Loài “thủy quái” được biết đến với cái tên Oarfish – “rồng biển” vốn được xem là một trong những sinh vật kỳ lạ bậc nhất của đại dương. Theo truyền thuyết Phương Đông, mỗi khi “rồng biển” xuất hiện sẽ mang theo sự giận dữ của biển.
Thời khắc “rồng biển” xuất hiện
5h30 ngày 8/5, một con cá có chiều dài 2,2m, nặng khoảng 20kg, trên lưng có một dãy vây màu đỏ, thân có những chấm xanh sẫm, phần đầu có những chùm râu màu nâu đỏ chết trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh.
Theo những người đi biển thì loại cá này có thân giống với cá hố, nhưng phần đầu, vây và râu lại khác thường. Suốt nhiều năm đi biển họ đều chưa từng gặp.
Ông Nguyễn Văn Thanh – Chủ tịch UBND xã Cương Gián xác nhận thông tin trên và cho biết: Sau khi chính quyền nhận được tin báo, xem xét hiện trường đã giao lại cho người dân chôn cất. Cụ thể, những người cao tuổi trong thôn sẽ tổ chức chôn cất con cá lạ tại đền Ông Cá của làng.
Đền Ông Cá là nơi để ngư dân trong thôn chôn cất các loại cá lớn trôi dạt vào bờ biển.
Cá Oarfish trôi dạt vào bờ biển Hà Tĩnh ngày 8/5 |
Bởi theo người dân địa phương những loài cá lớn thường rất linh thiêng, đối với ngư dân đi biển việc chôn cất những con cá lớn chết trôi dạt vào bờ là vô cùng quan trọng. Đây cũng được coi là phong tục truyền thống của người dân địa phương.
Theo nhận định, chú cá này chính là Oarfish, tên khoa học là Regalecus glesne, một trong những sinh vật bí ẩn nhất đại dương. Câu chuyện về Oarfish được biết đến từ truyền thuyết của người dân Nhật Bản, nhiều người dân Nhật Bản tin rằng, xác cá Oarfish trôi vào bờ là điềm báo sắp có động đất.
Những lần dự báo động đất của “rồng biển”(!?)
Trong truyền thuyết Nhật Bản, cá Oarfish đóng vai trò như một thông điệp cảnh báo từ biển cả. Bất cứ khi nào chúng xuất hiện trên các bãi biển của Nhật Bản thì một trận động đất xảy ra.
Từ tháng 12/2009 đến tháng 3/2010, số lượng Oarfish dòng Regalecus glesne chết nhiều bất thường được tìm thấy trên các bờ biển của Nhật Bản.
Tờ Daily Telegraph và Japan Times đặc biệt cảnh báo về dấu hiệu của sự chết chóc sắp diễn ra. Không lâu sau đó, động đất đã xảy ra tại Haiti, Chile làm hơn 200.000 người thiệt mạng và hơn 3 triệu người khác bị ảnh hưởng.
Sự việc trên tiếp tục được lặp lại đúng một năm sau đó và nạn nhân lần này chính là Nhật Bản.
Trận động đất, sóng thần Tohoku 2011 lớn nhất lịch sử với 15.893 người chết, 6.152 người bị thương và 2.572 người mất tích ở 18 tỉnh của Nhật Bản, cùng với đó 125.000 công trình bị phá hủy đã trở thành ký ức kinh hoàng với người dân Nhật Bản. Oarfish chính thức trở thành nỗi ám ảnh của người dân Nhật Bản.
Không chỉ Nhật Bản, Hoa kỳ cũng đã ghi nhận những trường hợp tương tự. Trước khi thảm họa xảy ra, ít nhất có 2 cá thể Oarfish chết trôi dạt vào bờ biển bang California được ghi nhận.
Suy đoán được đưa ra về một trận động đất sắp xảy ra, bởi cá Oarfish có thể đã bị những rối loạn dưới nước hoặc những xung đột từ đáy biển gây chết, bởi các cá thể khi được phát hiện hoàn toàn không có bất kỳ dấu hiệu nào của chấn thương hay bệnh tật. Sau rất nhiều cảnh báo, nhiều người đã tránh được trận động đất xảy ra sau đó.
Vì vậy, việc loài “thủy quái” này bất ngờ trôi dạt vào vùng biển Việt Nam đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, thậm chí có không ít người đã chuẩn bị cho trường hợp xấu nhất xảy ra.
Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có bằng chứng khoa học nào cho thấy sự liên quan giữa Oarfish và động đất. Truyền thuyết về việc Oarfish có thể dự báo động đất hay không trở thành một bí ẩn thu hút dư luận.
Chỉ là sự trùng hợp
Mặc dù những lần xuất hiện của “rồng biển” là vô cùng hiếm hoi. Tuy nhiên, tại Việt Nam cũng đã nhiều lần ghi nhận sự xuất hiện của Oarfish kể cả lúc sống, lẫn khi đã chết.
Tháng 6/2014, câu chuyện về một cần thủ “săn” được “rồng biển” tại Đà Nẵng trở thành một kỳ tích có một không hai, đi cùng với thành tích đáng nể trên cũng là vô số lời đồn về một cơn địa chấn.
Tiếp đó, ngày 12/5 tại vùng biển Quảng Bình cũng đã ghi nhận một chú cá lạ dài hơn 4m trôi dạt vào bờ biển Trung Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình chính là Oarfish. Thời điểm ấy, sự việc trên cũng gây không ít hoang mang cho nhiều người. Nhưng sau cả hai sự việc trên đã không xảy ra bất kỳ một trận động đất hay sóng thần nào.
Chính vì vậy, việc “rồng biển” xuất hiện tại vùng biển Hà Tĩnh thời gian vừa qua có lẽ cũng chỉ là sự trùng hợp.
Thảm họa động đất và sóng thần Tohoku 2011 xảy ra tại Nhật Bản đã được lý giải là do sự va đập kiến tạo giữa Bắc Mỹ và Thái Bình Dương.
Nhật Bản vốn là nơi vỏ Trái đất kém ổn định, với việc cứ vài phút lại xuất hiện dư chấn hay một trận động đất nhỏ nên việc Oarfish có mối liên hệ với động đất thực sự không thuyết phục.
Còn vụ động đất ở Haiti, lại càng khó để thuyết phục hơn khi mà Haiti là một đất nước thuộc Mỹ latinh, khó có thể có gì đó liên quan tới Nhật Bản.
Trao đổi với đại diện Trung tâm Báo tin động đất và Cảnh báo sóng thần – Viện Vật lý địa cầu, cơ quan chịu trách nhiệm theo dõi, phân tích, cảnh báo sóng thần cũng bác bỏ thông tin sắp xảy ra một trận động đất.
Có lẽ, việc Oarfish thường được liên tưởng tới quái vật biển, chuyên đánh đắm tàu bè theo truyền thuyết của Nhật Bản đã khiến loài động vật vốn không gây nguy hiểm cho con người này trở thành “điềm chẳng lành” đến từ đại dương.
Oarfish – “Rồng biển”
Thuật ngữ Oarfish thường được dùng để ám chỉ tới hoặc thân hình có độ mỏng, hình thon dài hoặc sự nghi ngờ về cách bơi trong nước nhờ vào 2 vây trông giống khung xương chậu của chúng. Tên dòng Regalecidae có nguồn gốc từ tiếng Latinh có nghĩa là “ hoàng gia”. Sự mắc cạn của Oarfish thường là sau cơn bão và thói quen nằm dài trên mặt nước cho thấy chúng đang bị ốm hoặc sắp chết. Khiến cho nó dễ dàng là nguồn cho nhiều câu chuyện kỳ lạ.
Oarfish là loài cá có kích thước khổng lồ, thân hình thon dài, là động vật sống ở vùng biển sâu thuộc họ Regalecidae, được tìm thấy ở các vùng biển ôn đới và nhiệt đới nhưng rất hiếm gặp. Gia đình Oarfish có 4 loài thuộc 2 chi. Một trong số đó là Regalecus glensne, loài có xương dài nhất còn sống. Một Oarfish trưởng thành có thể dài tới 11m. Hiện vẫn chưa đủ tư liệu để kết luận đây là loài cá dài nhất thế giới, vì mới chỉ có duy nhất một tin đồnchúng dài 17m, trong khi mẫu vật lớn nhất được ghi nhận thuộc loài Regalecus russelii là 5,4 m. Chiều dài này chỉ mang lại vị trí thứ 3 sau cá voi xanh và cá nhà táng.
Vây lưng bắt đầu từ vùng trên của mắt và chạy dọc theo chiều dài của cá. Ước tính khoảng 400 tia vây lưng, 10 -13 tia vây đầu tiên mỏng và kéo dài trông giống “kiểu tóc” tôn tạo quý phái với những đốm màu đỏ. Số tia vây ngực được giảm đi rất nhiều và nằm thấp trên cơ thể và không có vây hậu môn. Tất cả vây đều không có cạnh sắc. Các nhà nghiên cứu ở New Zealand, mô tả các cá oarfish có khả năng gây “ sốc điện “ khi chạm vào.