Giáo viên “mời” học sinh đến lớp học
Sáng sớm, tại Đồn Biên phòng cửa khẩu (BPCK) Lóng Sập, Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Sơn La, Binh nhất Lò Văn Quyết đã khệ nệ bê nồi cơm nóng và trứng chiên ra vọng gác cổng đồn. Thấy lạ, chúng tôi liền hỏi: “Mới sáng sớm em để cơm ở đây làm gì?”. Quyết trả lời: “Ngày nào chúng em cũng mang cơm ra đây để 7 giờ sáng, cô giáo ở điểm trường trên đỉnh núi đến mang cơm vào cho học sinh ăn”. Lát sau, cô giáo Nguyễn Thị Hương Giang chạy xe tới, hối hả buộc nồi cơm vào sau xe rồi phóng đi như bay.
Đại úy Trá A Của - Đội trưởng Đội Vận động quần chúng dẫn chúng tôi đến ngôi trường trên đỉnh núi. Chúng tôi bám bờ vực sâu hút chạy đuổi theo bóng cô giáo ở cách hai quả đồi. Trên đỉnh núi ở độ cao gần 1.500m so với mực nước biển có một dãy nhà gỗ cũ kỹ vắng hoe hoắt, xung quanh trống hoác. Không thấy học sinh, chúng tôi tò mò: “Học sinh ở đâu cô giáo?”.
“Em phải đi đến từng nhà kêu và dẫn các cháu ra trường học”. Cô Giang nói rồi đi ra đầu mỏm núi gọi lớn: “Các con ơi! mẹ đến rồi, ra lớp học đi”. Lát sau thấy có 5 cháu đến lớp học. Mặt mũi đứa nào cũng lấm lem, nước mũi thò lò. Cô Giang nhẹ nhàng rửa mặt và chải tóc cho từng cháu một.
Bản Buốc Pát nằm sát đường biên giới, bên kia biên giới là “thung lũng ma túy” nóng nhất hiện nay. Hàng ngày có rất nhiều đối tượng nghiện từ vùng khác đi qua bản Buốc Pát để sang “thung lũng ma túy” mua bán và sử dụng ma túy. Buốc Pát có 14 hộ dân thì 12 hộ có người đi tù và nghiện ma túy. Chỉ nhà ông Trưởng bản và Phó bản không có người “dính” vào ma túy. Lớp mẫu giáo của cô chỉ có 6 cháu mà 5 cháu có bố đi tù và mẹ nghiện ma túy.
Hàng ngày, cô giáo Giang phải đi rất xa xuống suối xách nước về nấu cho các cháu uống, trời lạnh cô pha nước ấm cho các cháu rửa mặt, chăm sóc học sinh tận tình như con em mình. Cô giáo phải đối xử với học sinh như người mẹ thì mới động viên được các em đến lớp học.
Hết đói bụng, lớp học đông đủ
Chuyện cán bộ, chiến sĩ Đồn BPCK Lóng Sập tự nguyện nấu cơm cho các em học sinh ăn không hề có sự chỉ đạo từ cấp Bộ Tư lệnh hay Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh. Người “phát minh” ra ý tưởng này là Thiếu tá Đào Mạnh Tưởng - Chính trị viên của Đồn. Thiếu tá Tưởng kể: “Cuối năm 2011, tôi đi công tác ở bản Buốc Pát, ghé vào điểm trường chơi thấy vắng học sinh. Hỏi thầy giáo Thành nguyên nhân, thầy giáo trả lời: “Các em đói nên không muốn đi học”.
“Hình ảnh học sinh bị đói ở bản ùa về trong tâm trí tôi. Thứ hai, tôi họp đơn vị và đưa ra ý tưởng cán bộ, chiến sĩ bớt khẩu phần ăn của mình, dành cơm đưa lên điểm trường cho các em ăn. 100% cán bộ, chiến sĩ đều nhất trí. Rồi chúng tôi xin ý kiến các thầy cô giáo và cùng nhau thực hiện” - Thiếu tá Tưởng kể tiếp.
Nồi cơm nóng của BĐBP đã nuôi bữa trưa của gần 20 cháu học sinh, cả mầm non và tiểu học. Bữa nào bộ đội ăn trứng thì các cháu ăn trứng, bữa nào bộ đội ăn thịt thì cháu ăn thịt. Lúc đầu, bộ đội nấu cơm xong cử cán bộ trực tiếp mang lên điểm trường, thầy cô giáo mang bát, thìa từ nhà mình đi cho học sinh ăn. Về sau, bộ đội cứ để cơm ở vọng giác cổng đồn, thầy cô giáo trên đường đến lớp thì lấy cơm mang vào trường luôn.
Quy định bất thành văn, các thầy cô xuất phát từ nhà khoảng 5 giờ 30 phút, chạy mấy chục cây số đến cổng đồn khoảng 7 giờ thì ghé vào lấy cơm. Ai đi trước thì ghé lấy cơm mang lên trước. Vì vậy, mỗi khi đi qua cổng Đồn BPCK Lóng Sập, các giáo viên đều nhìn vào vọng gác, đây là việc làm thiết thực nhất để có thể “kêu gọi” và “giữ” các em đến trường học tốt nhất.
Điểm trường bản Buốc Pát có đầy đủ các lớp mầm non, lớp 2, 3, 4, 5 nhưng là lớp nhô. Cô Đinh Thị Ngân dạy chung 2 lớp (lớp 2 và lớp 3) với tổng số học sinh 3 em. Thầy Lê Bá Thành dạy chung 2 lớp (lớp 4 và lớp 5) với tổng số học sinh 7 em. Theo quy định, các thầy, cô giáo chỉ dạy ở các điểm trường đặc biệt khó khăn trong 1 - 2 năm thì được chuyển về trường trung tâm xã hoặc huyện. Thế nhưng, thầy Lê Bá Thành đã “cắm chốt” hơn 10 năm nay tại bản Buốc Pát.
Thầy Thành cho biết: “Lúc trước chưa có đường, từ trung tâm xã tôi phải đi vòng theo đường biên giới mất 4 giờ, nếu như trời mưa thì lên 6 giờ mới vào được bản. Vì vậy, tôi phải làm một cái lán nhỏ bên lớp học để ở. Lương thực, thực phẩm phải gùi bên ngoài vào. Dân bản cũng đói, kiếm được tí gì thì đốt vào ma túy lấy gì mà hỗ trợ. Lúc rảnh, tôi thường đi làm rẫy với họ”.
“Thầy đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ nơi quá khó khăn rồi, sao không xin chuyển về trung tâm dạy?”- chúng tôi thắc mắc?
“Xét về “thành tích” cắm bản đặc biệt khó khăn, tôi đã vượt quá xa chỉ tiêu rồi. Thừa tiêu chuẩn để về trường trung tâm huyện, chứ không nói trung tâm xã. Mình là nam giới mà bỏ bản đi, các cô giáo lại đến đây chịu khổ, thế coi sao được.
Tôi chỉ muốn góp phần để làm cho những em nhỏ ở đường biên này thành lớp người mới. Chí ít cũng không dính vào ma túy giống như bố mẹ các em” - thầy Thành trăn trở.
Có thầy Thành ở trường bản, mấy “ông” nghiện ở nơi khác đến đây cũng có chút “nể mặt”. Đường đất núi có độ dốc cao, cứ chạy theo bờ vực sâu thẳm, trời mưa xuống nó trơn như dầu, phải đi bộ 3 giờ mới đến nơi. Vào mùa mưa, thầy Thành trở thành người không thể thiếu được ở điểm trường bởi thầy có “nhiệm vụ”gắn xích vào bánh xe máy cho các cô giáo để chống lầy, thầy còn đẩy xe, khiêng xe cho các cô giáo khi các cô bị ngã hay đi qua vũng lầy.