Không kịp nhìn mặt con
Chưa khi nào xã Nghĩa Hà rơi vào cảnh đau thương như thế. 9 cái chết, 9 nỗi đau bao trùm cả cái làng bé nhỏ ấy trong cùng cực. Mới đầu hè, ve chưa kêu, sao các em vội vã lìa xa cuộc đời... Nỗi đau còn đó, dòng sông Trà Khúc không còn hiền hòa, bình lặng nữa mà trở thành một ám ảnh khó nguôi ngoai trong lòng những người còn sống.
Sáng 19/4, buổi chào cờ đặc biệt diễn ra vào sáng thứ ba tại Trường THCS Nghĩa Hà (TP Quảng Ngãi), Ban Giám hiệu trường và các em học sinh dành một phút mặc niệm cho 9 cậu học trò xấu số. Sau ba ngày nghỉ lễ, lớp 6B từ sĩ số 36 chỉ còn lại 27 em, 9 thành viên đã ra đi vĩnh viễn vào buổi chiều 15/4 tại đoạn sông Trà Khúc oan nghiệt chảy qua xã. Nỗi đau ấy vẫn còn nguyên vẹn trên từng khuôn mặt non nớt của học sinh toàn trường.
Trước đó, vào chiều 15/4, tại khu vực sông Trà Khúc (thôn Thanh Khiết, xã Nghĩa Hà, huyện Tư Nghĩa, tỉnh Quảng Ngãi) 9 học sinh lớp 6B, trường THCS Nghĩa Hà rủ nhau ra bờ sông chơi, sau đó tất cả đều bị đuối nước. Ông Trần Thanh Trạng, Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà cho biết: “Vụ đuối nước xảy ra vào giờ trưa, ít người qua lại nên dẫn đến hậu quả nghiêm trọng. Phần lớn các cháu có hoàn cảnh gia đình khó khăn. 7/9 học sinh cha mẹ đi làm ăn xa, từ nhỏ ở cùng ông bà nên thiếu sự quan tâm, chăm sóc của cha mẹ. Nhiều cha mẹ trở về không kịp nhìn mặt con...”.
Và chưa dừng lại ở đó, tối 16/4, ông Phạm Tấn Hoàng, Chủ tịch UBND TP Quảng Ngãi xác nhận thông tin có hai cháu bé ở xã Tịnh Khê chết đuối. Khoảng 18h cùng ngày, người dân phát hiện thi thể hai cháu bé là Võ Tùng Lâm (4 tuổi) và Võ Thị Linh Nhi (2 tuổi) là con của anh Võ Thanh Tùng và chị Trần Thị Nga (thôn Trường Định, xã Tịnh Khê, TP Quảng Ngãi) chết dưới hầm vệ sinh có nước đang trong giai đoạn thi công tại nhà ông Nguyễn Đắc Nam (cùng thôn).
Cùng ngày, tại xã Ba Động, huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) xảy ra một vụ chết đuối. Nạn nhân là Trần Văn Minh (17 tuổi, xã Nghĩa Điền, huyện Tư Nghĩa), chết đuối trong lúc tắm suối ở xã Ba Động. Người dân địa phương sau đó lặn tìm và vớt được xác của Minh. Cái chết của các em đã thêm một lời cảnh báo về trách nhiệm của người lớn trong việc quản lý, giáo dục và bảo vệ con trẻ.
Đợi đến bao giờ?
Không phải đến lúc 9 em học sinh ra đi tức tưởi, người ta mới ồn ào chuyện nên đưa môn bơi lội vào chương trình học bắt buộc. Bộ GD- ĐT cùng các cơ quan chức năng đã lên kế hoạch dạy bơi cho trẻ tiểu học từ năm 2010, tuy nhiên, triển khai chương trình phổ cập bơi cho trẻ vẫn “nằm trên giấy”. Trong chương trình THCS, môn bơi được đưa vào cũng chỉ là môn học tự chọn bên cạnh các môn khác: bóng bàn, bóng rổ, cầu lông...
Thế nên, đợi đến bao giờ những dự án như thế mới thực sự thành hiện thực thì không ai biết. Bà Bùi Thị An (đại biểu Hà Nội) nhấn mạnh: “Tôi thấy rất cần thiết phải đưa bơi lội thành một môn học chính thức trong nhà trường, ngay từ bậc tiểu học. Chưa nói đến chuyện đuối nước của các em học sinh mà ngay việc tập thể dục thể thao, rèn luyện sức khỏe cũng là vô cùng quan trọng, nhất là trong trường học, từ cấp tiểu học cho đến cấp THPT.
Trẻ em không chỉ cần phát triển về trí tuệ mà còn phải chú trọng phát triển trí lực, thể lực, thể mĩ. Câu chuyện thể dục thể thao không chỉ đơn thuần là rèn luyện thân thể mà còn là ý thức cộng đồng. Đặc biệt là môn bơi lội càng cần phải phát triển mạnh mẽ, đưa thành bài học bắt buộc và hiệu quả trong trường học. Bởi Việt Nam là đất nước có nhiều sông ngòi, kênh rạch và đường bờ biển kéo dài từ Bắc chí Nam.
|
Trẻ em tắm sông, suối phải có người lớn theo kèm. |
Sống trong môi trường sông nước, các em học sinh cần phải được dạy những kỹ năng bơi lội cần thiết để tự bảo vệ mình trước những rủi ro có thể ập đến bất cứ lúc nào, không chừa một ai. Việc đưa môn bơi lội vào trong trường học, tôi nghĩ không phải bây giờ mới là cần thiết mà nó cần thiết từ rất lâu rồi, cần phải làm được từ rất lâu rồi”.
Vị đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội cũng nhấn mạnh: “Khi đưa vào thành chương trình học thì phải thực sự dạy và học có hiệu quả, có sự giám sát, dạy đến nơi đến chốn chứ không được lơ là hay làm cho qua, làm lấy thành tích. Trong môi trường trường học, những đầu tư cho thể dục thể thao cần phải được chú trọng hơn nữa để từ nay trở đi, chúng ta không bao giờ phải nghe nói đến những câu chuyện đau lòng như vụ việc 9 học sinh bị đuối nước mấy ngày gần đây nữa”.
Theo bà Vũ Thị Kim Hoa - Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em, tỷ lệ trẻ em Việt Nam bị đuối nước cao gấp 10 lần các nước đang phát triển và chỉ đứng sau số ca tử vong do tai nạn giao thông. Bà Vũ Thị Kim Hoa nhấn mạnh, có nhiều trường hợp, trẻ không biết bơi và không có kỹ năng cứu đuối lại nhảy xuống nước cứu bạn, dẫn đến hậu quả khôn lường.
Thống kê của Tổ chức Y tế thế giới cũng cho thấy, ở Việt Nam hàng năm có khoảng 6.400 người bị đuối nước, trung bình mỗi ngày Việt Nam có khoảng 20 trẻ em qua đời vì nguyên nhân này, trong đó chủ yếu ở lứa tuổi từ 5 - 14. Còn theo Cục Bảo vệ, Chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội), mỗi năm có khoảng 3.200 trẻ tử vong do đuối nước. Như vậy, mỗi ngày trung bình có 9 trẻ em và người vị thành niên chết đuối. Trong đó, số trẻ biết bơi tại Đồng bằng sông Hồng là 10%, Đồng bằng sông Cửu Long là 35%.
Nhức nhối với nạn đuối nước được cảnh báo từ năm này sang năm khác nhưng xem ra tình hình không thuyên giảm. Đơn cử, Hà Tĩnh là một tỉnh có nhiều sông rạch, vì vậy con số trẻ em đuối nước được liệt vào hàng đầu của 63 tỉnh, thành. Và, nguy cơ đuối nước vẫn luôn rình rập trẻ em ở khắp mọi nơi, nhất là vào mùa hè, khi các em có cơ hội tham gia nhiều hoạt động vui chơi tự do. Trước thực trạng đáng báo động này, bên cạnh sự quan tâm của các cơ quan chức năng thì các bậc làm cha, làm mẹ cần quản lý và chăm sóc con cái mình cẩn thận hơn, nhằm tránh những trường hợp đáng tiếc có thể xảy ra.
Ông bà xưa từng nói: “Có phúc con biết lội, có tội con biết trèo”. Câu nói ấy là kinh nghiệm từ hàng ngàn năm sống với tự nhiên của người xưa, những em biết bơi lội nếu rơi vào những tình huống ngặt nghèo trong môi trường nước sẽ có cơ hội sống sót rất cao. Ngày nay, điều kiện sống đã tốt hơn nhiều nhưng thật sự nhà trường và gia đình vẫn chưa coi trọng việc cho trẻ học bơi như một kỹ năng tự vệ. Ở nông thôn, trừ những trẻ em biết bơi một cách tự phát, còn lại không ai khuyến khích các con học bơi.
Ở thành phố, nhiều gia đình cho con đi học bơi vào cuối tuần, nhưng phần lớn phụ huynh khi cho con học bơi là để rèn luyện sức khỏe và giải trí hơn là để tự vệ. Một số phụ huynh còn ngại hồ bơi không đảm bảo vệ sinh nên không dám cho con đến học bơi.
Và những ngày này, nước mắt tuôn rơi, những vòng hoa tang phủ dọc dòng sông như nỗi đau của cả làng dành cho những cậu bé ngày hôm qua còn nở nụ cười vô tư lự tạm biệt gia đình khi đến lớp. Nhiều người chợt rùng mình khi cả làng quê nghèo bỗng rơi vào cảnh đau thương, ly biệt, giống như chuyến đò định mệnh từng khiến hơn 40 người thiệt mạng trong chuyến đò qua cửa sông Giang (xã Quảng Hải, huyện Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình) vào sáng ngày 30 Tết Nguyên đán năm 2009.
Và tôi nhớ, những ngày tháng Tư của tuổi học trò, khi ve chưa kêu, phượng chưa nở, năm nào cũng thế, chúng tôi lại phải tiễn đưa một vài người bạn cùng trường bởi ra bãi giữa sông Hồng chơi. Có năm ba anh em sinh ba của gia đình bạn thân tắm sông rồi mãi mãi nằm lại ở tuổi 15... Mãi mãi là một nỗi ám ảnh như thế trước mỗi mùa thi, trước kì nghỉ hè của thời thơ ấu...