[links()]Vẫn biết rằng, lương hưu là sự ưu việt của tiến trình phát triển xã hội, nhằm đảm bảo cuộc sống cho người lao động khi về già. Thế nhưng, hiện nay với biến động xã hội, giá cả tăng không ngừng, lương hưu đã không còn vai trò là chỗ dựa cho người hưu trí. Cầm những đồng lương ít ỏi trên tay, không ít người già lo lắng: biết sống thế nào đây cho tới lần lương tới?.
|
Một điểm phát lương cho cán bộ hưu trí |
1. Lên thành phố từ hơn chục năm nay với nghề đồng nát, vệ sinh nhà cửa theo giờ, bà Nguyễn Thị Dung (ở Thiên Trường, Nam Định) đã chứng kiến nhiều sự quá quắt của người thành phố. Nhưng với mục tiêu mưu sinh, bà buộc mình phải nhịn nhục.
Nhưng, lần này bà đã phải bật khóc khi bị “cô chủ trẻ” nghi ngờ. Câu chuyện lẫn trong nỗi oan ức của bà Dung đã miêu tả lại cuộc sống của một đời người. Là thanh niên xung phong, hết chiến tranh trở về quê nhà, bà Dung làm công nhân ở một công ty may và về hưu với đồng lương hưu còm cõi.
Sau mấy lần Nhà nước điều chỉnh, lương hưu của bà Dung cũng tăng được hơn triệu đồng một tháng. Nhưng với cuộc sống bây giờ, kể cả ở nông thôn, số tiền đó chẳng thấm vào đâu. Không muốn nhờ vả nhiều vợ chồng hai đứa con trai, bà Dung đành bươn chải lên thành phố tự lo cho cuộc sống già của mình.
2. Về hưu năm 1974 từ công việc cấp dưỡng của một công ty xây dựng, lương hưu của bà Nguyễn Thị Xuân (ở quận Hai Bà Trưng, HN) thời đó là mấy chục đồng. Giờ đây, hàng tháng lĩnh khoản lương hưu 2,2 triệu một tháng, đưa cho con dâu 1 triệu để phụ giúp chợ búa, bà Xuân sợ nhất mùa cưới và những ngày tết thiếu nhi.
“Người ta quý báu mới mời mình, không đi không được, đi thì thật tủi với cái phong bì nhẹ tiền. Với cháu cũng vậy, trẻ con đứa nào chẳng thích được bà cho quà. Nhưng lấy đâu ra nhiều tiền để mua quà đẹp cho cháu”, bà Xuân cho biết.
Mấy tháng gần đây, huyết áp bất ổn, bà Xuân phải thường xuyên đi khám, mua thuốc uống. Nhiều lúc thiếu tiền mà bà không dám xin con, “vì lương hai vợ chồng chúng nó công chức tháng nào cũng thiếu trước hụt sau”.
3. Nhà văn Trần Ngọc Lân đã từng cám cảnh tuổi già bằng câu hỏi: Tuổi già sợ nhất điều gì?. Trong muôn vàn nỗi sợ như: sợ bệnh tật, sợ con cái hắt hủi không còn coi trọng mình, sợ chết… thì còn có một nỗi sợ cũng không kém phần khủng khiếp.
Đó là nỗi sợ của những người già không có lương hưu, hoặc có nhưng lương hưu quá ít không đủ sống mươi lăm ngày. Dẫu rằng pháp luật có lời bênh vực “người già được quyền nghỉ ngơi, được quyền hưởng thụ, được quyền chăm sóc” nhưng tiền vừa lĩnh xong chưa qua nửa tháng đã chẳng còn, tích lũy không có, con cái lại khó khăn chẳng muốn làm phiền thì…. “thôi rồi cuộc đời sẽ chìm trong nước mắt”, đó là chữ dùng của nhà văn Trần Ngọc Lân.
4 Những mảnh đời xoay quanh “nỗi khổ… lương hưu” trên đây cho thấy, với biến động xã hội, giá cả tăng không ngừng, lương hưu đã không còn giữ nổi vai trò là chỗ dựa cho người hưu trí. Rất nhiều người già đã và đang phải tiếp tục lao động với thu nhập thấp để đảm bảo cuộc sống. Lương hưu ít, sống bấp bênh, nhiều người đã không tránh khỏi suy nghĩ: thân phận mình chẳng khác quả chanh, khi nước đã bị vắt kiệt, thì vỏ lắt lay…
Hồng Minh Dương