Đi đòi công bằng cho đồng đội

(PLO) - Những ngày qua, dư luận xôn xao trước việc Chủ tịch nước ký quyết định thu hồi danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân của nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế - ông Hồ Xuân Mãn. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, để đưa ra ánh sáng sự gian dối của vị từng đứng đầu đất Thần kinh, những cựu binh đã phải chịu nhiều sức ép, đe dọa như thế nào.
Các cựu binh đứng đơn tố cáo ông Hồ Xuân Mãn
Các cựu binh đứng đơn tố cáo ông Hồ Xuân Mãn
Những tưởng với cương vị cao phải gương mẫu, nhưng nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế Hồ Xuân Mãn lại man khai thành tích để được phong tặng danh hiệu khiến nhiều đồng đội, đồng chí đau lòng. Đáng nói, 4 năm về trước họ đã có đơn kiến nghị nhưng cơ quan chức năng địa phương vẫn “lặng như tờ”, cực chẳng đã họ phải đưa sự việc lên cấp cao hơn…
Những lời khai chà đạp lên đồng đội
Trở lại với năm 2010 tại Đại hội Thi đua yêu nước tỉnh Thừa Thiên Huế lần thứ Ba ngày 21/8/2010, ông Hồ Xuân Mãn được Nhà nước trao tặng danh hiệu Anh hùng nói trên. Trước thông tin này, nhiều người dân Huế xem đây là vinh dự lớn không chỉ của ông Mãn mà đối với nhân dân vùng đất Cố đô. Tuy nhiên, đối với những cựu binh đã từng một thời “vào sinh ra tử” với ông Mãn thì đây là một sự cướp công, bởi toàn bộ 17 thành tích ông Mãn khai phần lớn là khai man, không đúng sự thật.
Chúng tôi xin điểm qua những “thành tích nổi bật” mà ông Mãn đã khai để thấy rằng sự gian dối này đã chà đạp lên anh linh những người đã khuất, xem thường đồng chí, đồng đội đã cùng “chung mâm, chung chiếu” với ông thời lửa đạn.“Năm 1968, tôi chuyển qua Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang làm nhiệm vụ đặc biệt giải phóng Huế và đã cùng đơn vị bám trụ chiến đấu đến ngày cuối cùng (26 ngày đêm) mới rút ra khỏi địa bàn thành phố. Đặc biệt, trong thời gian tấn công vào thành Huế được phân công trinh sát các mục tiêu trọng điểm như Ty Cảnh sát ngụy, Dinh Tỉnh trưởng, Lao Thừa Phủ... Được sự giúp đỡ của tiểu đội đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau chiến dịch Mậu Thân, Tiểu đoàn được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang (AHLLVT) nhân dân. Cá nhân được nhận danh hiệu “Dũng sỹ diệt Mỹ, diệt ác ôn” và Huy hiệu “Tấn công, nổi dậy, anh dũng, kiên cường”. 
Về thành tích này, ông Nguyễn Trung Chính, Nguyên Phó ban An ninh Thành ủy Huế, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 và ông Trần Phong, nguyên Chính trị viên Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang, AHLLVT khẳng định ông Mãn không có tên trong biên chế của Tiểu đoàn An ninh trinh sát vũ trang TP.Huế. Tiểu đoàn này có danh sách 59 người hiện vẫn còn sống và không có tên ông Mãn. Trong chiến dịch Mậu Thân đánh Huế chỉ có Tiểu đoàn 815 của Trung đoàn 9, Tiểu đoàn Trinh sát vũ trang chỉ có 7 chiến sỹ tham gia cùng Tiểu đoàn 815, trong 7 chiến sỹ này không có tên ông Mãn.
Ông Mãn khai: “Năm 1969, ông được phân công về Huyện đội Phong Điền và trực tiếp bám trụ địa bàn xã Phong An, giữ chức vụ Xã đội trưởng kiêm Trưởng Công an xã Phong An”. Nhưng theo ông Hoàng Phước Sum (Đội trưởng Đội An ninh huyện Phong Điền 1971- 1975, nguyên Trung tá Công an Thừa Thiên Huế) thì thời gian này, Xã đội trưởng xã Phong An là ông Thái Công Oanh. Từ năm 1969 đến tháng 9/1970, ông Mãn đang ở Quảng Bình để an dưỡng và học tập chính trị, quân sự cùng với ông và nhiều đồng chí khác. Sau khi về lại quê nhà từ tháng 3 đến cuối tháng 11/1971, ông Mãn đi làm công vụ cho ông Lê Sáu (Bí thư Huyện ủy Phong Điền) một thời gian thì bỏ về nên không có chuyện làm Xã đội trưởng và Trưởng Công an xã.
Cũng theo bản khai của ông Mãn: “Năm 1972 trực tiếp chỉ huy tổ trinh sát 3 đồng chí cải trang lính dù ngụy ngay ban ngày trong ấp chiến lược Phò Ninh, xã Phong An tiêu diệt tên ác ôn Hoàng Sớm và 5 tên khác gồm một phó ty chiêu hồi, một ấp phó, 2 cảnh sát và một địa phương quân làm nức lòng quần chúng nhân dân”. Nhiều cựu binh cho rằng, trận đánh này không đúng như ông Mãn khai, vì trận đánh ấy  bị Huyện ủy Phong Điền lúc đó phê bình  không nắm chắc địa bàn, đã làm tổn thất nhiều sinh mạng. Cụ thể, chỉ tiêu diệt được tên Hoàng Sớm, còn 5 tên khác là không có thật. Ngoài những “thành tích” nói trên, ông Mãn còn khai nhiều nội dung không đúng sự thật khác.
Quyết đi tìm sự thật
Sau khi ông Mãn được phong AHLLVT, ông Lê Văn Uyên, nguyên Huyện ủy viên, Trưởng ban Tổ chức huyện Phong Điền (1968 – 1975); ông Hồ Văn Nghĩa, nguyên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Phong Điền (1969 – 1973) và nhiều vị lão thành cách mạng, cựu chiến binh đã có ý kiến gửi Thường vụ Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đề nghị xem xét lại quy trình cũng như thành tích của ông Mãn, nhưng không được xem xét. 
“Thực hiện Nghị quyết TW lần thứ 4 của Ban Chấp hành TW Đảng khóa XI, vì mục đích bảo vệ sự trong sạch của Đảng, bảo vệ danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam, chúng tôi nhận thức rõ bất kỳ ai lợi dụng làm mất uy tín của Đảng, của Quân đội, chúng tôi quyết đấu tranh đến cùng không khoan nhượng” - ông Hoàng Phước Sum thẳng thắn. 
Dù cuộc đấu tranh của họ được đông đảo quần chúng ủng hộ nhưng có người cho rằng ông Mãn làm Bí thư Tỉnh ủy, Ủy viên Trung ương Đảng 2 nhiệm kỳ, nên đụng đến ông là đụng tới “quyền và tiền”, thế nên việc đấu tranh này chẳng khác nào “châu chấu đá voi”. 
Nhưng với tinh thần quả cảm của những người lính đã từng xông pha trận mạc, “chúng tôi không buông súng, quyết đi đến tận cùng sự thật. Trong chiến tranh chúng tôi không sợ chết, nay vì việc này mà không dám đấu tranh sẽ có tội với linh hồn đồng đội đã khuất” - ông Ngô Thanh Vấn, nguyên trinh sát đặc công phân khu Bắc Trị Thiên nói.
Tuy nhiên, để chứng minh được sự gian dối của ông Mãn, các cựu binh cần có chứng cứ cụ thể là trong bản thành tích ông Mãn đã khai những gì? Câu hỏi này đối với những cựu binh chẳng khác nào “mò kim đáy bể”, nhưng rồi việc gì đến rồi cũng sẽ đến, khi có được trong tay bản thành tích của vị nguyên Bí thư Tỉnh ủy đầy quyền lực này, các cựu binh họp bàn nhau viết đơn thư tố cáo lên Bộ Chính trị về hành vi gian dối này. 
Hành trình đi tố cáo vụ ông Hồ Xuân Mãn gặp những khó khăn, nguy hiểm gì? Họ có tiếp tục đấu tranh với những việc làm mờ ám khác của ông Mãn nữa không? Bạn đọc đón xem số báo ra ngày mai.

Đọc thêm