Bị đe dọa vẫn không chùn bước

(PLO) - “Dù bị hăm dọa trả thù nhưng chúng tôi không sợ. Là người lính từng vào sinh ra tử, đã cầm súng lên là chúng tôi chiến đấu tới cùng...” là khẳng định của nhiều cựu binh đứng đơn tố cáo ông Hồ Xuân Mãn man khai hồ sơ  làm dậy sóng đất Cố đô những ngày qua. 
Cựu binh Hoàng Tiến Dũng (đứng) trong buổi làm việc với PV
Cựu binh Hoàng Tiến Dũng (đứng) trong buổi làm việc với PV
Từng góp ý, nhưng đồng chí ấy không nghe!
Liên quan đến việc ông Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế đã man khai hồ sơ để được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, không chấp nhận sự thiếu trung thực và quyết đấu tranh tới cùng để bài trừ cái xấu, hơn hai mươi cựu chiến binh, cán bộ hưu trí ở huyện Phong Điền và tỉnh Thừa Thiên Huế vốn là đồng đội, đồng chí của nguyên Bí thư tỉnh này đã vào cuộc đấu tranh.
Là những người lính, cán bộ về hưu, mỗi người sống mỗi nơi, khi thông tin ông Mãn được phong Anh hùng, nhiều người cùng hoạt động với ông này hết sức bất ngờ. Bởi nếu ông Mãn được phong Anh hùng thì sẽ có hàng chục đồng chí khác cũng được phong vì công trạng của ông Mãn không có gì nổi bật. Không ai bảo ai, họ liên lạc rồi tìm đến nhau để bàn bạc, trao đổi, phân tích thiệt, hơn về lý, về tình để xem có cần thiết phải đấu tranh hay không? 
Ông Hoàng Tiến Dũng, nguyên Đại đội phó Lực lượng vũ trang Huyện đội Phong Điền thời kỳ 1967 – 1975 cho biết: “Dù sao ông Mãn cũng là đồng chí, đồng đội với chúng tôi trước đây, nếu làm lớn chuyện thì “xấu chàng hổ ai” nên chúng tôi rất cân nhắc. Chúng tôi họp bàn nhiều lần và phương án trước mắt là đề nghị ông Mãn làm đơn rút khỏi danh hiệu Anh hùng nhưng ông ấy quyết không rút, còn thách thức, buộc lòng chúng tôi phải lên tiếng”. 
Trong quá trình gửi đơn tố cáo, những cựu binh này đã gặp phải rất nhiều khó khăn: Ai sẽ là người đứng ra thu thập tài liệu, chứng cứ, xác minh, in ấn tài liệu, rồi vấn đề tài chính để đi lại. Liệu việc tố cáo này có đi đến đích hay không khi ông Mãn vẫn còn đương chức? Trước những thách thức đó, họ có niềm tin vào Đảng, vào đồng chí, đồng đội nên mỗi người tự nguyện đóng góp một ít để thực hiện công việc này.
 Khi những lá đơn đầu tiên gửi đi, các cựu binh ngày đêm thấp thỏm chờ đợi sự trả lời của Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế, nhưng sự việc rơi vào im lặng. Ông Ngô Thanh Vấn, nguyên trinh sát đặc công phân khu Bắc Trị Thiên nhớ lại: “Nhiều người dân gặp tôi hỏi vụ việc có lúc nào bị “chìm xuồng” không? Tôi trả lời: “Đua ghe thì có lúc ghe chìm, còn với chúng tôi đã là người lính, khi cầm súng lên là không bỏ súng”.
Không những đơn gửi đi không thấy hồi âm, các cựu binh còn liên tục bị đe dọa, trấn áp. Nhưng với lời thề “đã đi là đến đích”, họ không chùn bước. Một câu chuyện mà ông Hồ Văn Nghĩa, nguyên Thường vụ Huyện ủy, Trưởng ban An ninh huyện Phong Điền từ năm 1969 – 1973, đồng thời là vai trên trong dòng họ Hồ của ông Mãn kể cho chúng tôi nghe để thấy rằng việc làm của ông Mãn kể cả người thân trong dòng tộc cũng không chấp nhận được: “Vào ngày 8/3/2013, ông Mãn đi với ông Hồ Bê, Bí thư Huyện ủy Phong Điền vào nhà tôi bảo tôi ký vào một tờ giấy trắng và nói để di dời cột điện. Tôi tin, bởi ông Mãn và ông Bê là cháu trong họ. Khi tôi ký xong thì bà con trong thôn phát hiện tờ giấy này treo ở nhà thờ họ với nội dung tôi, Hồ Văn Nghĩa không kiện cáo ông Mãn nữa... Hai ngày sau, khi tôi đang đứng giữa sân thì có hai thanh niên bịt mặt xông vào hỏi: “ông có phải là Nghĩa không”, dứt lời họ chỉ thẳng vào mặt tôi nói đừng kiện ông Mãn nữa rồi vung dùi đánh tôi hai cái vào lưng rồi bỏ chạy”.
Cựu binh Hoàng Tiến Dũng cũng từng bị nhắn tin đe dọa với nội dung không được kiện cáo, nếu không sẽ bị giết... Ngoài những lần bị đe dọa trên, các cựu binh cho biết có một số cán bộ đến tận nhà để khuyên đừng gửi đơn khiếu nại nữa và có những lời hăm dọa... nhưng họ đã lầm. “Trong chiến tranh chúng tôi không sợ chết thì việc gì chúng tôi phải sợ những trò trẻ con như thế” - ông Hoàng Phước Sum, nguyên Đội trưởng An ninh huyện Phong Điền 1971 - 1975 nói.
Sự thật được phơi bày
Thấy gửi đơn cho địa phương không được giải quyết, các cựu binh đã gửi đơn ra Trung ương (T.Ư) và Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã vào cuộc. Ngày 11/4/2013, đoàn cán bộ của Ủy ban Kiểm tra T.Ư do ông Lê Hồng Liêm - Phó Chủ nhiệm dẫn đầu đã có buổi làm việc với ông Hoàng Tiến Dũng. Tại buổi làm việc, ông Dũng đã trình bày những chứng cứ chứng minh 17 điểm thành tích trong hồ sơ phong tặng danh hiệu Anh hùng của ông Mãn là bịa đặt và cướp công. 
Ông Lê Hồng Liêm hoan nghênh tinh thần xây dựng Đảng của ông Dũng và đề nghị cung cấp các chứng cứ. Ngày 22/11/2013, Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã thông báo kết quả Kỳ họp thứ 21 của Ủy ban diễn ra từ ngày 11 đến ngày 20/11 đối với trường hợp ông Mãn như sau: Đồng chí Hồ Xuân Mãn, nguyên Ủy viên T.Ư, nguyên Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế có khuyết điểm, vi phạm phải được xem xét, xử lý theo quy định. 
Tiếp đó, ngày 24/10/2014, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã ký Quyết định số 2721 hủy bỏ Quyết định phong tặng danh hiệu Anh hùng đối với ông Mãn. Kết quả này là quá trình dũng cảm đấu tranh của những cựu chiến binh, cán bộ hưu trí là “nhân chứng sống” để chống lại tiêu cực, bảo vệ công lý, đem lại sự trong sạch cho Đảng, thực hiện theo Nghị quyết T.Ư 4 của Đảng.
Dù cuộc đấu tranh đã về đến đích nhưng những cựu binh vẫn còn trăn trở vì sao những bức tâm thư đầy trách nhiệm của họ đối với việc khai man của ông Mãn không được các cơ quan chức năng địa phương xem xét, trả lời? Phải chăng ông Mãn với 10 năm trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy đã khiến cán bộ của mình không ai dám nói lên sự thật?
Kiến nghị của những cựu chiến binh nêu rõ: “Vì sự trong sáng của Đảng, chúng tôi không thể để ông Hồ Xuân Mãn dối dân, lừa Đảng. Vì danh giá, phẩm chất của người Anh hùng Lực lượng Vũ trang nhân dân, chúng tôi không thể để ông Mãn làm ô danh những người anh hùng. Vì máu xương biết bao đồng đội đã ngã xuống, chúng tôi yêu cầu Ủy ban Kiểm tra Trung ương làm rõ thành tích của ông Hồ Xuân Mãn”.

Đọc thêm