc đó 100% Thường vụ đều nhất trí, không ai phản đối gì. Ngành Quân đội làm chặt chẽ từ Ban CHQS huyện lên tỉnh, sau đó đề nghị ra Quân khu 4, Tổng cục Chính trị – Bộ Quốc phòng rồi Nhà nước. Lúc đó ông Mãn là Bí thư Tỉnh ủy, ông cũng có công qua hai nhiệm kỳ. Tôi là lớp hậu sinh, ông Mãn khai thế nào thì biết vậy và ông ấy phải chịu trách nhiệm về lời khai”.   
Theo tìm hiểu của PLVN, Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế lúc đó gồm 15 người là cán bộ chủ chốt của Đảng, chính quyền, lực lượng vũ trang và các ban, ngành của tỉnh, hiện đa số đều đang đương chức hoặc đảm nhận chức vụ cao hơn. Nhiều cựu binh đặt câu hỏi: 15 người nhất trí với hồ sơ của ông Mãn mà không phát hiện ra bất thường, không ai phản đối là không thể chấp nhận được? 
Ngay như đương kim Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế  Nguyễn Ngọc Thiện trả lời Báo PLVN trước đây cũng khẳng định quy trình xây dựng bộ hồ sơ đề nghị tặng danh hiệu anh hùng của ông Mãn được thực hiện chặt chẽ và đầy đủ theo các quy định. Nhưng khi sai phạm của ông Mãn được công bố, Bí thư Thiện nói sẽ xem xét trách nhiệm các cá nhân, tổ chức để có hình thức xử lý kỷ luật và thông tin cho báo chí, nhưng từ đó đến nay vẫn chưa thấy gì.
Chiều 27/10, phóng viên liên lạc qua điện thoại với ông Bùi Thanh Hà, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế để nắm thông tin thì ông Hà nói: “Việc này của Thường vụ, không phải của Ủy ban Kiểm tra, anh điện cho Thường vụ ấy”. 
Chúng tôi liên lạc với ông Trần Thanh Bình, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy nhưng ông Bình bảo đang bận họp, sẽ gọi lại sau. Chờ mãi không thấy ông Bình gọi, chúng tôi gọi lại để đặt lịch làm việc thì ông Bình không nghe máy.
Quyết định của Chủ tịch nước đem lại niềm tin cho đảng viên, nhân dân
Để viết loạt bài này, chúng tôi đã gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều cựu chiến binh, cán bộ cấp cao nghỉ hưu thì tất cả họ đều cho rằng Quyết định của Chủ tịch nước Trương Tấn Sang là hoàn toàn đúng đắn, được cán bộ, đảng viên và nhân dân đồng tình ủng hộ. Tuy nhiên, họ trăn trở là vì sao một cán bộ cao cấp của Đảng, một người đứng đầu Đảng bộ tỉnh lại có thể vi phạm đạo đức, không trung thực đến vậy? Có phải đó là sự suy thoái về đạo đức, khó phát hiện hay là sự đánh giá, lựa chọn, sử dụng cán bộ đã không đúng ngay từ đầu? 
Họ nhắc lại rằng, trong 17 thành tích do ông Hồ Xuân Mãn báo cáo chỉ có 2 thành tích là đúng, 7 thành tích chưa chính xác và 8 thành tích là khai man. Nhiều câu hỏi được các cựu binh xoay quanh là trong suốt những năm công tác, có bao nhiêu thành tích, bao nhiêu vấn đề ông Mãn báo cáo không đúng sự thật? Có ảnh hưởng xấu đến người khác, đến tập thể không?
Quyết định của Chủ tịch nước huỷ bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân đối với ông Mãn không chỉ cảnh tỉnh các cơ quan thi đua mà cả các cơ quan làm công tác cán bộ cũng cần thận trọng; đồng thời cảnh báo mỗi cán bộ, đảng viên phấn đấu, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất, tư cách suốt đời. Nếu người cán bộ, đảng viên không tự giác làm tấm gương để soi chính mình, tự làm trong sạch, chỉ muốn “đánh bóng” để người khác soi, lại không bị các cơ quan có trách nhiệm, thẩm quyền thường xuyên nhắc nhở, lau vết bẩn thì chắc chắn sẽ chỉ trở thành tấm gương mờ, phản tác dụng, không chỉ có hại cho công việc chung mà có hại cho chính bản thân mình.

Đọc thêm